Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và Thượng nghị sỹ Penny Wong, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Australia đồng chủ trì khai mạc. Hơn 600 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành, chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực cùng tham dự.
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Tăng cường hợp tác khu vực là phương thức hữu hiệu để các quốc gia thích ứng với một thế giới thay đổi nhanh, có nhiều bất định, bất ổn, đột biến và rủi ro khó lường. Thời gian qua, đại dịch COVID -19 cướp đi sinh mạng của hơn 6,9 triệu người trên thế giới. Nhân loại đã phải trải qua những mất mát to lớn, thảm họa một trăm năm mới xảy ra một lần, để thấu hiểu thêm rằng mỗi người sẽ không thể sống trong an toàn khi những người xung quanh còn đang gặp rủi ro và nguy hiểm.
Theo Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, hợp tác khu vực là sự lựa chọn thích ứng và khôn khéo của các quốc gia, nhất là khi đối mặt với tiến trình toàn cầu hóa gặp nhiều trở ngại, những rào cản địa kinh tế-chính trị và những rủi ro, đứt gãy khó lường.
Trong một thế giới đầy biến động như vậy, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, 50 năm nhìn lại, nhất là trong khoảng 15 năm qua, quan hệ Việt Nam - Australia đã đạt được những bước phát triển nhảy vọt: từ quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2009 trở thành quan hệ Đối tác toàn diện tăng cường vào năm 2015 và được nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược năm 2018.
Việt Nam, Australia đã đạt được sự hợp tác ngày càng toàn diện, sâu sắc, có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Mặc dù hai nước có khoảng cách xa về địa lý song niềm tin chính trị sâu sắc, sự tăng cường giao lưu đã trở thành cầu nối rút ngắn khoảng cách địa lý giữa hai nước, đưa quan hệ Việt Nam-Australia thật sự trở thành quan hệ láng giếng khu vực, gần gũi và bền chặt.
Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, Diễn đàn là dịp để đại biểu hai nước thảo luận, phân tích và tìm ra câu trả lời cho những vấn đề về hợp tác khu vực, đồng thời tiếp tục duy trì, mở rộng và tăng cường quan hệ Việt Nam và Australia trong thời gian tới, nâng tầm đối ngoại đa phương của hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, thịnh vượng và phát triển của khu vực Đông Nam Á, Đông Á, châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Ngoại giao Australia, Penny Wong, cho biết quan hệ hợp tác giữa Australia và Việt Nam đã được xây dựng rất bền chặt trong suốt 50 năm qua. Hiện nay, hai nước sát cánh bên nhau như những người bạn dựa trên sự tin tưởng chiến lược và luôn có ý thức sâu sắc về việc không ngừng củng cố tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược, hướng đến nâng tầm lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Bộ trưởng Penny Wong nhấn mạnh hai nước đều có mong muốn hòa bình cho khu vực, thế giới. Để đạt được mục tiêu đó, hai nước cần có sự tin cậy chính trị và chiến lược hợp tác phát triển trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau dựa trên các tiêu chuẩn, luật pháp quốc tế, các cơ chế hợp tác của nhau. Australia mong muốn hợp tác với Việt Nam để cùng giải quyết những thách thức mà hai nước không thể một mình giải quyết, bao gồm thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Australia tuyên bố gói hỗ trợ mới trị giá 94,5 triệu đô la Australia cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2023-2034. Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là một ví dụ cho thấy Australia và Việt Nam đang cùng nhau giải quyết những thách thức chung trong biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Australia đánh giá cao hoạt động của Trung tâm Việt - Úc, một trọng tâm trong quan hệ đối tác phát triển của Australia với Việt Nam. Trung tâm quy tụ các chuyên gia Australia, Việt Nam để hỗ trợ tăng cường năng lực của đội ngũ lãnh đạo, quản lý của Việt Nam trong tương lai, nhằm giải quyết những thách thức quốc gia, khu vực và quốc tế.
Sau phiên khai mạc, các đại biểu tham dự tọa đàm cấp cao, tọa đàm bàn tròn. Các phiên thảo luận tập trung về một thế giới đang ngày càng kết nối chặt chẽ hơn, nơi mà hợp tác của toàn khu vực trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trước những cơ hội, thách thức chung; thảo luận về các xu hướng lớn toàn cầu; đổi mới trong quản trị công; sự ổn định và thịnh vượng của khu vực; phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng.