Bổ sung ngành nghề kinh doanh
Giai đoạn 2016 - 2020, công tác cơ cấu lại của Vinachem thực hiện theo Quyết định số 16/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020. Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch và lộ trình để triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp tại Công ty mẹ và các đơn vị thành viên đúng quy định. Lũy kế giai đoạn từ 2017 đến ngày 31/3/2023, Tập đoàn đã phối hợp với các đơn vị tư vấn triển khai công tác xác định giá trị doanh nghiệp tại 23 doanh nghiệp; tổ chức bán đấu giá công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán đối với 14 doanh nghiệp; thoái vốn thành công và thành công một phần tại 9 doanh nghiệp. Giá trị thu được là 3.206 tỷ đồng, lợi nhuận thuần 2.948 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác cổ phần hóa Công ty mẹ và đơn vị thành viên, công tác thoái vốn của Tập đoàn chưa hoàn thành do vướng mắc các quy định liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị thương hiệu. Việc phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp còn nhiều quy trình, thủ tục mất nhiều thời gian. Một số vướng mắc lớn trong việc xử lý tài chính khi xác định giá trị doanh nghiệp đối với Công ty mẹ, ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn của Tập đoàn giai đoạn 2017 -2020 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025, Vinachem đã báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Tập đoàn tiếp tục duy trì các ngành nghề kinh doanh như đang quy định tại Nghị định số 20/2018/NĐ-CP. Đồng thời, bổ sung chi tiết thêm ngành nghề kinh doanh chính: sản xuất, kinh doanh sản phẩm điện hóa (sản xuất pin, ắc quy) để phù hợp việc Tập đoàn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại doanh nghiệp thành viên sản xuất kinh doanh sản phẩm điện hóa (sản phẩm có vai trò lưỡng dụng trong dân dụng và quốc phòng).
Tập đoàn đề xuất duy trì Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giai đoạn 2022 - 2025; cổ phần hóa Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Apatit Việt Nam, Tập đoàn nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên của Công ty cổ phần; đề xuất tỷ lệ nắm giữ vốn ở một số doanh nghiệp thành viên, sắp xếp lại hai đơn vị sự nghiệp và thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp là những công ty con, công ty liên kết hoạt động hiệu quả thấp, quy mô và vai trò nhỏ trong Tập đoàn.
Sau khi cơ cấu lại, quy mô Tập đoàn gồm Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; hai đơn vị sự nghiệp, hai công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ; 17 công ty con do Tập đoàn nắm giữ từ trên 50% vốn điều lệ; ba công ty liên kết. Các doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn trong ngành công nghiệp hóa chất, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, phân bố đều ba miền Bắc, Trung, Nam.
Tập đoàn tiếp tục góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, một số sản phẩm có tính lưỡng dụng. Doanh thu cả giai đoạn 2021- 2025 đạt 277.741 tỷ đồng, tăng 33,7% so với thực hiện giai đoạn 2016 - 2020. Lợi nhuận đạt khoảng 19 nghìn tỷ đồng. Công ty mẹ đều có lãi phát sinh hàng năm, lũy kế giai đoạn 2021 - 2025 hết lỗ lũy kế và có lãi.
Lý giải về việc thêm ngành nghề kinh doanh chính, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Nguyễn Phú Cường cho hay, Tập đoàn không làm điện mà làm pin, ắc quy, thuộc lĩnh vực hóa chất. Đây là sản phẩm lưỡng dụng, dùng trong dân sự và quốc phòng. Trong xu thế phát triển năng lượng tái tạo, xe điện, sản xuất pin cho các loại xe, bộ lưu điện cho điện mặt trời, điện gió chính là sản phẩm cụ thể của ngành công nghiệp điện hóa. Đây cũng là thế mạnh của Tập đoàn từ trước đến nay với các mặt hàng bộ lưu điện đang chiếm lĩnh thị trường, cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước và quốc tế. Trong tương lai, ngành này rất quan trọng.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân cho biết, Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam được xây dựng, trình các cơ quan đúng thẩm quyền. Bà Thu Vân đề nghị Tập đoàn và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giải trình, làm rõ hơn về sự cần thiết, cấp thiết phải điều chỉnh, bổ sung ngành nghề kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Nhật Tân, tán thành với phương án Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giai đoạn 2022 - 2025 để có đủ thời gian cho Tập đoàn sắp xếp tài sản đất đai, xác định giá trị doanh nghiệp và các công việc liên quan trước khi cổ phần hóa.
