Phó Thủ tướng đánh giá cao tinh thần hành động của Chính phủ Vương quốc Anh, cũng như Bộ trưởng Graham Stuart đối với việc triển khai Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều hoạt động cụ thể nhằm thúc đẩy lộ trình thực hiện JETP như: Thành lập Ban Thư ký; trao đổi với lãnh đạo một số quốc gia bày tỏ mối quan tâm lớn đến JETP; trao đổi với đại diện đối tác, tổ chức quốc tế trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác đa phương như Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 (GFANZ), Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC)... Theo Phó Thủ tướng, điều quan trọng nhất là cần nhanh chóng lựa chọn những dự án, công việc triển khai trên thực tiễn nhằm đạt được các kết quả thực chất.
Phó Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với những kết quả Vương quốc Anh đạt được trong quá trình phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) thay thế năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2012. Đây là những kinh nghiệm rất quý giá đối với Việt Nam để đẩy nhanh quá trình nhận thức, thống nhất hành động, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước, người dân và toàn cầu khi thực hiện chuyển đổi năng lượng.
Phó Thủ tướng đề nghị Vương quốc Anh chia sẻ cách thức triển khai chính sách điện mặt trời áp mái; giới thiệu những doanh nghiệp đã đầu tư thành công các dự án điện gió, điện mặt trời, lưới điện thông minh, sản xuất hydro xanh, amoniac xanh, hệ thống lưu trữ điện công suất lớn… với hiệu quả cao nhất, chi phí thấp nhất. Phó Thủ tướng cũng mong muốn Vương quốc Anh chia sẻ kinh nghiệm xây dựng các chính sách, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư bảo đảm lợi ích tổng thể tốt nhất, cơ chế mua, bán điện trực tiếp từ nguồn năng lượng tái tạo…
Cám ơn Phó Thủ tướng dành thời gian tiếp, Bộ trưởng Graham Stuart thông tin về quá trình, kết quả chuyển đổi các nguồn điện sử dụng than, nhiên liệu hóa thạch ở Anh từ năm 2012 sang các nguồn năng lượng tái tạo. Theo đó, năm 2012, các nguồn điện than chiếm 40% tổng sản lượng điện và dự kiến trong năm 2024, toàn bộ các nhà máy nhiệt điện than ở Anh sẽ dừng hoạt động. Trong khi đó, tỷ trọng điện từ năng lượng tái tạo tăng từ 10% (năm 2010) lên 40% tổng lượng điện sản xuất vào năm 2023 và sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn nữa trong những năm tới.
Những bài học được rút ra đối với Chính phủ Vương quốc Anh là cần xây dựng khung pháp lý, cam kết chính sách dài hạn, ổn định đối với nhà đầu tư nhằm giảm rủi ro, chi phí vốn; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các tổ, nhóm công tác về điện mặt trời, điện gió, tạo việc làm trong lĩnh vực năng lượng xanh…, với sự tham gia, phối hợp của nhiều bộ, ngành; khơi thông các nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức tài chính lớn...