Nghị sĩ Mark Garnier cho biết năm 2023 là dấu mốc quan trọng khi hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, khẳng định đây là cơ hội để hai bên đánh giá về sự phát triển vượt bậc của tình hữu nghị giữa hai nước, đồng thời hướng tới hợp tác trong tương lai và 50 năm tới. Đặc phái viên Thương mại Anh bày tỏ vui mừng về chuyến thăm Anh của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hồi tháng 5 dự Lễ đăng quang Vua Charles III. Ông khẳng định chuyến thăm là minh chứng cho mối quan hệ song phương đang phát triển trên nhiều mặt.
Nghị sĩ Mark Garnier nêu bật những thành tựu hợp tác giữa hai nước với việc đạt được nhiều thỏa thuận, đặc biệt là Hiệp định Thương mại Tự do Anh - Việt Nam (UKVFTA) ký kết vào năm 2020, một trong những thỏa thuận thương mại đầu tiên của Anh sau khi rời Liên minh châu Âu (EU) và là bước tiến đáng kể trong quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước. Sau hai năm ký UKVFTA, kim ngạch thương mại song phương tăng mạnh, đạt khoảng 6,9 tỷ bảng (8,6 tỷ USD) trong năm 2022, tăng 29% so với năm trước. Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đang chiếm phần lớn thương mại hai chiều nhưng Nghị sĩ Mark Garnier cho rằng có rất nhiều cơ hội thương mại để Anh khai thác trong tương lai.
Nghị sĩ Mark Garnier cho biết chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 7 với sự ủng hộ của Việt Nam, Anh đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, gồm năng lượng tái tạo, giáo dục, y tế, công nghệ tài chính và dịch vụ nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác thương mại tiếp tục phát triển và chia sẻ một cách hiệu quả các lĩnh vực chuyên môn.
Nhận định về triển vọng hợp tác thương mại giữa hai nước, Nghị sĩ Mark Garnier chỉ ra các lĩnh vực mà Anh chắc chắn có nhiều cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, gồm công nghệ nông nghiệp, tài chính, dịch vụ, dược phẩm, y tế, giáo dục và đặc biệt là sản xuất năng lượng sạch và xây dựng cơ sở hạ tầng lưới điện. Ngược lại, Việt Nam có rất nhiều cơ hội giao thương với Anh, bao gồm mở rộng xuất khẩu sang Anh đối với các mặt hàng như điện thoại di động lắp ráp tại Việt Nam, quần áo, hàng dệt may…
Theo ông, việc Anh gia nhập CPTPP tạo thêm cơ hội cho thương mại song phương do hiệp định sẽ bổ sung cho UKVFTA, nâng cấp quan hệ song phương với các mức thuế ưu đãi bổ sung, tạo điều kiện để hai nước tăng cường xuất khẩu. Việt Nam có thể xuất sang Anh nhiều nông sản hơn trong khi Anh sẽ tăng xuất khẩu rượu whisky và hải sản sang Việt Nam. Anh và Việt Nam cùng cam kết về thương mại toàn cầu cũng như đảm bảo tự do về dòng vốn và đầu tư. CPTPP đặt ra các tiêu chuẩn cao về thương mại và bao gồm các điều khoản về các lĩnh vực như thương mại kỹ thuật số, thương mại điện tử và thương mại dịch vụ phù hợp với các nền kinh tế hiện đại như Anh. Việc tham gia CPTPP mang lại triển vọng đầu tư đáng kể cho các doanh nghiệp Anh.
Nghị sĩ Mark Garnier nhận định CPTPP với tổng dân số nửa tỷ người và tổng GDP 9.000 tỷ bảng (sẽ tăng lên 11.000 tỷ bảng sau khi Anh gia nhập) mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Anh. Việt Nam đang ở vị thế rất mạnh để thu hút các doanh nghiệp Anh đang tìm kiếm một địa điểm tại khu vực châu Á để khai thác các cơ hội từ CPTPP.
Nghị sĩ Mark Garnier khẳng định với vai trò Đặc phái viên thương mại, ông sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Anh đầu tư vào Việt Nam và tăng cường thương mại, đồng thời giúp các doanh nghiệp Việt Nam muốn đến và đầu tư vào Anh tìm được địa điểm đầu tư tốt và tận dụng thị trường nội địa của Anh. Ông cho rằng hai nước đang trong điều kiện rất thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư, mang lại lợi ích cho cả hai nước và giúp mối quan hệ phát huy hết tiềm năng, chỉ ra rằng sự ổn định và tính minh bạch tiếp tục là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư, cũng như tạo điều kiện để người lao động và nhà đầu tư đến Việt Nam. Theo ông, hai chính phủ cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho các giao dịch và kết nối giữa doanh nghiệp hai nước, đảm bảo thiết lập các mạng lưới cần thiết, là cơ sở để các doanh nghiệp có thể tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác.
Đánh giá về tiềm năng của Việt Nam, Nghị sĩ Mark Garnier cho rằng Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng đối với chương trình nghị sự thương mại của Anh cũng như đối với chiến lược của nước này tập trung vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và châu Á - Thái Bình Dương. Theo ông, Việt Nam, với 102 triệu dân và mong muốn trở thành quốc gia có thu nhập cao, là thị trường hấp dẫn cho các doanh nghiệp Anh trong vòng 20 - 50 năm tới. Ông cho biết giới chức Anh đang trao đổi với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh về khả năng thành lập trung tâm dịch vụ tài chính với các thị trường tài chính bán buôn, tư vấn tài chính, thị trường chứng khoán... những lĩnh vực Anh hoàn toàn có thể hỗ trợ.
Nghị sĩ Mark Garnier nhấn mạnh các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Anh, ngày càng nhạy cảm với các vấn đề về môi trường và khí hậu. Điều đáng mừng là Việt Nam bắt đầu dẫn đầu trong khu vực về phát triển bền vững. Sau chuyến thăm Anh dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021 của Thủ tướng Phạm Minh Chính, khi Việt Nam đưa ra cam kết lịch sử về mục tiêu phát thải ròng bằng 0, các đối tác quốc tế đã ký thỏa thuận đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam, theo đó sẽ huy động 15,5 tỷ USD hỗ trợ tài chính và kỹ thuật quốc tế để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ than sang năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Theo Nghị sĩ Mark Garnier, đầu tư ngay lúc này vào cơ sở hạ tầng sạch và các giải pháp khí hậu công nghệ cao sẽ rất quan trọng để Việt Nam duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và duy trì tăng trưởng kinh tế trong những thập kỷ tới. Ông chỉ ra rằng cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong thực hiện việc này bởi điều đó không chỉ cho phép các sản phẩm Việt Nam thâm nhập vào các thị trường có tiêu chuẩn cao về chất lượng và môi trường như Anh mà còn thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư Anh vào Việt Nam.
Với tư cách là Đặc phái viên thương mại của Thủ tướng Anh, Nghị sĩ Mark Garnier cam kết tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương về thương mại và đầu tư, thúc đẩy các quan hệ đối tác thương mại mới và có triển vọng giữa doanh nghiệp hai nước, đồng thời đảm bảo tăng cường hợp tác về các vấn đề chính sách thương mại và tiếp cận thị trường.