Việt Nam dự Phiên họp của Ủy ban Thường trực về Phát triển bền vững trong khuôn khổ IPU-142

Tối 18/5, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh đại diện cho Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên họp trực tuyến của Ủy ban Thường trực về Phát triển bền vững trong khuôn khổ Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 142.

Phiên họp có chủ đề: Lồng ghép số hóa và kinh tế tuần hoàn để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs), đặc biệt là tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm.

Tham luận tại phiên họp, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của IPU về sự cần thiết gắn kết nội dung số hóa, kinh tế tuần hoàn nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), nhất là mục tiêu số 12 về tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm. Với 29 nội dung lưu ý tại phần dẫn đầu và 36 nội dung định hướng tại phần kêu gọi hành động, đây là một Nghị quyết rất toàn diện, tham vọng, nhưng cực kỳ cần thiết, nhất là trong bối cảnh đại dịch hiện nay. 

Để Nghị quyết của IPU có thể thúc đẩy, dẫn dắt các công việc và hành động của nghị viện trong lĩnh vực số hóa, nền kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cho rằng các nghị viện thành viên cần nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội về Nghị quyết này của IPU; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, trước hết là với các cơ quan của Quốc  hội, sau đó đến Chính phủ, người dân nhằm hình thành nền kinh tế tuần hoàn với sự hỗ trợ của số hóa.

Giáo dục đóng vai trò quan trong trong việc trang bị kiến thức về kinh tế tuần hoàn để các chủ thể thực hành kinh tế tuần hoàn trên thực tế và giúp định hình thói quen tiêu dùng trách nhiệm ngay từ sớm. Đồng thời, khả năng sử dụng các công cụ số, kỹ năng số, sự sẵn sàng để thực hiện số hóa cũng phải được coi là một trong những nội dung cơ bản trong chương trình giáo dục ở tất cả các cấp độ.

Đúng như Nghị quyết chỉ ra, IPU cần củng cố mối quan hệ hợp tác với các nghị viện thành viên là các tổ chức khác, bao gồm cả các tổ chức nghị viện khu vực, để thu thập chứng cứ, thông tin về nền kinh tế tuần hoàn, môi trường, số hóa và xây dựng khung hướng dẫn cho các hành động của nghị viện.

Một số chính sách tham chiếu từ Nghị quyết của IPU gồm: Kinh tế tuần hoàn với tư cách là một phương thức nhằm đạt mục tiêu SDG 12 cần được lồng ghép vào các chiến lược phát triển quốc gia. Bên cạnh đó, cần có các chính sách khuyến khích về mặt kinh tế, tài chính để thúc đẩy hàng hóa, dịch vụ bền vững hơn so với hàng hóa và dịch vụ có tuổi đời ngắn. Các tiêu chuẩn môi trường hiện đại cần được quy định cụ thể, đặc biệt các chính sách thúc đẩy số hóa cần định hướng số hóa nhằm thực hiện kinh tế tuần hoàn, bởi đổi mới sáng tạo là yếu tố tối quan trọng cho sự hình thành kinh tế tuần hoàn. 

Với những công nghệ lõi như: Trí tuệ nhân tạo, robot, in 3D, internet vạn vật, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây, giao tiếp giữa máy móc, 5G, phương tiện tự hành, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, năng lượng tái tạo, trữ lượng năng lượng và máy tính lượng tử, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay Cách mạng số đã giúp hình thành nhiều hơn các hệ thống sản xuất khép kín, tăng khả năng lợi nhuận của các quy trình tái sản xuất. Những giải pháp này cũng giúp tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực, giảm chi phí sản xuất năng lượng tái tạo, giúp sự gắn bó liên kết giữa các ngành công nghiệp trong nền kinh tế tuần hoàn thêm vững mạnh; trang bị cho người tiêu dùng công cụ phân tích dữ liệu thời gian thực giúp tự do lựa chọn nhà sản xuất/cung cấp dịch vụ và sản phẩm/dịch vụ phù hợp với tiêu chí tiêu dùng bền vững.

Bên cạnh đó, sự tham gia của các chủ thể khác là rất quan trọng trong việc thực thi bất kỳ chính sách nào, ngoài các nghị viện, chính phủ thì chính khu vực tư nhân, người dân cần tích cực hành động. Nhà sản xuất kinh doanh cần đưa các nguyên lý của kinh tế tuần hoàn và số hóa vào việc tái thiết kế mô hình sản xuất của mình; đồng thời, người dân cần dần thay đổi tư duy tiêu dùng của chính bản thân.

Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) cần chủ động tạo diễn đàn chính thức cho các nghị viện thành viên tiếp tục học hỏi thực tiễn, kinh nghiệm của nhau; đẩy mạnh hơn nữa sự ủng hộ từ phía các nghị viện của các quốc gia là nhà tài trợ cho các quốc gia khác.

Đỗ Bình (TTXVN)
IPU: Cần nửa thế kỷ để đạt bình đẳng giới trong quốc hội
IPU: Cần nửa thế kỷ để đạt bình đẳng giới trong quốc hội

Tỷ lệ nữ trong quốc hội các nước trên thế giới đã tăng nhẹ trong năm 2020 và hiện chiếm hơn 25% tổng số các nhà lập pháp trên toàn cầu. Tuy nhiên, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) cảnh báo phải mất 50 năm nữa, số nữ nghị sĩ mới bằng được các đồng nghiệp nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN