Vang mãi chân lý 'Không có gì quý hơn độc lập, tự do' - Bài 1: Lời hiệu triệu non sông

“Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” cùng câu nói lịch sử “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang lên tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 17/7/1966, khi đế quốc Mỹ mở rộng đánh phá miền Bắc đã quy tụ, đoàn kết, thôi thúc cả dân tộc bước vào cuộc trường chinh kháng chiến bằng tất cả sức mạnh của mình để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã trở thành chân lý, là khẩu hiệu chung, thể hiện ý chí, nguyện vọng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta suốt chặng đường dựng nước, giữ nước và đưa đất nước tới mục tiêu phồn vinh. Kỷ niệm 55 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài viết: Vang mãi chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Người khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Hà Nội, ngày 17/7/1966. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Bài 1: Lời hiệu triệu non sông

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, câu nói bất hủ cách đây 55 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lay động hàng triệu triệu trái tim người Việt Nam yêu nước và bạn bè quốc tế khắp năm châu. “Độc lập, tự do”, đó chính là điều thiêng liêng nhất, quý giá nhất của mỗi người, mỗi dân tộc và nhân loại. Có độc lập, tự do thì sẽ có tất cả, nếu không có độc lập, tự do thì sẽ không có bất cứ thứ gì. “Độc lập, tự do”, đó cũng chính là khát vọng, ý chí, nguyện vọng, quyết tâm từ ngàn đời của dân tộc ta.

Vào đầu năm 1965, “ấp chiến lược”- xương sống của “Chiến tranh đặc biệt” do Mỹ xây dựng ở miền Nam đã bị quân và dân ta đập tan. Trong thế bị động chiến lược, đế quốc Mỹ đã liều lĩnh tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Từ năm 1965 trở đi, chiến tranh đã lan rộng cả nước. Đánh phá miền Bắc nhằm hỗ trợ cho nỗ lực quân sự ở miền Nam luôn là một ưu tiên hàng đầu của đế quốc Mỹ trong toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cùng với việc đưa quân đội Mỹ và quân đội các nước chư hầu vào miền Nam, đế quốc Mỹ dùng không quân, hải quân mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc trên quy mô lớn, với cường độ ngày càng khốc liệt, ngày càng dữ dội. 

Để “đưa miền Bắc Việt Nam quay về thời kỳ đồ đá”, đế quốc Mỹ đã huy động hàng nghìn máy bay các loại, kể cả B52, loại máy bay ném bom chiến lược hiện đại nhất lúc đó. Âm mưu thâm độc của chúng là chặt đứt “nền tảng, gốc rễ lực lượng đấu tranh của nhân dân ta”, từ đó “bóp chết” cách mạng miền Nam và chấm dứt khát vọng, ý chí thống nhất hai miền đất nước.

Trước vận mệnh “ngàn cân treo sợi tóc” của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ đứng lên kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần âm mưu, thủ đoạn và tội ác vô cùng dã man của đế quốc Mỹ hòng quyết tâm xâm lược nước ta, trước toàn thế giới: Đế quốc Mỹ dã man, gây ra chiến tranh xâm lược hòng ăn cướp nước ta. Chúng đã đưa 30 vạn quân viễn chinh vào miền Nam Việt Nam trực tiếp đàn áp đồng bào chiến sỹ ta.

Chúng sử dụng những phương tiện chiến tranh cực kỳ man rợ như chất độc hóa học, bom na-pan... Chúng dùng chính sách đốt sạch, giết sạch, phá sạch. Bằng những tội ác ấy, chúng hòng khuất phục đồng bào miền Nam ta. Giặc Mỹ trắng trợn dùng không quân bắn phá miền Bắc nước ta, hòng gỡ thế thất bại của chúng ở miền Nam và hòng ép chúng ta “đàm phán” theo ý muốn của chúng. Chúng điên cuồng leo thang thêm một bước rất nghiêm trọng: chúng bắn phá ngoại ô Hà Nội và Hải Phòng.

