Chiều 25/10, Bộ Y tế tổ chức lễ phát động hưởng ứng mục tiêu 90-90-90, hướng tới kết thúc đại dịch AIDS ở Việt Nam. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự và phát biểu chỉ đạo. Tham dự lễ phát động còn có ông Michel Sidibe, Phó Tổng thư ký Liên Hợp quốc, Giám đốc điều hành chương trình phối hợp của Liên Hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS).
Tháng 7/2014, Liên Hợp quốc đã đã khởi xướng các mục tiêu 90-90-90. Tức là 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp và ổn định hay còn gọi là tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế.
Nếu các quốc gia đạt được 3 mục tiêu 90 - 90 - 90 thì có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Phát biểu tại lễ hưởng ứng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Trong thời gian qua, Liên Hợp quốc đã giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc gìn giữ hòa bình, xóa đói giảm nghèo và phòng chống HIV/AIDS. Hơn 20 năm trước, khi bắt đầu dịch HIV được phát hiện ở Việt Nam, nhưng với sự nỗ lực của các tổ chức quốc tế, đặc biệt với sự điều phối chương trình của Liên Hợp quốc, nước ta đã từng bước kiềm chế và tiến tới mục tiêu 90-90-90, hướng tới chấm dứt đại dịch này vào năm 2030.
Phó Thủ tướng trân trọng cảm ơn Liên Hợp quốc đã chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên khởi động chương trình 90-90-90. Việt Nam không thể đạt được mục tiêu cần thiết và khó khăn này nếu không có sự chung tay của chính quyền các cấp, các ngành và của toàn xã hội.
Đây là lúc bằng tấm lòng nhân ái, trách nhiệm, mọi người hãy chung tay để mục tiêu 90-90-90 được thực hiện thành công tại Việt Nam, góp phần cùng Liên Hợp quốc triển khai chương trình này thành công trên toàn thế giới.
Ông Michel Sidibe, Phó Tổng thư ký Liên Hợp quốc, Giám đốc điều hành chương trình phối hợp của Liên Hợp quốc về HIV/AIDS đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam để thực hiện mục tiêu này. Đồng thời ông cũng cho biết Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát động hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 của Liên Hợp quốc.
Trong 5 năm gần đây, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam có xu hướng giảm cả 3 tiêu chí: Số người nhiễm mới HIV, số bệnh nhân chuyển sang AIDS và số tử vong do AIDS. Số người nhiễm HIV phát hiện mới trong năm 2013 còn hơn 12.000 người, đã giảm khoảng 60% so với năm 2007 (trên 30.000 người). Số lượng bệnh nhân chuyển từ nhiễm HIV sang giai đoạn AIDS và số người nhiễm HIV/AIDS tử vong cũng đã giảm khoảng 50% trong giai đoạn này.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam hiện có khoảng 260.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng, trong đó chỉ có khoảng 56% trong số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của họ. Trong lĩnh vực điều trị, tính đến tháng 6/2014, toàn quốc có 86.771 bệnh nhân (cả người lớn và trẻ em) đang được điều trị ARV.
Như vậy tỷ lệ người nhiễm HIV đang điều trị ARV chỉ là 32% số người nhiễm HIV hiện đang sống trong cộng đồng. Việc xét nghiệm tải lượng vi rút ở Việt Nam chưa mang tính thường quy, mới chỉ thực hiện chủ yếu trong các trường hợp nghi ngờ. Do vậy ước tính tỷ lệ xét nghiệm tải lượng vi rút của chúng ta mới chỉ đạt khoảng 5% số người được điều trị ARV. Như vậy, Việt Nam hiện còn khá xa so với mục tiêu mà Liên Hợp quốc phát động.
Để thực hiện được các mục tiêu 90 - 90 - 90, Bộ Y tế hiện đang tham mưu cho Chính phủ với nhiều giải pháp quan trọng, trong đó bao gồm tiếp tục nâng cao nhận thức và cam kết của lãnh đạo các cấp các ngành; nhanh chóng chuyển đổi từ phòng, chống HIV/AIDS dựa vào tiền viện trợ sang sử dụng các nguồn tài chính trong nước, chủ yếu là ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế; tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn lực dành cho phòng, chống HIV/AIDS.
Đồng thời, hoạt động phòng chống HIV/AIDS sẽ tập trung nguồn lực vào các khu vực có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao; tập trung vào các đối tượng nguy cơ cao nhất (như những người nhiễm HIV, người nghiện chích ma túy, vợ và bạn tình của những người nghiện chích có nhiễm HIV, gái mại dâm và khách hàng của họ, tình dục đồng giới nam); lồng ghép các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS vào hệ thống y tế. Ngoài ra tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Mục tiêu 90-90-90 không chỉ là những con số mà chính là cuộc sống của con người; giảm bớt sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS; giúp họ được điều trị sớm để giảm các ca nhiễm mới. Hi vọng với sự cam kết mạnh mẽ, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu 90-90-90, hướng tới kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam.
Thu Phương (TTXVN)