Dưới đây là nội dung cuộc trả lời phỏng vấn:
Ông có đánh giá như thế nào về làn sóng dịch lần thứ 4 đang diễn ra Việt Nam?
Chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ tình hình dịch bệnh đang bùng phát ở Việt Nam. Dịch bệnh đã và đang tiến triển nhanh và có tính chất phức tạp.
Hiện dịch bệnh đã lây lan rất nhanh đến các tỉnh, thành phố, bao gồm cả trong các khu công nghiệp. Hai biến thể đáng lo ngại của virus (B.1.1.7 và B.1.617.2) đã được phát hiện. Những yếu tố này làm cho việc điều tra trường hợp bệnh và truy vết những người tiếp xúc trở nên rất khó khăn.
Một vài tuần tới rất quan trọng trong việc kiểm soát các ổ dịch. Với công tác truy vết và xét nghiệm triệt để, dự đoán sẽ có thêm nhiều ca mắc được phát hiện và có thể có thêm tỉnh/thành phố sẽ báo cáo các ca bệnh. Có nguy cơ rất cao các ca bệnh trong cộng đồng sẽ tiếp tục được phát hiện trong những ngày tới và có thể trong nhóm những người cách ly như F1.
Xin ông cho biết đánh giá của WHO về các biện pháp của Chính phủ Việt Nam để kiểm soát đợt dịch này?
Việt Nam đã tăng cường các biện pháp ứng phó đã được chứng minh là có hiệu quả trong các đợt dịch bùng phát vừa qua. Các biện pháp này được điều chỉnh hàng ngày theo diễn tiến của tình hình dịch bệnh. Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng Việt Nam có thể ngăn chặn các đợt bùng phát hiện nay thông qua cách tiếp cận toàn chính phủ và toàn xã hội.
Ông đánh giá như thế nào về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam hiện nay?
Tương tự các quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm nguồn cung vaccine hạn chế, không chủ động được lịch vận chuyển, hạn sử dụng vaccine ngắn... Tính đến ngày 14/5, khoảng 950.000 người đã được tiêm vaccine tại Việt Nam kể từ khi liều vaccine đầu tiên được tiêm vào ngày 8/3/2021.
Tin vui là Việt Nam đã nhận được thêm 1.682.400 liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca từ COVAX Facility vào ngày 16/5/2021. Lô vaccine bổ sung này sẽ giúp mở rộng tiêm chủng các nhóm đối tượng ưu tiên trong những tháng tới.
WHO đang có những hỗ trợ như thế nào để giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn vaccine cũng như các phương pháp xét nghiệm mới chính xác, chi phí thấp và có kết quả nhanh hơn trong thời gian tới?
Về vaccine, WHO là đồng sáng lập của COVAX Facility. COVAX Facility cam kết đến cuối năm 2021 sẽ cung cấp vaccine COVID-19 cho 20% dân số của các quốc gia tham gia cơ chế này, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, WHO và các đối tác đang tìm cách mở rộng năng lực sản xuất vaccine COVID-19 của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMIC) và mở rộng quy mô sản xuất nhằm tăng cường khả năng tiếp cận toàn cầu đối với các công cụ quan trọng này nhằm kiểm soát đại dịch.
Để thực hiện ý tưởng này, WHO đang tìm kiếm sự quan tâm từ các nhà sản xuất sản phẩm y tế, ưu tiên từ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, là nơi có thể trở thành trung tâm mARN COVID-19 tập hợp công nghệ thực hành sản xuất tốt và sản xuất các lô thí điểm để thử nghiệm lâm sàng; và chuyển giao bí quyết và công nghệ thích hợp cho các nhà sản xuất có sẵn hoặc mới thiết lập tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình để cho phép các nhà sản xuất này phát triển và sản xuất vaccine COVID-19 mARN.
Trong những tuần tới, WHO sẽ đưa ra một lời kêu gọi khác để tìm kiếm sự quan tâm từ các nhà sản xuất trong các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình quan tâm đến việc tiếp nhận công nghệ được phát triển từ một hoặc nhiều trung tâm chuyển giao công nghệ.
Một nhà sản xuất vaccine tại Việt Nam đã bày tỏ mong muốn trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine COVID-19 theo công nghệ mRNA và đang được văn phòng trụ sở của WHO xem xét. Dự kiến, Việt Nam cũng sẽ áp dụng công nghệ mRNA để sản xuất vaccine COVID-19 trên quy mô lớn.
Nếu Việt Nam được lựa chọn trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine COVID-19 theo công nghệ mARN, điều này sẽ góp phần vào việc sản xuất vaccine COVID-19 mRAN ở Việt Nam cũng như trong khu vực.
Về phương pháp xét nghiệm, WHO đang tiếp tục hỗ trợ việc phát triển các phương pháp xét nghiệm trong thời gian nhanh hơn, cho kết quả chính xác hơn, chi phí hợp lý và dễ sử dụng hơn cũng như hỗ trợ tất cả các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, tiếp cận với các các phương pháp xét nghiệm COVID-19 chất lượng, chi phí hợp lý.
Đối với Việt Nam, WHO đã và đang tư vấn kỹ thuật để xây dựng các hướng dẫn và chiến lược xét nghiệm quốc gia. WHO cũng đã cung cấp các vật tư xét nghiệm phòng thí nghiệm bao gồm bộ dụng cụ lấy mẫu và sinh phẩm cho phương pháp xét nghiệm RT-PCR. WHO cam kết tiếp tục cung cấp các hỗ trợ này.
Theo ông, có nên hướng dẫn để người cách ly tự lấy mẫu xét nghiệm nhằm giảm thiểu rủi ro cũng như chia sẻ gánh nặng cho nhân viên y tế không?
Thu thập mẫu bệnh phẩm đạt chất lượng là bước đầu tiên quan trọng để đảm bảo chất lượng xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Mẫu bệnh phẩm thu thập kém chất lượng hoặc không tối ưu có thể làm giảm chất lượng của kết quả xét nghiệm phòng thí nghiệm và thậm chí có thể dẫn đến kết quả âm tính giả.
Vì vậy, WHO đặc biệt khuyến cáo việc lấy mẫu bệnh phẩm cần được tiến hành cẩn thận bởi kỹ thuật viên đã được đào tạo bài bản, tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn. Điều này cũng bao gồm cả việc trang bị đồ bảo hộ cá nhân thích hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chúng tôi cũng xin nhắc lại rằng việc xét nghiệm cần phải cân bằng giữa tác động về sức khỏe cộng đồng với nguồn nhân lực và vật chất sẵn có. Nếu xét nghiệm đang trở thành gánh nặng lớn đối với nhân viên y tế và khả năng sẽ thiếu hụt vật tư, thì có thể đã đến lúc cần kiểm tra lại hoạt động xét nghiệm hiện tại và ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu có tác động cao hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!