Việt Nam nỗ lực đóng góp, tạo dựng đồng thuận chung trong các hoạt động của Đại hội đồng LHQ

Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa tiến hành bầu các chức danh Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 ngày 7/6 vừa qua. Cuộc họp cũng đã đồng thuận bầu Việt Nam trở thành một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Như vậy, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí này trong một năm, kể từ ngày 13/9/2022.

Nhân dịp này, ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã trao đổi với báo chí về kết quả cụ thể của lần trúng cử này cũng như kế hoạch triển khai cụ thể khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò này.

Chú thích ảnh
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt. Ảnh: TTXVN phát

Thưa ông, việc Việt Nam trúng cử vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 là niềm vinh dự, tự hào rất lớn với Việt Nam. Ông có thể chia sẻ về ý nghĩa của việc trúng cử lần này cũng như quá trình chuẩn bị của Việt Nam cho việc ứng cử vào vị trí trên?

Ngày 7/6 dường như là một ngày rất đặc biệt đối với ngoại giao đa phương của Việt Nam. Cách đây đúng ba năm, ngày 7/6/2019, Việt Nam đã trúng cử Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu rất cao, 192/193 phiếu.

Ngày 7/6 năm nay, Việt Nam được Đại hội đồng Liên hợp quốc đồng thuận thông qua là một trong các Phó Chủ tịch Đại hội đồng.

Đại hội đồng Liên hợp quốc là cơ quan có tính đại diện cao nhất của Liên hợp quốc với sự tham gia của 193 quốc gia thành viên. Chính vì vậy, đây là nơi thể hiện ưu tiên, quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Đại hội đồng cũng là cơ quan hoạch định chính sách rất quan trọng của Liên hợp quốc nhằm khẳng định, thực hiện vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong quản trị toàn cầu, trong xử lý các thách thức chung mà cộng đồng quốc tế đang gặp phải hiện nay. 

Chủ tịch và các Phó Chủ tịch của Đại hội đồng có vai trò rất quan trọng trong điều hành các hoạt động của Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó có những hoạt động ở cấp rất cao như Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng với sự tham dự hàng năm của hàng trăm nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao các nước. Đó còn là các hội nghị thượng đỉnh về nhiều lĩnh vực như Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững hoặc trong các lĩnh vực về hòa bình, an ninh quốc tế và các hoạt động khác.

Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng có vai trò trọng tâm trong dẫn dắt quá trình xây dựng các văn kiện, ý tưởng để thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đặc biệt, Đại hội đồng có vai trò rất quan trọng trong việc tìm kiếm tiếng nói chung khi có những khác biệt hay mâu thuẫn giữa các quốc gia thành viên, qua đó tạo dựng đồng thuận, đoàn kết của cộng đồng quốc tế nói chung trong việc xử lý các thách thức chung đặt ra. 

Việc Việt Nam trúng cử vị trí này có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là khi năm nay chúng ta kỷ niệm 45 năm ngày Việt Nam trở thành thành viên của Liên hợp quốc (1977-2022).

Vậy quá trình chuẩn bị của Việt Nam cho vị trí này đã diễn ra như thế nào, thưa ông?

Quá trình ứng cử vào vị trí này được đặt ra từ tháng 6/2020 với việc triển khai các biện pháp vận động. Điều kiện quan trọng đầu tiên mang tính nền tảng để trúng cử vị trí này là uy tín và vị thế của Việt Nam được tạo dựng trong một thời gian dài, đặc biệt là thông qua hai năm Việt Nam đảm nhiệm rất thành công vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Với sự tham gia của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an cũng như nhiều cơ chế đa phương, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã ghi nhận hình ảnh đất nước Việt Nam thực sự tham gia đóng góp, trách nhiệm, xây dựng và rất chủ động, tích cực trong các hoạt động chung của Liên hợp quốc, của cộng đồng quốc tế. Việt Nam cũng thực hiện tốt và đầy đủ tất cả các cam kết; qua đó các nước thấy rõ năng lực và có sự tin cậy đối với tiếng nói, sự tham gia đóng góp của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao đã triển khai tích cực công tác vận động cho vị trí này. Trên cơ sở những thành quả đạt được trong các cơ chế đa phương khác, Bộ Ngoại giao đã triển khai vận động rộng khắp ở Hà Nội, ở New York (Mỹ) cũng như thủ đô các nước để có được sự ủng hộ rộng rãi với Việt Nam. Cũng nhờ sự vận động đó, nhóm châu Á - Thái Bình Dương đã đồng thuận thông qua ứng cử của Việt Nam và một số nước khác đại diện cho nhóm.

Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về kết quả trúng cử lần này, những thế mạnh của Việt Nam cũng như những kế hoạch cụ thể khi đảm nhận vai trò này?

Điều khá đặc biệt của lần bầu cử này là Đại hội đồng Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua danh sách cả Chủ tịch và các Phó Chủ tịch. Do đó, có thể hiểu là tất cả 193 quốc gia thành viên đã ủng hộ Việt Nam và các nước khác với vai trò này. Đối với Việt Nam, đây là thể hiện sự ủng hộ tương đối nhất quán của các nước thành viên Liên hợp quốc.

Tôi nghĩ thế mạnh lớn nhất của Việt Nam là uy tín chúng ta đã tạo dựng được trong thời gian qua. Vị thế của Việt Nam đã được khẳng định rõ nét trong cộng đồng quốc tế nói chung và trong công việc của Liên hợp quốc nói riêng. Việt Nam vừa hoàn thành tốt nhiệm kỳ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; đang là thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế; thành viên của Hội đồng chấp hành tổ chức Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế; thành viên của Hội đồng chấp hành UNESCO; thành viên của Hội đồng khai thác của Tổ chức Bưu chính thế giới. Điều này thể hiện sự tín nhiệm của các nước đối với Việt Nam rất đa dạng trên nhiều lĩnh vực.

Thế mạnh thứ hai Việt Nam có khi đảm nhận vị trí này là lực lượng cán bộ được đào tạo, trải qua nhiều cơ chế, diễn đàn, đặc biệt là nhiệm kỳ vừa qua tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Do đó, Đại sứ, Trưởng phái đoàn và các cán bộ Việt Nam tại Liên hợp quốc rất dày dạn kinh nghiệm. Họ còn có sự hậu thuẫn rất lớn từ trong nước, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác để có thể tự tin tham gia điều hành, dẫn dắt các hoạt động của Đại hội đồng trong thời gian tới.

Việt Nam có kế hoạch và hiện đang ứng cử vào một số cơ chế quốc tế, trong đó có Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc. Công tác vận động đã được triển khai rất tích cực. Tôi nghĩ rằng bất kỳ sự tham gia nào của Việt Nam ở các cơ chế quốc tế cũng tạo hiệu ứng tốt cho nỗ lực của chúng ta trong quá trình vận động ứng cử ở các cơ chế khác. Tôi kỳ vọng, việc Việt Nam làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng trong năm tới cũng sẽ giúp tạo đà để Việt Nam có thể tiếp tục nắm giữ các vị trí quan trọng ở các cơ chế khác của Liên hợp quốc.

Với tư cách là một trong những Phó Chủ tịch của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ cùng Chủ tịch và các Phó Chủ tịch khác tham gia điều hành các hoạt động của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Theo đó, Việt Nam sẽ tham gia thúc đẩy, tổ chức các sự kiện cấp cao và các sự kiện khác của Đại hội đồng; tham gia dẫn dắt và điều hành việc xây dựng các văn kiện, sáng kiến của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Việt Nam cũng có thể phát huy vai trò của mình trong xử lý những khác biệt giữa các quốc gia, tạo dựng đồng thuận trong các quyết định của Đại hội đồng.

Việt Nam xác định mục tiêu là tiếp tục tham gia chủ động, tích cực và toàn diện trong các lĩnh vực như: Hòa bình và an ninh quốc tế; thúc đẩy giải trừ quân bị; thúc đẩy tiến trình xây dựng chương trình nghị sự mới về hòa bình của Liên hợp quốc, trong đó có những thành tố rất quan trọng về các hoạt động gìn giữ hòa bình, về tăng cường lòng tin, về thúc đẩy ổn định chiến lược để tạo dựng môi trường hòa bình chung trên thế giới; giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp quốc tế. Bên cạnh đó là các lĩnh vực trọng tâm khác như: Việc thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển bền vững, xử lý các thách thức chung hiện nay như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, môi trường, thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số phục vụ cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của các nước. Đặc biệt, với tư cách là một nước đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương; là tiếng nói của các nước đang phát triển, Việt Nam sẽ đề cao nhu cầu hợp tác quốc tế, nhu cầu về nguồn lực công nghệ, hỗ trợ cho tiến trình này ở các nước đang phát triển.

Chúng tôi cũng dự kiến Việt Nam sẽ tham gia tích cực trong tổ chức và điều hành một số sự kiện cấp cao quan trọng của Đại hội đồng trong thời gian tới, trong đó có Phiên thảo luận chung cấp cao vào tháng 9/2022; Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục cũng trong tháng 9/2022 và Hội nghị thượng đỉnh về tương lai được Liên hợp quốc dự kiến tổ chức trong năm 2023. Đó là những ưu tiên, kế hoạch chúng tôi xác định Việt Nam sẽ triển khai trong thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương (TTXVN)
Từ ngày 13/9/2022, Việt Nam sẽ đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77
Từ ngày 13/9/2022, Việt Nam sẽ đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77

Ngày 7/6/2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã họp bầu các chức danh Chủ tịch và các Phó Chủ tịch ĐHĐ LHQ khoá 77, nhiệm kỳ 2022-2023. Việt Nam đã được bầu là một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sẽ đảm nhiệm vị trí này trong 1 năm kể từ ngày 13/9/2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN