Ứng phó với bão số 7: Rà soát, di dời người dân ở ngoài đê biển

Sáng 14/10, tại Hà Nội, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với với bão số 7.

Chú thích ảnh
Tàu thuyền neo đậu tránh trú bão số 7 tại cảng Lạch Thơi, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN

Chủ trì cuộc họp, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Công điện số 25/CĐ-TWPCTT của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 7 nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản nhân dân. Đồng thời, các địa phương tiếp tục rà soát người dân ở ngoài đê biển, tàu thuyền, chòi canh, kiên quyết không để người dân ở lại, cần thiết phải cưỡng chế để đảm bảo an toàn”.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 14/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 31.096 tàu/115.607 người biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm. Hiện chỉ còn 330 tàu/700 người chủ yếu hoạt động ven bờ Quảng Ninh. Sáng 14/10, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã kiên quyết yêu cầu các tàu này di chuyển về bờ để đảm bảo an toàn.

Chú thích ảnh
Đại diện Bộ đội Biên phòng báo cáo về tình hình ứng phó với bão số 7. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn nhấn mạnh: Rút kinh nghiệp tàu Vietship, các địa phương có phương án neo đậu để đảm bảo an toàn. “Tuyệt đối không để người dân ở lại trên tàu thuyền, chòi canh, nếu chủ quan mà để xảy ra như tàu Vietship phải dùng trực thăng để cứu là rất nguy hiểm. Vấn đề sạt lở đất cũng vậy, chỗ nào có nguy cơ phải rà soát, di dời ngay. Tránh hậu quả đáng tiếc như đoàn cứu hộ, cứu nạn”.

Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, rạng sáng 14/10, bão số 7 đã đi vào vịnh Bắc Bộ. Dự báo trưa đến chiều 14/10, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh Thái Bình - Nghệ An. Vùng nguy hiểm nhất là gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 trên vịnh Bắc Bộ. Ven bờ có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.

Khu vực đất liền các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ đến Thanh Hóa và Nghệ An có gió mạnh cấp 6 -7, giật cấp 9. Thời gian gió mạnh tập trung từ sáng đến chiều 14/10. Hoàn lưu bão rộng, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa đã bắt đầu từ sáng sớm 14/10, lượng mưa tăng cường mạnh từ trưa 14/10. Tổng lượng mưa cả đợt 200-300mm, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình… có mưa rất lớn. Các hồ chứa ở khu vực này cần chủ động ứng phó để điều tiết xả lũ. Khả năng trên thượng lưu sông Mã báo động 1-báo động 2. Sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố có thể lên mức báo động 2 - báo động 3. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở các khu đô thị, trong đó Hà Nội.

Tại cuộc họp, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai báo cáo, đến sáng 14/10, các tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã tổ chức cấm biển từ ngày 13/10.

Các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An lên phương án sơ tán hơn 150.000 dân trước khi bão số 7 đổ bộ vào đất liền. Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa 10.824 hộ/46.760 người nằm trong phạm vi cách bờ biển 200m; tỉnh Nghệ An 12.341 hộ/102.112 người; tỉnh Nam Định 1.100 người, tỉnh Thái Bình 3.019 người; tỉnh Ninh Bình 412 người). Thành phố Hải Phòng đã di dời 90 người ở khu vực nguy hiểm đảo Cát Hải đến nơi an toàn.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi họp. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Tính đến 23 giờ ngày 13/10, các địa phương có 212 xã, phường/135.329 hộ bị ngập; 36 người chết (30 người do bị lũ cuốn, 3 thuyền viên trên biển, 3 người bị điện giật do dọn dẹp sau lũ, chưa đề cập đến các nạn nhân do sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 do chờ xác minh). Ngoài ra, 585 nhà bị sập đổ, hư hỏng; 135.731 nhà bị ngập; 870 ha lúa, 5.314 ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 3.588 ha thủy sản bị thiệt hại; 332.350 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 335 điểm trường bị ngập và 27 điểm trường bị hư hại; 26,3 km bờ biển sạt lở, nhiều điểm quốc lộ bị sạt, hư hỏng.

Hiện tình trạng ngập lụt, sạt lở còn gây ách tắc ở một số vị trí trên các tuyến giao thông chính như: Quốc lộ 1A, 49, 49B (Thừa Thiên-Huế); đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Quốc lộ 9 (Quảng Trị); Quốc lộ 9B, Quốc lộ 15 (Quảng Bình). Tuyến đường sắt Hà Nội - Đông Hà chưa thông tuyến.

HL (TTXVN)
Nhiều mối nguy hiểm trong cơn bão số 7, áp thấp nhiệt đới mới lại xuất hiện
Nhiều mối nguy hiểm trong cơn bão số 7, áp thấp nhiệt đới mới lại xuất hiện

Bão số 7 sau khi đi qua đảo Bạch Long Vĩ đã bắt đầu suy yếu ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN