Câu hỏi trên được đặt ra tại Hội thảo báo cáo chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) khu vực miền Trung - Tây Nguyên do Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 2/7 vừa qua. Ông Aifaro, Cố vấn chính sách UNDP nhận định: Thiếu "kỹ năng mềm" khiến cho công chức bị mất điểm trong mắt người dân. Người dân giảm sự hài lòng vào công chức không hẳn do trình độ công chức yếu kém, mà chủ yếu là ở thái độ phục vụ của công chức chưa thật tốt.
Lâu nay, người dân thể hiện sự không hài lòng về thái độ phục vụ của một bộ phận công chức tại các cơ quan công quyền ở nhiều địa phương. Vẫn còn tình trạng cửa quyền, máy móc trong giải quyết thủ tục hành chính, gây phiền hà cho dân, nhất là trong lĩnh vực nhạy cảm như cấp phép đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, y tế, giáo dục... Vẫn biết, những công việc liên quan đến thủ tục hành chính đã có quy trình và quy định rõ về thời gian. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể lấy giấy tờ đúng thời hạn nếu như không quen biết, không có sự nhờ vả. Người dân vẫn quen nói vui đi làm thủ tục “hành là chính” và hành vi sách nhiễu của cán bộ đối với người dân và doanh nghiệp vốn là “chuyện thường ngày ở huyện”. Về chế tài, thì Luật Cán bộ công chức cũng quy định rõ, cán bộ liên tiếp 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị thay thế, nhưng việc sa thải một công chức trong bộ máy Nhà nước không đơn giản, bằng chứng là biên chế ngày một phình to nhưng hiệu quả phục vụ lại kém.
Thực tế cho thấy, việc thay thế một công chức thật không đơn giản (trừ công chức đó vi phạm pháp luật) do thiếu tiêu chí cụ thể để đánh giá kết quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ công chức. Ở một số nước, họ có tiêu chí rất rõ ràng, chẳng hạn nếu công chức bị người dân phản ứng, phàn nàn 3 hay 5 lần thì tùy mức độ, công chức đó sẽ bị giảm lương, không được tiếp tục làm công việc giao tiếp với dân nữa, hoặc nặng hơn thì bị sa thải. Thậm chí, ở một số nước, họ còn dạy công chức cách giao tiếp với dân, từ thể hiện nụ cười, ứng xử với dân ra sao... Còn ở ta, chỉ khi nào có cơ chế đồng bộ để người dân thể hiện thái độ đối với công chức qua cách chấm điểm và kết quả chấm điểm này sẽ là căn cứ quan trọng để đánh giá, quyết định công việc, thì lúc đó chúng ta mới có một đội ngũ công chức vì dân phục vụ!
Việc chấm điểm công chức hiện đang ở giai đoạn thí điểm, mà từ thí điểm đến bắt buộc thực hiện vẫn còn là chặng đường dài. Vẫn biết, để người dân đánh giá, chấm điểm công chức là rất quan trọng, nhưng muốn thực hiện có kết quả, thì ngoài yếu tố thời gian, rất cần sự kiểm tra, xử lý kết quả thông qua các ý kiến đóng góp của dân đối với từng cán bộ công chức. Chúng ta chưa thể làm hết được mà cần thí điểm để đánh giá hiệu quả trước là vì thế.
Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh đang thí điểm chấm điểm thái độ và trách nhiệm phục vụ của cán bộ công chức. Cách làm trên được dư luận đồng tình ủng hộ và bước đầu đã tạo hiệu ứng tích cực trong thái độ phục vụ của công chức. Chừng nào cán bộ công chức biết tôn trọng, lắng nghe tiếng nói của dân, thì chừng đó dù muốn hay không, họ cũng phải có thái độ phục vụ dân sao cho thật tốt.
Yến Nhi