Việt Nam kêu gọi hỗ trợ ứng phó các thách thức nhân đạo ở Nam Sudan

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), ngày 15/12, Hội đồng Bảo an (HĐBA) đã họp trực tuyến về tình hình Nam Sudan và hoạt động của Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ tại nước này (UNMISS).

Phiên họp có sự tham dự ông Mark Lowock, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo và viện trợ khẩn cấp, và ông David Shearer, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về Nam Sudan kiêm người đứng đầu UNMISS.

Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban trực thuộc của HĐBA liên quan đến Nam Sudan, Việt Nam đã báo cáo HĐBA về hoạt động của ủy ban trong năm qua và sau đó phát biểu trên tư cách quốc gia.

Các báo cáo viên cho biết trong những tháng gần đây, Nam Sudan tiếp tục ghi nhận một số tiến triển tích cực về chính trị - an ninh, song tiến trình chuyển tiếp nhìn chung vẫn diễn ra chậm chạp. Các báo cáo viên bày tỏ quan ngại về tình trạng khủng hoảng kinh tế, nhân đạo ở Nam Sudan do tác động của đại dịch COVID-19, lũ lụt diện rộng, tình trạng gia tăng bạo lực giữa các cộng đồng. Ông David Shearer thông tin về các nỗ lực của UNMISS trong bảo vệ dân thường ở Nam Sudan trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đồng thời cho biết phái bộ đã và đang rút dần lực lượng tại một số cơ sở bảo vệ dân thường và bàn giao các cơ sở này cho chính phủ do tình hình an ninh cơ bản đã được cải thiện.

Các nước thành viên HĐBA kêu gọi chính phủ chuyển tiếp và các bên liên quan ở Nam Sudan tiếp tục nỗ lực thực hiện các điều khoản còn lại trong Thỏa thuận Hòa bình năm 2018, trong đó có việc thành lập Nghị viện chuyển tiếp và lực lượng an ninh quốc gia thống nhất. Các nước cũng chia sẻ quan ngại của các báo cáo viên về các thách thức về kinh tế và nhân đạo ở Nam Sudan hiện nay, đặc biệt là tình trạng mất an ninh lương thực.

Với tư cách Chủ tịch Ủy ban trực thuộc của HĐBA liên quan đến Nam Sudan (Ủy ban 2206), Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, đã báo cáo HĐBA về hoạt động của ủy ban trong năm 2020. Ủy ban đã tổ chức 5 phiên họp, ban hành 41 văn bản và thông qua 7 đề nghị miễn trừ tạm thời đối với các biện pháp hạn chế đối với một số cá nhân, tổ chức ở Nam Sudan.

Chú thích ảnh
Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý tham dự phiên họp trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 15/12/2020. Ảnh: Khắc Hiếu-P/v TTXVN tại New York, Hoa Kỳ

Phát biểu với tư cách đại diện Việt Nam, Đại sứ Đặng Đình Quý đã đánh giá cao các diễn biến tích cực ở Nam Sudan trong năm 2020, cho rằng những tiến triển này là rất đáng khích lệ trong bối cảnh Nam Sudan, một quốc gia non trẻ, đang chịu nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, tình trạng lũ lụt và thiếu lương thực. Đại sứ ghi nhận thỏa thuận ngừng bắn tiếp tục cơ bản được tuân thủ và kêu gọi chính phủ tiến hành các biện pháp hiệu quả nhằm giải quyết tình trạng bạo lực giữa các cộng đồng; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm thiết lập các tiêu chí để rà soát cơ chế cấm vận vũ khí của HĐBA đối với Nam Sudan. Đại sứ đánh giá cao vai trò của UNMISS, các nước láng giềng và tổ chức khu vực trong thúc đẩy tiến trình hòa bình và phát triển ở Nam Sudan, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào hoạt động của UNMISS.

UNMISS là phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ được thành lập theo Nghị quyết 1996 ngày 8/7/2011 của HĐBA và được gia hạn hàng năm (mới đây nhất đến 12/3/2021 theo Nghị quyết 2514). UNMISS có 4 nhiệm vụ chính gồm: bảo vệ thường dân, hỗ trợ tiến trình hồi hương của người tị nạn và người mất nơi cư trú ở Nam Sudan; tạo môi trường thuận lợi cho việc hỗ trợ nhân đạo; giám sát và điều tra các hành vi vi phạm nhân quyền; hỗ trợ việc triển khai Thỏa thuận Hòa bình 2018 và tiến trình hòa bình, đóng vai trò bổ trợ cho các bên liên quan tại Nam Sudan.

Việt Nam chính thức tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ và cử đại diện tham gia UNMISS vào năm 2014. Việt Nam đã triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Bentiu, Nam Sudan, kể từ năm 2018 đến nay và hiện đang chuẩn bị cho việc triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 lần thứ 3.

Ủy ban của HĐBA về Nam Sudan (Ủy ban 2206) là một cơ quan trực thuộc của HĐBA, được thành lập theo Nghị quyết 2206 (2015) của HĐBA với nhiệm vụ giám sát việc triển khai các biện pháp của HĐBA nhằm thúc đẩy bảo đảm hòa bình, an ninh tại quốc gia này. Theo thông lệ tại HĐBA, các nước ủy viên không thường trực sẽ được phân công đảm nhiệm vị trí chủ tịch các cơ quan trực thuộc của HĐBA. Hiện Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ủy ban nhiệm kỳ 2020-2021.

Hải Vân- Vũ Hiếu (TTXVN)
Việt Nam đóng góp tích cực, trách nhiệm vào công việc chung của Hội đồng Bảo an
Việt Nam đóng góp tích cực, trách nhiệm vào công việc chung của Hội đồng Bảo an

Ngày 25/11, Việt Nam đã chủ trì, cùng Na Uy và Nam Phi đồng tổ chức Cuộc họp giữa 10 nước Ủy viên không thường trực đương nhiệm (E10) và 5 nước mới trúng cử Ủy viên không thường trực (I5) với chủ đề “Nỗ lực chung vì Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hiệu quả: kinh nghiệm và bài học tốt cho các nước mới trúng cử Ủy viên không thường trực” dưới hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN