Việt Nam đóng góp tích cực, trách nhiệm vào công việc chung của Hội đồng Bảo an

Ngày 25/11, Việt Nam đã chủ trì, cùng Na Uy và Nam Phi đồng tổ chức Cuộc họp giữa 10 nước Ủy viên không thường trực đương nhiệm (E10) và 5 nước mới trúng cử Ủy viên không thường trực (I5) với chủ đề “Nỗ lực chung vì Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hiệu quả: kinh nghiệm và bài học tốt cho các nước mới trúng cử Ủy viên không thường trực” dưới hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp.

Bên lề Cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã có những chia sẻ với báo chí về các nội dung liên quan đến Cuộc họp cũng như vai trò của Việt Nam với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, nước Chủ tịch ASEAN 2020 tại diễn đàn đa phương lớn nhất hành tinh.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung. Ảnh: TTXVN phát
 

Cho biết ý nghĩa của Cuộc họp lần này và lý do Việt Nam đăng cai tổ chức, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nêu rõ, đây là hội nghị quốc tế đầu tiên do Việt Nam trụ trì trong khuôn khổ là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, nhiệm kỳ 2020-2021.

Cuộc họp lần này, Việt Nam đăng cai cả hai hình thức, vừa là trực tuyến và trực tiếp, tham dự có lãnh đạo của Bộ Ngoại giao các nước hiện đang là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an. Hội đồng Bảo an có 15 thành viên, trong đó có 5 Ủy viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga cùng 10 nước Ủy viên không thường trực đại diện cho các châu lục, được bầu thay mới năm nước mỗi năm. Trong 10 nước Ủy viên không thường trực hiện nay có Việt Nam. Năm nay, có 5 nước mới được bầu đại diện cho các châu lục, đó là Ấn Độ, Na Uy, Ireland, Mexico và Kenya cho nhiệm kỳ 2021-2022.

Mục đích của Cuộc họp là nhằm trao đổi kinh nghiệm giữa 10 nước Ủy viên không thường trực đương nhiệm, trong đó có một số nước sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2021 cùng với 5 nước mới được bầu, sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 2021-2022 vào năm 2021, về cách thức hoạt động của Hội đồng Bảo an, đặc biệt là hoạt động của các nước không phải là Ủy viên thường trực; đánh giá về công việc của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như tình hình quốc tế và những vấn đề lớn đặt ra đối với công việc của Hội đồng.

Theo đó, Cuộc họp sẽ giúp cho các nước sắp vào Hội đồng Bảo an và các nước thành viên không thường trực đương nhiệm có thêm được kinh nghiệm và thông tin về nhiều mặt như cách làm việc, nội dung chương trình nghị sự và những vấn đề, khó khăn đặt ra cùng những thuận lợi trong công tác của Hội đồng Bảo an.

Cuộc họp cũng sẽ giúp cho các quốc gia Ủy viên không thường trực có thể tìm ra những cách thức để đóng góp, phản ánh đúng tiếng nói của các châu lục mà mình đại diện và tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc đã bỏ phiếu bầu cho mình. Qua Cuộc họp, nước chủ nhà Việt Nam thể hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa, đồng thời đóng góp hết sức tích cực và trách nhiệm vào công việc chung của Hội đồng Bảo an như đã cam kết vì hòa bình, an ninh quốc tế và khu vực.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, dự kiến Cuộc họp sẽ ra một bản tóm tắt của nước chủ nhà Việt Nam về những vấn đề được thảo luận. Qua đó, các nước sẽ có một sự hiểu biết, nhận thức chung về tình hình quốc tế, để cùng nhau trao đổi và xác định những biện pháp cần phải chuẩn bị cho các nước sắp tới là Ủy viên không thường trực.  Đặc biệt là về những biện pháp để thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước Ủy viên Thường trực và không thường trực của Hội đồng Bảo an nhằm đưa hoạt động của Hội đồng thực sự có hiệu quả, giải quyết được những vấn đề toàn cầu lớn đang đặt ra.

Liên quan đến việc ngày 23/11 vừa qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 thảo luận và thông qua Nghị quyết về hợp tác ASEAN-Liên hợp quốc do Việt Nam thay mặt ASEAN chủ trì soạn thảo nội dung và thương lượng nghị quyết, với 110 nước đồng bảo trợ, đạt kỷ lục về số nước đồng bảo trợ kể từ khi nghị quyết này được đưa ra lần đầu tiên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho hay, việc hợp tác giữa Liên hợp quốc và tổ chức khu vực là một nội dung quan trọng trong công việc của Liên hợp quốc, được đề cập ngay cả trong Hiến chương của Liên hơp quốc.

Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, quá trình hợp tác giữa ASEAN và Liên hợp quốc đã có từ nhiều năm, nhưng việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết mới đây, có nhiều nội dung quan trọng, bao gồm những lĩnh vực hợp tác từ trước đến nay giữa Liên hợp quốc và ASEAN nhưng cũng có những nội dung mới để hai thể chế toàn cầu và khu vực có thể cùng phối hợp với nhau giải quyết được tốt nhất những vấn đề chung, như chống biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình, những vấn đề cụ thể với từng khu vực.

“Việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua với sự đồng thuận và số lượng nước đồng bảo trợ kỷ lục, phản ánh sự nhìn nhận của Liên hợp quốc về vị trí và khả năng đóng góp của ASEAN, trong đó có sự đóng góp đáng kể của Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN 2020 cùng với sự phối hợp với các nước thành viên ASEAN”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung chia sẻ.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết thêm, trong tháng 1/2020, khi Việt Nam làm Chủ tịch và cũng là bắt đầu nhiệm kỳ làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trên cơ sở đồng thuận của các nước ASEAN, đã tổ chức một cuộc thảo luận riêng về vai trò của ASEAN ở khu vực cũng như sự phối hợp với Liên hợp quốc. Trong năm giữ cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã điều phối, duy trì hoạt động của tổ chức ASEAN trong nhiều lĩnh vực giữa bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động, đại dịch COVID-19. Nhiều đề xuất của Việt Nam được các nước ASEAN và các đối tác của ASEAN, trong đó có Liên hợp quốc ủng hộ.

Thành công của ASEAN trong năm Việt Nam làm Chủ tịch đã khiến cho cộng đồng quốc tế thấy rõ hơn về vị trí, vai trò và khả năng đóng góp của ASEAN đối với các vấn đề quốc tế. Do đó, các nước trên thế giới càng mong muốn có sự hợp tác với ASEAN như là một một câu chuyện thành công trong hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực, đồng thời cũng mong muốn ASEAN đóng vai trò lớn hơn nữa, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương để xử lý những vấn đề phức tạp hiện nay.

Việt Đức (TTXVN)
Cuộc họp nhóm nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Cuộc họp nhóm nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Ngày 25/11, Việt Nam đã chủ trì, cùng Na Uy và Nam Phi đồng tổ chức Cuộc họp giữa 10 nước Ủy viên không thường trực đương nhiệm (E10) và 5 nước mới trúng cử Ủy viên không thường trực (I5) với chủ đề “Nỗ lực chung vì Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hiệu quả: kinh nghiệm và bài học tốt cho các nước mới trúng cử Ủy viên không thường trực” dưới hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN