Tại cuộc làm việc với đoàn công tác, từ thực tiễn nước Đức và thế giới, các đại biểu Đảng Cộng sản Đức khẳng định những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, phải sử dụng phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin để phân tích, đánh giá thế giới đang biến đổi nhanh chóng nhưng bản chất của chủ nghĩa tư bản không thay đổi. Đại diện đảng Cộng sản Đức cho biết nước Đức mặc dù là một nước phát triển, song xã hội vẫn tồn tại nhiều vấn đề như sự phát triển không đồng đều giữa khu vực phía Đông và phía Tây, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc hơn, các chính sách an sinh xã hội không đảm bảo cuộc sống đầy đủ của người dân, đặc biệt là những người lao động nghèo. Những bất cập trong trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, nhà ở, lương hưu… khiến xã hội Đức bị chia rẽ, điều này được phản ánh rõ qua kết quả bầu cử tại các bang cũng như toàn liên bang thời gian gần đây. Trong bối cảnh đó, một bộ phận không nhỏ trong xã hội Đức phải dùng lý luận của Mác để mổ xẻ, phân tích và tìm hướng giải quyết các tồn tại xã hội, tìm lại những mặt ưu việt của chủ nghĩa xã hội hiện thực trước đây.
Chia sẻ thông tin với phía bạn, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, hơn 30 năm qua, Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa và đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đó là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện mới.
Tại Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức, đoàn công tác đã tìm hiểu các vấn đề liên quan đến cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mà Đức được xem là quốc gia khởi xướng. Chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực số hóa của Bộ Kinh tế và Năng lượng đã chia sẻ những nền tảng, kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 của nước Đức, đồng thời đánh giá những tác động của cuộc cách mạng này tới nền kinh tế cũng như xã hội của nước Đức hiện nay và trong tương lai. Mặc dù việc áp dụng Cách mạng Công nghiệp 4.0 phải dựa trên nền tảng và đặc thù của mỗi quốc gia, song những thành tựu cũng như kinh nghiệm và các kết quả nghiên cứu của Đức trong cuộc cách mạng này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nước đi sau, trong đó có Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi người lao động trong tình hình mới, đoàn công tác đã có buổi làm việc với Liên hiệp Công đoàn Đức. Tại Đức hiện có 8 công đoàn ngành khác nhau, một số công đoàn ngành có sự phối hợp chặt chẽ với các chính đảng, dựa trên những mối quan tâm chung. Theo dự báo của Liên hiệp Công đoàn Đức, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ tác động tới khoảng 50.000 lao động tại Đức trong vòng 10 năm tới.
Làm việc với Viện Friedrich Ebert Stiftung (FES), quỹ chính trị lớn nhất và lâu đời nhất tại Đức, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng và đoàn đã dành thời gian trao đổi, tìm hiểu về những vấn đề mà Việt Nam, Đức và thế giới đang hết sức quan tâm như quan hệ giữa các nước lớn, cuộc chiến tranh thương mại và tác động của nó, vai trò của các tổ chức mang tính khu vực như Liên minh châu Âu hay Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế... Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, giữa Việt Nam và Viện FES đã có truyền thống hợp tác trong nhiều năm, ở nhiều cấp độ khác nhau và đây là cơ sở để hai bên cùng tăng cường trao đổi, hợp tác trong thời gian tới.
Cũng trong chuyến công tác này, đoàn đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và công tác tại Đức về những vấn đề nổi bật trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước trong tình hình hiện nay.