Thêm 6 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh
Cả nước đã có thêm 6 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Các trường hợp này sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Đó là bệnh nhân số 52, 149 tại Bệnh viện số 2 tỉnh Quảng Ninh; bệnh nhân số 168, 188, 231 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam và bệnh nhân số 211 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình.
Như vậy, Việt Nam đã có tổng số 177/268 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh. 91 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh bao gồm bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện dã chiến. Đa số các bệnh nhân đều có sức khỏe ổn định.
Có 3 bệnh nhân nặng đang thở máy, lọc máu, gồm bệnh nhân số 19 và 161 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2; bệnh nhân số 91 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.
Diễn biến lâm sàng của bệnh nhân số 91 tiếp tục có tín hiệu lạc quan, kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 ở dịch rửa phế quản đã âm tính trở lại, nhưng ở mũi, họng vẫn còn dương tính.
Tại các cơ sở điều trị, 7 ca đã có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 và 29 ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2.
Xây dựng 63 đội phản ứng nhanh
Bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đánh giá về khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh ở các địa phương, nhất và các địa phương trọng điểm, địa phương có đường biên giới đường bộ; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 63 đội phản ứng nhanh trước đại dịch ở 63 tỉnh, thành; đề xuất nâng cao năng lực xét nghiệm và cơ sở vật chất, hỗ trợ nhân lực cho hệ thống y tế địa phương; nghiên cứu đề xuất cụ thể các ngưỡng phản ứng dựa trên số ca nhiễm, số người chết và tốc độ lây lan dịch bệnh, phương án ứng phó phù hợp với từng ngưỡng, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực xét nghiệm và cơ sở vật chất, hỗ trợ nhân lực cho hệ thống y tế địa phương; nghiên cứu đề xuất cụ thể các ngưỡng phản ứng dựa trên số ca nhiễm, số người chết và tốc độ lây lan dịch bệnh, phương án ứng phó phù hợp với từng ngưỡng, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống.
Các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục phổ biến, hướng dẫn người dân những kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình và gia đình mình, nâng cao ý thức công dân trong phòng, chống dịch; tránh đưa thông tin gây chủ quan, hoang mang trong nhân dân.