Trong báo cáo trực tuyến tại hội nghị, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ kiêm Trưởng Phái bộ hỗ trợ của LHQ tại Somalia (UNSOM), ông James Swan, cho biết sự rạn nứt giữa các nhà lãnh đạo chóp bu ở Somalia đã khoét sâu thêm kể từ đầu tháng này khi Tổng thống Mohamed Farmajo và Thủ tướng Mohamed Hussein Roble ngày càng bộc lộ rõ sự khác biệt trong cách thức điều hành và tổ chức các cuộc bầu cử sắp tới.
Theo ông Swan, những bất đồng này có nguy cơ sẽ làm cho tình hình ở Somali ngày càng thêm căng thẳng. Hiện tại, lãnh đạo các bang thành viên, các thành viên nội các và đại diện cơ quan lập pháp đang nỗ lực thúc đẩy đối thoại cũng như thỏa hiệp để hóa giải những khác biệt này.
Liên quan đến cuộc bầu cử Thượng viện ở Somali, ông Swan cho biết đã có 34 trên tổng số 54 ghế được bầu, trong đó phụ nữ trúng cử chiếm 24%. Theo kế hoạch, bang Somaliland sẽ tổ chức bầu Thượng viện trong vài ngày tới và trước thềm sự kiện này, ông Swan đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Somalia không có thêm những hành động hay tuyên bố đơn phương gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc tổ chức bầu cử.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Phạm Hải Anh - Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ - chia sẻ mối quan tâm của cộng đồng quốc tế, các tổ chức quốc tế và khu vực về những bất đồng ở Somalia; ghi nhận việc các lãnh đạo Somalia đã bày tỏ sẵn sàng đối thoại với nhau. Đại sứ nhấn mạnh các bên liên quan cần đoàn kết, tập trung nỗ lực cho cuộc chiến chống khủng bố, đại dịch COVID-19, bệnh dịch, thiên tai và những khó khăn về kinh tế-xã hội cũng như các mối đe dọa khác đối với hòa bình và phát triển bền vững.
Đại sứ Phạm Hải Anh cho rằng hiện nay các bên cần tìm cách giải quyết những khác biệt, tham gia đối thoại và tạo dựng lòng tin trên tinh thần xây dựng và nỗ lực hơn nữa để hướng tới đồng thuận chính trị trong việc tổ chức bầu cử dựa trên cơ sở Thỏa thuận đã đạt được ngày 27/5 vừa qua. Đại diện Việt Nam khẳng định sự ủng hộ đối với vai trò và đóng góp của các tổ chức khu vực, trong đó có Liên minh châu Phi (AU) và Cơ quan Liên chính phủ về Phát triển châu Phi (IGAD) trong việc giải quyết các vấn đề chính trị liên quan.