Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có các nguyên thủ, lãnh đạo các nước ASEAN và các nước đối tác cùng hơn một nghìn đại biểu là thành viên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới; các doanh nghiệp ASEAN, thế giới và Việt Nam.
Trước đó, tại sảnh lớn Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schwab đã chủ trì Lễ đón chính thức Hội nghị WEF ASEAN 2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schwab đã lần lượt đón các nguyên thủ, Trưởng đoàn tới Việt Nam tham dự WEF ASEAN 2018 và cùng chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới tham dự phiên khai mạc.
Ngay sau lễ đón, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schwab đã cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các Trưởng đoàn tham quan Góc quảng bá các nước ASEAN.
Ngay sau đó, các nhà lãnh đạo và các đại biểu đã cùng tham dự phiên khai mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 với chủ đề "Những ưu tiên của ASEAN trong Cách mạng công nghiệp 4.0".
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cử Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc về điều phối chiến lược làm Đặc phái viên đọc thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc tế gửi đến Hội nghị. Đây là một cử chỉ rất đặc biệt, lần đầu tiên có tại Hội nghị WEF ASEAN năm nay; khẳng định sự ủng hộ và quan tâm của Liên hợp quốc nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung đối với vị thế, vai trò của ASEAN và Việt Nam.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF Klaus Schwab khẳng định, đây là Hội nghị thượng đỉnh cao cấp nhất từng có về ASEAN. Chủ tịch WEF cho rằng, dù còn nhiều khác biệt nhưng “không nên quên rằng chúng ta có mối quan tâm chung và trách nhiệm chung với thế giới”.
Theo Chủ tịch Klaus Schwab, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ thay đổi mô hình kinh doanh, tính kinh tế, xã hội một cách cơ bản và mang tính đột phá. Sự cạnh tranh toàn cầu được xác định bởi năng lực cạnh tranh chứ không còn bởi giá thành. Trong bối cảnh đó, các quốc gia đã thành công trong làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có hệ sinh thái sáng tạo và hệ sinh thái doanh nhân.
Chủ tịch Klaus Schwab cho rằng, để có thể định hướng thành công trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi Chính phủ các nước ASEAN cần tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sự cộng tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp là rất quan trọng để đạt được tiến bộ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông Klaus Schwab tin tưởng, các quốc gia ASEAN với tầm nhìn phù hợp, với chính sách tối ưu, dân số trẻ và tinh thần kinh doanh cao sẽ là những người đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công nghệ cao và nền kinh tế số đang là những lĩnh vực đầy tiềm năng của ASEAN với dự báo sẽ tăng gấp 4 lần, lên tới trên 200 tỷ USD vào năm 2025.
Phân tích những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho các nước ASEAN, Thủ tướng đề cập đến sự đột phá về năng suất trên 5 ngành công nghiệp lớn: điện tử, hóa chất và dầu khí, hàng tiêu dùng, thực phẩm và dược phẩm. Bên cạnh đó là thúc đẩy tăng trưởng bao trùm hơn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc trên cơ sở ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra kết nối và chia sẻ các giá trị và sự sáng tạo mới.
Ngoài ra, cách mạng 4.0 còn mở ra cơ hội kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa với các thị trường xuyên quốc gia và toàn cầu. ASEAN cũng có thể vượt qua các giai đoạn phát triển công nghiệp truyền thống bằng cách mạnh dạn phát triển trí tuệ nhân tạo, robot, tự động hóa, máy bay không người lái, thiết bị vệ tinh, hệ thống cảm biến… nhằm nâng cao năng suất, sử dụng hiệu quả nguồn lực và tài nguyên.
Về những thách thức mà ASEAN phải đối mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ nguy cơ mất việc làm khi áp dụng tự động hóa. Thủ tướng viện dẫn số liệu của Tổ chức Lao động thế giới ILO: 56% số việc làm của 5 nước ASEAN có khả năng chuyển sang trí tuệ nhân tạo và robot. Song, cũng có nhiều chuyên gia nói rằng nhiều sinh kế cho người dân cũng sẽ được xuất phát từ cuộc cách mạng 4.0. Thủ tướng cho rằng, cách mạng 4.0 có tiềm năng làm tăng tốc thu nhập đối với người dân và quốc gia có tài năng và có trí thức, làm tăng khoảng cách thu nhập và nguy cơ về bất ổn xã hội…
Đứng trước những cơ hội và thách thức đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất các quốc gia ASEAN ưu tiên các lĩnh vực như: Kết nối số, chia sẻ dữ liệu, hài hòa môi trường kinh doanh, thúc đẩy hình thành và kết nối các vườn ươm sáng tạo; tìm kiếm phát huy tài năng và hình thành mạng lưới giáo dục ASEAN và hệ thống học tập suốt đời.
Về kết nối số, chia sẻ dữ liệu, Thủ tướng đề nghị các bên trao đổi để lồng ghép và nâng cao hiệu quả của các kết nối theo hướng “xây dựng các nguyên tắc của ASEAN về hợp tác chia sẻ dữ liệu nhằm điều chỉnh cách thức và điều kiện để dữ liệu có thể được chia sẻ và sử dụng hiệu quả”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tại hội nghị này, Việt Nam sẽ đưa ra các sáng kiến mới về hòa mạng di động 1 giá cước toàn ASEAN. Hợp tác trí tuệ, bảo đảm an ninh mạng, hợp tác đào tạo nhân lực, công nghệ thông tin chất lượng cao.
Nhắc đến sự kiện doanh nghiệp Go-Jek của Indonesia và Go-Viet sẽ khai trương dịch vụ vận chuyển hành khách trên nền tảng công nghệ 4.0 nhân dịp này, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam mong muốn được nhìn thấy nhiều hơn nữa những hợp tác như vậy để nói với toàn thế giới rằng, không khí hợp tác, khởi nghiệp đang thực sự lan tỏa trong ASEAN”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các quốc gia ASEAN xây dựng khuôn khổ kết nối vườn ươm quốc gia và mạng lưới vườn ươm rộng lớn hơn của cả khu vực. Cùng với đó là xây dựng một chiến lược ươm mầm các tài năng các nước ASEAN và hình thành mạng lưới kết nối về giáo dục và xây dựng hệ thống học tập suốt đời ở các nước ASEAN.
Với dân số hơn 640 triệu người, chiếm 8,5% dân số thế giới, ASEAN giờ đây đã là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và thứ 5 của thế giới. Trên nền tảng ấy, Thủ tướng đề nghị phát huy thị trường nội khối ASEAN là một thị trường đủ lớn cho các chiến lược phát triển, hướng đến thị trường ASEAN 2025 - một ASEAN mở, hợp tác đa dạng; trong đó có vai trò quan trọng và sự hợp tác tích cực của WEF - nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng chiến lược sáng tạo toàn cầu.
“Trong bối cảnh lan tỏa cách mạng công nghiệp 4.0, môi trường khu vực và toàn cầu cạnh tranh gay gắt, chúng ta phải chung tay hợp tác, tăng cường đoàn kết, phát huy sức mạnh nội khối để xây dựng một ASEAN hòa bình, ổn định và tự cường dựa trên luật lệ hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm. ASEAN đã và sẽ tiếp tục nỗ lực khẳng định, vai trò trung tâm ở khu vực cùng với các đối tác duy trì hòa bình, ổn định đảm bảo tự do, lưu giữ hàng hóa trên không, trên bộ và trên biển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Bám sát chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0", với 60 phiên họp, Hội nghị WEF ASEAN tập trung thảo luận, đề xuất ý tưởng, định hướng, chính sách khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và sự năng động của doanh nghiệp và người dân, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vì người dân, năng động, vững mạnh, thịnh vượng. Đặc biệt, nhiều nội dung thiết thực sẽ được trao đổi, bàn luận sâu sắc như đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, mô hình kinh doanh mới, phát triển kinh tế số, tri thức và kỹ năng số, đào tạo và giải quyết việc làm, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm nghèo bền vững.
Hội nghị WEF ASEAN 2018 tổ chức nhiều hoạt động như Diễn đàn mở về khởi nghiệp sáng tạo, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam, Dạ hội Văn hóa Việt Nam, quảng bá quốc gia và quảng bá của một số tỉnh thành như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh... Đây là cơ hội cho các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam tăng cường giao lưu, hợp tác, liên kết với các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp khu vực, thế giới để mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, công nghệ, du lịch… và các nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển.