Văn phòng Chính phủ linh hoạt, sáng tạo, bám sát quy chế và yêu cầu

Ngày 11/1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Văn phòng Chính phủ.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. Ảnh tư liệu: Phạm Kiên/TTXVN

Cùng dự Hội nghị có: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Huỳnh Tấn Việt; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương… Về phía Văn phòng Chính phủ có sự tham dự của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; các Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; trợ lý, thư ký lãnh đạo Chính phủ; lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị…

Ưu tiên công tác phòng, chống dịch

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục cho biết, năm 2021, ngay sau khi các chức danh Chính phủ nhiệm kỳ XIV được kiện toàn, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quy chế làm việc của Chính phủ, cụ thể hóa lề lối làm việc, cách thức giải quyết, xử lý công việc của thành viên Chính phủ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của Chính phủ.

Trong công tác tham mưu, phục vụ các nhiệm vụ đặc thù, Văn phòng Chính phủ ưu tiên cao nhất cho tham mưu, phục vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19. Văn phòng Chính phủ đã trình kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch, các tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo; trình thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ; chuẩn bị, phục vụ 32 cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia, 63 cuộc họp do Thủ tướng, Phó Thủ tướng chủ trì về phòng, chống dịch.

Tại Văn phòng Chính phủ, công việc liên quan đến phòng, chống dịch được tập trung cao độ nhất, ưu tiên nhanh nhất, không kể giờ giấc; đã phân công từng lãnh đạo Văn phòng Chính phủ tham mưu, giúp việc từng đồng chí lãnh đạo Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo và trưởng các tiểu ban; thành lập Tổ công tác của Văn phòng Chính phủ để nắm tình hình, báo cáo trực tiếp Trưởng Ban Chỉ đạo, đồng thời, bảo đảm phương thức làm việc thông suốt trong mọi tình huống để phục vụ tốt nhất công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch.

Tiếp nhận gần 130.000 văn bản

Để bảo đảm sự chủ động trong xây dựng và quản lý thực hiện chương trình công tác, Văn phòng Chính phủ xây dựng, đôn đốc thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ sớm và liên tục, theo sát đến kết quả cuối cùng. Cùng với đó, tổ chức theo dõi, cập nhật đối với từng loại chương trình để các đề án được ban hành kịp thời, đồng bộ, đi vào đời sống; chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các bộ, cơ quan trong quá trình chuẩn bị và hoàn chỉnh các đề án, dự án luật, pháp lệnh, dự thảo văn bản quy phạm.

Văn phòng Chính phủ đã linh hoạt sáng tạo, bám sát quy chế làm việc và yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, điều chỉnh quy trình kết hợp phương thức chỉ đạo xử lý từ trên xuống với tham mưu đề xuất từ dưới lên nhằm đẩy nhanh tiến độ, không để sót, không để chậm việc. Năm 2021, Văn phòng Chính phủ đã tiếp nhận gần 130.000 văn bản; trình lãnh đạo Chính phủ gần 12.000 phiếu trình; phát hành hơn 26.000 văn bản...

Bên cạnh việc tham mưu xử lý khối lượng lớn công việc, nội dung tham mưu đã có chuyển biến theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ. Đề xuất của Văn phòng Chính phủ ngày càng chất lượng hơn, trong đó có nhiều kiến nghị, đề xuất độc lập, thể hiện tính chủ động, sự nghiên cứu tham mưu sâu, xử lý kịp thời, hiệu quả nhiều công việc quan trọng, nhạy cảm, phức tạp.

Chủ động tham mưu, đề xuất giải quyết tồn đọng kéo dài

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, Văn phòng Chính phủ đã chủ động tham mưu, đề xuất giải quyết một số nội dung tồn đọng kéo dài, trong đó có những việc đã trải qua quá trình nhiều năm, phải họp nhiều lần; một số việc được giải quyết dứt điểm hoặc đã có phương án, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển các ngành lĩnh vực quan trọng. Văn phòng Chính phủ cũng nâng cao trách nhiệm trong tham mưu khâu cuối cùng trước khi ban hành chính sách; đã phát hiện và đề xuất dừng các nội dung chưa đủ rõ, chưa được đánh giá hết tác động, chưa đủ tính dự báo, góp phần hạn chế rủi ro.   

Bên cạnh đó, công tác tổ chức, phục vụ họp ngày càng chủ động hơn, bảo đảm chu đáo cả về nội dung, hình thức và có nhiều tham mưu, đề xuất có chất lượng. Trong năm, Văn phòng Chính phủ đã phục vụ hơn 1.200 cuộc họp, hội nghị, làm việc, đi công tác, kiểm tra ở địa phương, cơ sở của lãnh đạo Chính phủ với nhiều đổi mới trong xây dựng chương trình, tài liệu, trong đó có nội dung rất gấp nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu. Đặc biệt, 140 cuộc họp Thường trực Chính phủ đã xử lý được nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách, nhiều đề án tồn đọng nhiều năm với sự thống nhất cao.

Nâng cao chất lượng truyền thông, cải cách thủ tục hành chính

Trong công tác bảo đảm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã cải thiện, nâng cao chất lượng truyền thông trên internet và trên các nền tảng xã hội; từ đó làm tốt vai trò là công cụ tuyên truyền chủ trương, chính sách và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ cũng chú trọng tham mưu về khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và xây dựng Chính phủ điện tử; thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 quyết định liên quan đến xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số.

Đồng thời, chủ động tham mưu, trình ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030; Chỉ thị đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030; xây dựng, trình phê duyệt Đề án Đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục và hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện; tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, thay đổi phương thức giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Kịp thời báo cáo, xử lý những vấn đề phát sinh

Ông Nguyễn Cao Lục cho biết, bám sát phương châm hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 là “Đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ” và chủ đề hành động năm 2022 là: “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, Văn phòng Chính phủ xác định chủ đề hành động là “Kỷ cương - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Đổi mới - Hiệu quả”, quyết tâm nỗ lực ngay từ những ngày đầu năm; khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, chấn chỉnh những vấn đề do nguyên nhân chủ quan; phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao.

Văn phòng Chính phủ sẽ bám sát Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng để thường xuyên đôn đốc, bảo đảm tiến độ, chất lượng các đề án, đưa cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương thực hiện nhiệm vụ, hạn chế tình trạng nợ đọng văn bản, đề án; kịp thời báo cáo xử lý những vấn đề phát sinh.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng tham mưu tổng hợp; chất lượng thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, đôn đốc trình đúng hạn, không để nợ đọng, không để khoảng trống pháp lý; đề xuất định hướng soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị định quan trọng trong năm 2022.

Văn phòng Chính phủ cũng phát huy hơn nữa vai trò điều phối xử lý các vấn đề còn ý kiến khác trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần lắng nghe, tháo gỡ, giải quyết đúng vấn đề, đúng trách nhiệm; dự báo tình huống các vấn đề nhạy cảm để có ứng phó phù hợp, chủ động, đón thời cơ; tập trung nguồn lực tham mưu xử lý nhanh nhất các nhiệm vụ phát sinh, đòi hỏi yêu cầu gấp, đặc biệt là trong phòng, chống dịch.

Văn phòng Chính phủ cũng tập trung tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính phủ điện tử, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; quản lý, vận hành các hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử.

Thu Phương (TTXVN)
Thủ tướng: Văn phòng Chính phủ phải trở thành cơ quan hành chính nhà nước kiểu mẫu
Thủ tướng: Văn phòng Chính phủ phải trở thành cơ quan hành chính nhà nước kiểu mẫu

Chiều 25/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Văn phòng Chính phủ. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cùng dự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN