Thế giới sẽ bước vào cuộc khủng hoảng lương thực giá thấp trong tương lai gần, trong khi khoảng 50 năm nữa, Việt Nam sẽ đứng trước cuộc khủng hoảng thừa lúa gạo. Sản xuất lúa gạo Việt Nam sẽ phải như thế nào để bảo đảm được an ninh lương thực và cải thiện đời sống nông dân? Đây là vấn đề được quan tâm tại hội thảo “An ninh lương thực tại Việt Nam: Thực trạng, chính sách và triển vọng” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) tổ chức hôm qua (28/6).
Áp lực từ khủng hoảng giá lương thực thấp
“Chỉ trong khoảng vài chục năm tới, sẽ có cuộc khủng hoảng giá lương thực thấp chứ không phải là giá lương thực cao”. Đây là tiên lượng của GS.TS. C.Peter Timmer, Trung tâm Phát triển toàn cầu (Đại học Stanford, Hoa Kỳ). Ông Timmer nói: Cuộc “cách mạng xanh” sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã làm tăng năng suất trong nông nghiệp của các nước. Thế nhưng, xu hướng tiêu thụ lúa gạo đã thay đổi. Thu nhập cao hơn thì người dân lại tiêu thụ lúa gạo ít đi, lúa gạo trở thành một phần nhỏ trong khẩu phần năng lượng mặc dù họ đòi hỏi chất lượng lúa gạo tăng lên.
Thu hoạch vụ lúa đông - xuân 2011-2012 tại xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm-TTXVN |
Ông Timmer dẫn chứng, tiêu thụ gạo của nhóm 20% có thu nhập cao nhất ở Inđônêxia và Ấn Độ đang giảm mạnh, người giàu tiêu thụ gạo không cao hơn những người có thu nhập thấp; người ở thành thị cũng không tiêu thụ gạo cao hơn ở nông thôn. Ở các nước Ấn Độ, Inđônêxia, và Bănglađét, lượng tiêu thụ lúa gạo tăng lên trong vòng 40 năm qua nhưng khi các quốc gia này gia nhập hàng ngũ những nước có thu nhập trung bình thì tốc dộ này dần giảm xuống.
Cũng theo ông Timmer, trong vòng 110 năm qua, giá lương thực thế giới giảm rất mạnh. Nếu chỉ tính từ những năm 1950 trở lại đây, giá lương thực đã giảm đi 1,6%. “Nguồn cung tăng nhiều hơn nhu cầu. Cầu lớn khi dân số tăng và thu nhập tăng nhưng cung tăng mạnh hơn”, vị GS Đại học Stanford nói.
Với xu hướng trong tương lai gần, tiêu thụ gạo giảm, nhu cầu về gạo sẽ ngày càng giảm sút. Nhưng chuyên gia WB nhấn mạnh, nhiều quốc gia sản xuất lúa vẫn đang tiếp tục phải tăng năng suất để đẩy mạnh xuất khẩu thu ngoại tệ. Điều đó dẫn đến thị trường xuất khẩu lúa gạo sẽ giảm mạnh. Đây là mối đe dọa lớn đối với các quốc gia sản xuất lúa gạo. Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu gạo thứ hai thế giới không tránh khỏi mối đe dọa này. Nhất là khi theo dự báo của TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trong vòng 50 năm nữa Việt Nam sẽ đứng trước cuộc khủng hoảng thừa về lúa gạo.
Nên tập trung cho vùng chuyên canh
“Gần 4 triệu ha đất lúa sẽ tạo ra sự dư thừa lương thực ở Việt Nam. Xu hướng tiêu thụ trong xã hội đang thay đổi. Thức ăn chăn nuôi nhập 2 tỷ USD, tới đây có thể nhập nhiều hơn nữa, tiêu thụ thịt tăng. Thay vì sản xuất lúa gạo mang tính rủi ro, nên hỗ trợ cho họ chăn nuôi hay sản xuất khác. Như vậy sẽ sử dụng tốt hơn nguồn lực của doanh nghiệp”. (Ông Steven Jaffee, Điều phối viên Chương trình hợp phần phát triển nông thôn - WB) |
Ở Việt Nam, từ nhiều năm nay, vai trò của ngành nông nghiệp ngày càng được đề cao, giúp công nghiệp hóa và vượt qua các cuộc khủng hoảng. Những năm gần đây, khoảng 1/3 sản lượng lúa gạo quốc gia và 70% sản lượng lúa gạo của đồng bằng sông Cửu Long đã được xuất khẩu. Với những thành công trong tăng năng suất, sản xuất lúa gạo đã đóng vai trò quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, tạo nền tảng vững chắc, góp phần vào an sinh xã hội và sự tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.
Để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, lãnh đạo ngành NN&PTNT khẳng định, Nhà nước sẽ quy hoạch và bảo vệ nghiêm ngặt quỹ đất lúa, mục tiêu đến năm 2020, quỹ đất lúa đạt 3,8 triệu ha (riêng diện tích lúa nước 2 vụ trở lên là 3,2 triệu ha). Theo TS. Đặng Kim Sơn, chính sách này là hết sức cần thiết.
Ông Steven Jaffee, Điều phối viên Chương trình hợp phần phát triển nông thôn của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, từ một quốc gia thiếu lương thực, ngày nay xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm 20% thương mại gạo trên thị trường thế giới. Thặng dư lúa gạo ở Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ít nhất cho đến năm 2030, nên Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu của thế giới trong 20 năm nữa.
Trước thực tế các nước nhập khẩu gạo chính đang có xu hướng gia tăng các chiến dịch tự cung tự cấp, thị trường gạo sẽ bất ổn và mong manh, giá gạo hàng hóa suy giảm. Để giữ vững vị thế xuất khẩu gạo, nhiều quan điểm về chính sách cần thay đổi. Cụ thể, theo TS. Đặng Kim Sơn, quan điểm nên thay vì chỉ “giữ đất lúa” thì phải mở rộng thành “giữ đất nông nghiệp”, tăng thu nhập cho nông dân, phát huy hiệu quả tổng hợp của lúa gạo cả về mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao. Những điều này cần song song với việc điều hành sản xuất lúa gạo qua cơ chế thị trường.
Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn nhận định: “Nông nghiệp vẫn là nguồn sống chính của nông dân trong thời gian dài nên đất đai là vấn đề quan trọng nhất. Và muốn tập trung hỗ trợ sản xuất lúa, nên tập trung vào chuyên canh. Sắp tới, cần phải tập trung xây dựng cánh đồng mẫu lớn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang làm cánh đồng mẫu lớn thành công. Các doanh nghiệp làm rất tốt trong khâu giống, kỹ thuật. Nhà nước cần hỗ trợ đồng bộ cho các vùng này về cơ sở hạ tầng, tín dụng, khuyến nông, xúc tiến thương mại...”.
Đồng thời, ông Sơn cũng cho rằng phải đưa cả những doanh nghiệp nhỏ vào Hiệp hội lương thực, phải tập trung vào cả sản xuất, chế biến và kinh doanh chứ không chỉ xuất khẩu như hiện nay; đẩy mạnh cổ phần hóa và sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lương thực.
Nhấn mạnh vấn đề phát triển lúa gạo phải đặt trong tương quan với an ninh lương thực, các nghiên cứu của WB lưu ý một điểm: Mặc dù dư thừa lượng cung lương thực lớn theo mùa hàng năm, nhưng ở Việt Nam, gạo đang đóng góp rất ít trong giảm thiểu suy dinh dưỡng ở trẻ em; người nông dân sản xuất lúa gạo được hưởng lợi rất ít từ những đợt tăng giá. Bên cạnh đó, những chuỗi giá trị ngành lúa gạo của Việt Nam vẫn khá rời rạc, rất ít sự phối hợp bên trong và đổi mới về sản phẩm và quy trình, các hệ thống khuyến khích và hỗ trợ quản lý chất lượng vẫn còn yếu kém…
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, bên cạnh việc tiếp cận linh hoạt hơn đối với quy hoạch và sử dụng đất nông nghiệp, Việt Nam cần thực hiện các chiến lược hỗ trợ (cơ sở hạ tầng, tín dụng, khuyến nông…) khác nhau ở cấp vùng, tỉnh và giữa các hộ gia đình. Đồng thời, phải tăng cường chiến lược đa ngành để giải quyết vấn đề an ninh lương thực ở hộ gia đình và giảm đáng kể suy dinh dưỡng ở trẻ em; cần tách biệt hẳn các hệ thống và chiến lược đối với xuất khẩu gạo mang “tính xã hội” và thương mại; định hướng lại trọng tâm chuyển từ các chức năng thương mại sang tập trung vào các mục tiêu xã hội…
Mạnh Minh