Sự kiện cũng là hội nghị toàn thể lần thứ 3 của PCA trong lịch sử 125 năm hoạt động và là lần đầu tiên trong vòng 25 năm trở lại đây.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ chúc mừng và đánh giá cao vai trò thiết yếu cùng những đóng góp trong suốt 125 năm hoạt động của PCA đối với cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh đóng góp của PCA giúp định hình luật pháp quốc tế, hỗ trợ phát triển các nguyên tắc và chuẩn mực cho sự tương tác giữa các quốc gia. Bằng cách tạo ra cơ chế để các quốc gia giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, PCA đã phát triển trở thành một thiết chế giải quyết tranh chấp quốc tế hiện đại.
Từ khi trở thành thành viên của PCA năm 2012, quan hệ giữa Việt Nam và PCA đã có nhiều bước phát triển, trong đó cột mốc đáng chú ý nhất là sự kiện PCA mở văn phòng đại diện tại Hà Nội ngày 24/11/2022. Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết Chính phủ Việt Nam rất coi trọng mối quan hệ đối tác với PCA, coi đây là một cấu phần quan trọng trong nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền, với hệ thống tư pháp vững mạnh, đội ngũ chuyên gia pháp lý trình độ cao, cung cấp các dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp và chuẩn mực, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thứ trưởng khẳng định Việt Nam hướng tới trở thành địa chỉ được các đối tác lựa chọn để giải quyết tranh chấp khu vực và quốc tế bằng biện pháp hòa bình, hòa giải, trọng tài. Sự ủng hộ và hỗ trợ của Việt Nam đảm bảo văn phòng đại diện PCA tại Hà Nội hoạt động hiệu quả, thuận lợi cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế.
Cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cũng chủ trì Tọa đàm “Giải quyết tranh chấp tại châu Á-Thái Bình Dương và vai trò của PCA”. Sự kiện do Chính phủ Việt Nam tổ chức nhằm điểm lại tầm quan trọng của cơ chế hòa bình giải quyết tranh chấp trong khu vực, làm rõ vai trò và đóng góp của PCA trong việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp, cũng như xác định những thách thức và đề xuất chiến lược nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của PCA trong khu vực.
Thứ trưởng cho biết các vụ tranh chấp tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang xuất hiện ngày càng nhiều về số lượng và đa dạng về tính chất, trong đó nổi lên là tranh chấp giữa nhà đầu tư và Chính phủ cũng như tranh chấp giữa các pháp nhân. “Với truyền thống tốt đẹp trong tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng với cơ chế giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Văn phòng đại diện PCA tại Hà Nội cũng như các hoạt động rất thành công của văn phòng đã cho thấy tiềm năng to lớn của cơ chế giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trong khu vực”, Thứ trưởng nói.
Cũng trong ngày 13/6, Thứ trưởng thường trực Nguyễn Minh Vũ đã có cuộc làm việc với Tổng thư ký PCA Marcin Czepelak và Tổng thư ký Học viện Luật quốc tế La Haye Jean-Marc Thouvenin. Tại các cuộc làm việc, Thứ trưởng thường trực Nguyễn Minh Vũ đã giới thiệu ứng cử viên của Việt Nam cho vị trí Thẩm phán Tòa án Luật Biển quốc tế nhiệm kỳ 2026-2035. Đồng thời, các bên điểm lại kết quả những hoạt động đã được triển khai trong năm 2023, cũng như thảo luận về kế hoạch hợp tác trong thời gian tới.
PCA được thành lập theo Công ước về giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình năm 1899 và Công ước về giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình năm 1907. Nhiệm vụ chính của PCA là tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia và giữa các quốc gia với pháp nhân nước ngoài trong nhiều lĩnh vực.
Học viện Luật quốc tế La Haye là cơ sở giáo dục đào tạo và nghiên cứu danh tiếng tại Hà Lan về luật quốc tế, được thành lập từ năm 1923, có trụ sở tại Cung điện Hòa bình, La Haye, Hà Lan. Học viện là trung tâm giảng dạy, nghiên cứu về cả công pháp và tư pháp quốc tế. Năm 2023, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Học viện Luật quốc tế La Haye đã ký Bản ghi nhớ hợp tác nhằm thúc đẩy sự hỗ trợ của Học viện cho Việt Nam thông qua các chương trình đào tạo dành cho chuyên gia pháp lý chuyên ngành công pháp và tư pháp quốc tế, cũng như tăng cường hợp tác giữa hai bên tại các diễn đàn đa phương.