Ngày 3/10, tại Diễn đàn Mở 2014 được tổ chức tại trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Đại sứ Nguyễn Trung Thành - Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) - đã có bài thuyết trình về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam trong thương mại quốc tế, thời cơ và thách thức, đặc biệt là những cơ hội cho các nhà đầu tư từ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam.
Đại sứ Nguyễn Trung Thành. Ảnh: Phân xã Geneva |
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong bài thuyết trình, Đại sứ Nguyễn Trung Thành đã nhấn mạnh đến vai trò của thương mại quốc tế trong thành công của kinh tế Việt Nam những năm gần đây trong bối cảnh đất nước tăng tốc quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường hiện đại hơn và hội nhập sâu, rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Sau 15 năm gia nhập WTO, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam đã tăng hơn 10 lần (trung bình khoảng 25%/năm), và năm 2012 đã đánh dấu năm thặng dư thương mại đầu tiên của Việt Nam trong 20 năm qua. Trong 8 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 191.400 tỷ USD, tăng 12,5% (tương đương với 21,31 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2013, trong đó xuất khẩu đạt 97.230 tỷ USD và nhập khẩu đạt 94.160 tỷ USD.
Năm 2014, nền kinh tế Việt Nam bước vào năm thứ ba của sự ổn định kinh tế vĩ mô với lạm phát thấp hơn, thương mại và dòng vốn bên ngoài tiếp tục phát triển cùng với một tỷ giá hối đoái vững chắc hơn. Tuy nhiên, đà tăng trưởng kinh tế nhanh như những năm trước bị cản trở do tốc độ cải cách thận trọng trong lĩnh vực ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế trong cơ chế thị trường tự do đang đặt một gánh nặng về tài nguyên và phát triển môi trường bền vững, nới rộng khoảng cách giàu và nghèo, giữa thành thị và nông thôn. Việt Nam đang đứng trước bẫy thu nhập trung bình, trong khi vẫn thiếu các nhà hoạch định chính sách chiến lược, quản lý kinh tế tài năng cũng như đội ngũ lao động có kỹ năng.
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư từ EU nói riêng, Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất ở châu Á, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với dân số 90 triệu, tạo nhu cầu mạnh mẽ đối với các loại hàng hóa. Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục cải cách kinh tế; ổn định chính trị; tạo sự đồng thuận xã hội trong chính sách kinh tế; là điểm đến giá rẻ và an toàn cho du khách với một lịch sử hơn bốn nghìn năm đầy thú vị.
Riêng đối với EU - một trong những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam, thập kỷ qua đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ và nhất quán trong quan hệ kinh tế và thương mại song phương giữa EU và Việt Nam. Hiệp định thương mại năm 1992 về dệt may với Cộng đồng châu Âu là một trong những thỏa thuận thương mại đầu tiên của Việt Nam với một đối tác phương Tây. Tiếp theo đó là một thỏa thuận hợp tác mở rộng hơn vào năm 1995, theo đó Việt Nam được cấp quy chế đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với EU. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU được hưởng lợi đáng kể từ hệ thống ưu đãi tổng quát (GSP) của EU nhằm tạo điều kiện cho xuất khẩu hàng hóa từ các nước đang phát triển vào khu vực này. Đặc biệt, trong tháng 10/2012, EU đã phát động chương trình GSP cải cách dự kiến cho phép một số mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, chẳng hạn như giày dép, được hưởng thuế quan ưu đãi hơn. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, hàng hóa của EU vào Việt Nam đã tăng 4,2% năm 2013. Về vốn đầu tư trong năm 2013, EU là đối tác đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam với 71 dự án mới được đăng ký. Trong nỗ lực để đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới, Việt Nam và EU chính thức ký kết Hiệp định Hợp tác và Đối tác (PCA) vào tháng 9/2012 sau gần 5 năm đàm phán tích cực. Hai bên cũng đã chính thức tiến hành các cuộc đàm phán cho một Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (FTA) và hiện đang trong giai đoạn tiến dần về đích với hy vọng sẽ ký kết vào cuối năm 2014.
Theo Đại sứ Nguyễn Trung Thành, trong tương lai Việt Nam cần phải mở rộng các cuộc thương thảo hợp đồng, đàm phán các thỏa thuận thương mại song phương nhằm thúc đẩy thương mại. Bên cạnh đó, cần xem xét kế hoạch tổng thể trong lĩnh vực công nghiệp; ưu tiên phát triển công nghệ thông tin và các ngành công nghiệp hỗ trợ; giảm xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên; hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu thị trường và tìm kiếm các thị trường thích hợp; giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay vốn ngân hàng và tăng giá trị gia tăng; giáo dục và đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao...
Diễn đàn Mở WTO năm nay diễn ra từ ngày 1 đến 3/10 tại Geneva với 68 phiên thảo luận xung quanh chủ đề "Tại sao thương mại là vấn đề của tất cả mọi người" với sự tham dự của các học giả kinh tế, các giới chức, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế khác. Tổng Giám đốc WTO, ông Roberto Azevedo khẳng định thương mại đã đóng góp lớn cho tăng trưởng toàn cầu. Các vấn đề thương mại, dù tốt hay xấu, đều liên quan đến tất cả mọi người, và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống từng ngày.
TTXVN/ Tin Tức