Chú thích ảnh
Bản thảo “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước”. Ảnh tư liệu

Chỉ rõ đó là hành động tuyệt vọng của đế quốc Mỹ như “con thú dữ bị thương nặng, giãy giụa một cách hung tợn trước hơi thở cuối cùng”, Người đã tuyên bố đanh thép: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lay động hàng triệu trái tim người Việt Nam yêu nước và bạn bè quốc tế khắp năm châu. “Độc lập, tự do”, đó chính là điều thiêng liêng nhất, quý giá nhất của mỗi người, mỗi dân tộc và nhân loại là độc lập, tự do. Có độc lập, tự do thì sẽ có tất cả, nếu không có độc lập, tự do thì sẽ không có bất cứ thứ gì.

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành động lực tinh thần to lớn, thôi thúc lớp lớp các thế hệ người Việt Nam kề vai, sát cánh, chung sức, đồng lòng cùng chiến đấu, chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông. Khắp nơi trên miền Bắc, các phong trào thi đua yêu nước vì miền Nam ruột thịt được dấy lên sôi nổi, như “Ba đảm đang”, “Ba sẵn sàng”, “Ba quyết tâm”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”.

Với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, lớp lớp thanh niên lên đường nhập ngũ quyết “đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Ở miền Nam, thực hiện Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân miền Nam đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng, thực hiện mục tiêu quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc tiến tới thống nhất nước nhà.

Vì độc lập, tự do, cả nước sục sôi đánh Mỹ, toàn dân ra trận. Ðường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển đã trở thành "con đường huyền thoại" phát huy sức mạnh của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn. Trận Khe Sanh và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là đòn sét đánh làm lung lay nghiêm trọng ý chí xâm lược của Mỹ, tạo ra bước ngoặt cơ bản làm thay đổi cục diện chiến tranh, mở ra quá trình xuống thang chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Chiến lược "Chiến tranh cục bộ" bị phá sản, Mỹ phải chuyển sang "Việt Nam hóa chiến tranh". Tháng Chạp năm 1972, kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không” của quân dân Hà Nội đã buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. “Mỹ cút” đã tạo điều kiện thuận lợi để Đảng ta, dân tộc ta tiếp tục tạo thế và lực, chớp thời cơ “đánh cho ngụy nhào”.

Thắng lợi oanh liệt mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt ách thống trị tàn bạo hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước; bảo vệ thành quả của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, mở ra thời kỳ mới- thời kỳ độc lập thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.

Chú thích ảnh
Ngày 20/9/1977, Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. Đây là một mốc son lịch sử, đánh dấu sự ghi nhận của tổ chức toàn cầu lớn nhất hành tinh và cộng đồng quốc tế đối với một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và dân chủ. Ảnh: TTXVN

Từ năm 1986 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Cuộc trường chinh xây dựng "đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" theo sự chỉ dẫn của Bác Hồ "chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi" đã đưa đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tiềm lực đất nước và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Nhìn lại 35 năm thực hiện đường lối đổi mới và hướng tới chặng đường phát triển với tầm cao phía trước, thấy rõ những điều kiện mới, thời cơ và thuận lợi mới chen lẫn nhiều chông gai, khó khăn, thách thức. Nhưng tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” sẽ tiếp tục là động lực to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đồng tâm nhất trí, triệu người như một kiên định, kiên trì đi trên con đường mà Bác Hồ đã lựa chọn, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đặc biệt, trong không khí toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". Thông điệp từ bài viết chỉ rõ, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi.

Nhân dân Việt Nam đã trải qua một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, khó khăn, đầy gian khổ hy sinh để chống lại ách đô hộ và sự xâm lược của thực dân, đế quốc để bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của đất nước, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Cũng trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định lại kết luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”.

Bài 2: Hun đúc khát vọng cống hiến

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Vang mãi chân lý 'Không có gì quý hơn độc lập, tự do' - Bài cuối: Kim chỉ nam trong hoạt động ngoại giao
Vang mãi chân lý 'Không có gì quý hơn độc lập, tự do' - Bài cuối: Kim chỉ nam trong hoạt động ngoại giao

Để giữ vững môi trường hòa bình cho phát triển, Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, đặc biệt trong đường lối đối ngoại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN