Phiên thảo luận do Bộ Tư pháp phối hợp cùng Phái đoàn Liên minh châu Âu và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Dự án Tăng cường tiếp cận pháp luật và tư pháp tại Việt Nam.
Theo Đại sứ Julien Guerrier, các quy định của Hiến pháp về việc bảo đảm bình đẳng giới được Nhà nước Việt Nam củng cố trong các đạo luật quan trọng như Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, vừa được sửa đổi năm 2022. Tương tự như vậy, các chương trình và kế hoạch hành động quốc gia đã được ban hành để thực hiện các quy định này của pháp luật.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU nhận định: “Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ về bình đẳng giới, như tỷ lệ đại biểu nữ trong Hội đồng nhân dân ngày càng nhiều, tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội cũng cao hơn, tỷ lệ các chủ doanh nghiệp nữ cũng gia tăng. Bên cạnh đó, đã và đang có nhiều tiến bộ trong công tác giáo dục cho trẻ em gái và chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ”.
Cùng chung quan điểm với Đại sứ Julien Guerrier, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã có những nỗ lực tăng cường và hỗ trợ hệ thống tư pháp, pháp luật để thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái, trao quyền cho phụ nữ; giải quyết vấn đề phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái.
Theo Trưởng đại diện UNICEF, Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em - yếu tố góp phần làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của phụ nữ cũng như sự phát triển của đất nước.
Bà Rana Flowers nhấn mạnh: “Làm sao có thể giải quyết được tốt hơn quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Việt Nam hiện được đánh giá cao về những cam kết trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái... Chúng tôi đã thấy những bước phát triển rất quan trọng liên quan tới bình đẳng giới ở Việt Nam”.
Bình đẳng giới là chủ đề nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế từ rất sớm. Ngay từ Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 cho đến Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 đã đặt ra các nguyên tắc không phân biệt đối xử và bình đẳng như là các nguyên tắc nền tảng cho sự phát triển thế giới hiện đại. Tiếp đó là sự ra đời của Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ vào năm 1979 và bình đẳng giới là một trong tám mục tiêu Thiên niên kỷ.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, ở Việt Nam, chủ trương và chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là dành những gì tốt nhất có thể để thúc đẩy, bảo đảm bình đẳng giới. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước khẳng định công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình.
Trên cơ sở các chủ trương của Đảng và nguyên tắc hiện hành về bình đẳng giới, hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới của Việt Nam liên tục được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Chiến lược và Chương trình hành động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới như Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình quốc gia về chống bạo lực giới giai đoạn 2021-2030; gần đây ngày 25/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024 - 2030.
Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2023 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khánh Ngọc, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể về bình đẳng giới, song Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được các mục tiêu đề ra. Chủ trương, chính sách pháp luật đã khá đầy đủ nhưng việc tổ chức thi hành có lúc, có nơi còn chưa hiệu quả.
Tại Phiên thảo luận, các đại biểu là các chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật, bình đẳng giới của Việt Nam và quốc tế đã thảo luận, chỉ ra những thách thức vẫn đang tồn tại trong nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam, như sự mất cân bằng giới tính khi sinh còn lớn với tỷ lệ 111,5 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái, tỷ lệ tảo hôn và sinh con sớm cao - đặc biệt trong số phụ nữ thuộc dân tộc thiểu số và tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn dai dẳng...
Trên cơ sở những chia sẻ về kết quả đạt được cũng như khó khăn, thách thức trong thúc đẩy bình đẳng giới, các đại biểu đã có những trao đổi để đưa ra những giải pháp tăng cường thực thi pháp luật và tiếp cận tư pháp, đảm bảo thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam trong bình đẳng giới.