Nỗ lực để cơ cấu thành công
Đánh giá Tập đoàn đã đẩy mạnh tổ chức sản xuất kinh doanh, đạt nhiều kết quả quan trọng và trong 2 năm 2020 - 2021 được xếp hạng tín dụng B, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận, trong bối cảnh khó khăn, năm 2022 lợi nhuận gộp của Vinachem đạt trên 6.200 tỷ đồng, các nhà máy thuộc diện yếu kém kéo dài cũng lãi trên 2.000 tỷ đồng, đây là kết quả rất tích cực. Tập đoàn đã xử lý việc mất cân đối tài chính, tạo thuận lợi cho cơ cấu lại hoạt động trong giai đoạn 2021 - 2025. Phó Thủ tướng mong muốn Tập đoàn tiếp tục nỗ lực để cơ cấu thành công trong thời gian tới, hoạt động ổn định và phát triển.
Khẳng định vai trò quan trọng của Vinachem đối với nền kinh tế và đời sống người dân, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn tiếp thu ý kiến của các bộ ngành, hoàn thiện dự thảo đề án, trong đó đánh giá kỹ những kết quả đạt được, làm rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đề xuất các giải pháp tái cơ cấu thực sự khả thi, hiệu quả, đảm bảo đi vào cuộc sống.
Theo Phó Thủ tướng, việc triển khai tái cơ cấu Vinachem giai đoạn trước chưa đạt yêu cầu, việc cổ phần hóa Công ty mẹ chưa thực hiện được, một số đơn vị thoái vốn đạt tỷ lệ thấp (26%). Nguyên nhân là do trong quá trình xây dựng đề án chưa lường hết những biến động như: tác động của dịch COVID-19; tác động của thị trường… Do đó, Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025 phải xây dựng một cách tổng thể, có căn cứ pháp lý và căn cứ chính trị rõ ràng, lường trước tình hình, dự đoán các biến động, các tình huống để có giải pháp hiệu quả.
Đồng tình với việc bổ sung chi tiết thêm ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh sản phẩm điện hóa (sản xuất pin, ắc quy), Phó Thủ tướng cho rằng, đây không phải là ngành mới mà đã gắn với quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, nằm trong chiến lược phát triển công nghiệp ngành Công Thương và phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Phó Thủ tướng ủng hộ đề xuất bổ sung vốn điều lệ cho Tập đoàn, đồng thời lưu ý phải đảm bảo đủ các điều kiện và nguồn lực để tăng vốn. Tập đoàn phải tự cân đối nguồn lực để bổ sung vốn điều lệ, tăng thêm năng lực tài chính.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến cụ thể về việc thoái vốn, nắm giữ vốn của Tập đoàn đối với các doanh nghiệp thành viên, cơ cấu lại một số dự án với yêu cầu tính toán kỹ lộ trình, thời điểm để quyết định nắm giữ tỷ lệ hợp lý theo đúng quy định và thẩm quyền. Thoái vốn phải bảo đảm hiệu quả, không máy móc, nhất là với “những con gà đẻ trứng vàng”.
Đối với phương án sắp xếp lại Công ty mẹ - Tập đoàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, hiện Thủ tướng chưa quyết định việc nắm giữ 100% vốn điều lệ. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn phải làm đúng trình tự, việc cổ phần hóa Công ty mẹ sẽ thực hiện sau năm 2025. Tuy nhiên, trong thời gian chưa cổ phần hóa, Tập đoàn phải chuẩn bị các bước công việc tiến tới cổ phần hóa, trong đó trọng tâm là xử lý nhà đất, tài sản công hiệu quả.
Liên quan đến xử lý tài chính đối với 3 dự án thua lỗ, kéo dài của Vinachem, Bộ Chính trị đã cho chủ trương, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nhanh chóng hoàn thiện phương án với tinh thần “làm sớm ngày nào, hay ngày ấy”.