Đại diện Liên minh châu Phi (AU), Liên minh châu Âu (EU) và đại diện một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực thúc đẩy vai trò của thanh niên trong xây dựng hoà bình tại CH Trung Phi cũng tham dự cuộc họp.
Tại diễn đàn này, Việt Nam đã kêu gọi các bên giải quyết khác biệt bằng các biện pháp hoà bình, tăng cường xây dựng lòng tin nhằm thúc đẩy đối thoại.
Phó Tổng Thư ký Lacroix thông tin về tình hình bạo lực tiếp diễn sau khi kết quả chính thức của cuộc bầu cử Tổng thống ngày 27/12/2020 tại CH Trung Phi được công bố. Các nhóm vũ trang đối lập tiếp tục gây rối tại nhiều khu vực, đáng chú ý là đường thông thương giữa thủ đô Bangui và biên giới với Cameroon hiện phải ngừng hoạt động do bị cản trở, hàng trăm ngàn dân thường bị buộc rời bỏ nơi cư trú hoặc phải tị nạn tại các nước láng giềng do bất ổn gần đây. Tình hình nhân đạo ở nhiều khu vực tại nước này cũng đang gặp khó khăn nghiêm trọng.
Theo thống kế của các tổ chức phi chính phủ thì CH Trung Phi là nơi nguy hiểm nhất trên thế giới đối với hoạt động nhân đạo. Trên cơ sở đóng góp quan trọng của Phái bộ LHQ tại CH Trung Phi trong hỗ trợ duy trì an ninh, ông Lacroix đề cập khuyến nghị của Tổng Thư ký LHQ về việc tăng cường quân và cảnh sát cho Phái bộ để giúp ứng phó với bất ổn hiện nay.
Các thành viên HĐBA kêu gọi các bên tôn trọng kết quả bầu cử và giải quyết các khác biệt thông qua đối thoại đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện Thoả thuận Hoà bình giữa Chính phủ và các nhóm vũ trang nhằm tạo điều kiện cho giải pháp chính trị lâu dài. Các nước cũng ủng hộ nỗ lực của AU và các tổ chức tiểu khu vực cũng như của phái bộ MINUSCA trong hỗ trợ giải quyết tình hình.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, chia sẻ lo ngại về tình hình an ninh tại CH Trung Phi và những tác động nghiêm trọng tới tình hình nhân đạo trong thời gian vừa qua. Đại sứ nhấn mạnh tầm quan trọng của hỗ trợ quốc tế trong giải quyết tình hình tại CH Trung Phi, trong đó đặc biệt là vai trò của Liên minh châu Phi, Cộng đồng kinh tế Trung Phi và Tổ chức Các nước khu vực Các Hồ Lớn, cũng như đóng góp của LHQ.
Tình hình an ninh tại CH Trung Phi có tiến triển nhất định, đặc biệt kể từ sau khi Thoả thuận Hoà bình được ký kết giữa Chính phủ và 14 nhóm vũ trang vào tháng 2/2019. Tuy nhiên, tiến trình bầu cử năm 2020-2021 đang diễn biến rất phức tạp do sự chống đối của một số nhóm vũ trang đối lập. Bạo lực liên tiếp diễn ra dẫn tới việc nước này phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 6 tháng.