Tại Hội nghị, Việt Nam đã cùng các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa phương trong khuôn khổ OIF, vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trong không gian Pháp ngữ. Hội nghị với sự tham dự của gần 300 đại biểu của khoảng 70 đoàn đại diện cho 88 Nhà nước và Chính phủ thành viên Pháp ngữ. Đoàn Việt Nam do Đại sứ đặc mệnh Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Đại diện Chủ tịch nước bên cạnh OIF làm Trưởng đoàn tham dự.
Diễn ra trong bối cảnh các cuộc đảo chính gần đây xảy ra ở một số quốc gia ở Sahel và Trung Phi, làm tăng nguy cơ mất an ninh và bất ổn cho xã hội, Hội nghị dành thời gian để thảo luận về tình hình an ninh, chính trị cũng như sự đổ vỡ của nền dân chủ tại nhiều quốc gia khu vực Châu Phi; nhấn mạnh ủng hộ vai trò của OIF trong hỗ trợ các nước thành viên ứng phó với các thách thức trong quản trị, phòng ngừa khủng khoảng chính trị và chống lan truyền tin giả. Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 44 (CMF 44) đã thông qua 20 chương trình hợp tác của OIF trong giai đoạn 2024-2027 tới.
Các Chương trình này tập trung trên ba trục chiến lược là văn hóa và giáo dục, dân chủ và quản trị cũng như phát triển bền vững, với ưu tiên đặc biệt vì lợi ích của phụ nữ và thanh niên. Lấy tiếng Pháp làm ngôn ngữ chung làm trung tâm, các chương trình này cung cấp các giải pháp bền vững trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, trao đổi kinh tế và thương mại, hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu…
Đây là những lĩnh vực nằm trong các ưu tiên của Việt Nam trong hợp tác với Cộng đồng Pháp ngữ. Hội nghị cũng thông qua Nghị quyết Yaoundé nhấn mạnh các cam kết của Cộng đồng Pháp ngữ đối với các giá trị cơ bản của Cộng đồng là hòa bình, dân chủ, nhà nước pháp quyền, tiếng Pháp, đa dạng ngôn ngữ và văn hóa, phát triển bền vững nhằm xóa nghèo và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nhấn mạnh vai trò của quản trị tốt đối với sự ổn định chính trị, đảm bảo dân chủ, nhân quyền, phát triển kinh tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định sự ủng hộ và đánh giá cao vai trò của Pháp ngữ cũng như của cá nhân Tổng Thư ký đối với những nỗ lực và hành động để cùng các nước thành viên tìm giải pháp đối với những khủng hoảng, thách thức hiện nay, đặc biệt là tình trạng mất ổn định, nghèo đói tại các nước Pháp ngữ châu Phi; ủng hộ các nỗ lực chung để "đưa Pháp ngữ thành một không gian hòa bình và ổn định", dân chủ, an ninh, đảm bảo quyền con người và cùng thịnh vượng; ủng hộ việc tiếp tục triển khai Chiến lược Kinh tế Pháp ngữ 2020-2025, Chiến lược Số Pháp ngữ 2022-2026, sáng kiến "Pháp ngữ với phụ nữ" cũng như các lĩnh vực hợp tác khác nhau; bày tỏ mong muốn Pháp ngữ tiếp tục quan tâm tới tình hình Biển Đông.
Hội nghị kết thúc với việc chuyển giao nhiệm vụ chủ tịch CMF giữa Tunisia và Pháp, nơi sẽ đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 vào ngày 4 và 5 tháng 10 năm 2024 tại Villers Cotterêts, Pháp.