Ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính tại Tiền Giang - Bài cuối: Quyết liệt, đồng bộ các giải pháp

Xác định sự cần thiết của việc xây dựng, phát triển quyền điện tử, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp hiện đại, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính, các cấp, các ngành tỉnh Tiền Giang đang tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trong đó, tỉnh chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh tuyên truyền về chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến; phát triển công nghệ thông tin truyền thông, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Quan tâm chất lượng nguồn nhân lực

Để thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, nguồn nhân lực chính là điểm mấu chốt. Theo ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang: Để bảo đảm nguồn lực xây dựng chính quyền điện tử, trong giai đoạn từ 2019 - 2025, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, tập huấn cho các cán bộ, công chức, viên chức về chính quyền điện tử, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và làm việc trên môi trường mạng.

Chú thích ảnh
Người dân nộp hồ sơ làm thủ tục tư pháp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Tỉnh Tiền Giang cũng tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin ở các cơ quan nhà nước các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về công nghệ thông tin; tăng cường năng lực cán bộ làm công tác an toàn, an ninh thông tin trong các cơ quan nhà nước. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang đang phối hợp với các sở, ngành tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chương trình công nghệ thông tin nâng cao cho cán bộ cấp xã.

Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng duy trì việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn, sau đó là sát hạch nghiêm túc việc sử dụng công nghệ thông tin của cán bộ lãnh đạo các sở, ngành cho đến lãnh đạo cấp huyện, xã. Việc sát hạch về sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin được thực hiện trên cơ sở bộ ngân hàng câu hỏi phù hợp với vị trí việc làm, lĩnh vực quản lý mà cán bộ đó đảm nhận và đảm bảo nâng cao được trình độ, khả năng năng ứng dụng công nghệ thông tin cho người sử dụng. Đơn cử, cán bộ lãnh đạo sở, ngành sẽ được hướng dẫn và sau đó kiểm tra ở các kỹ năng tìm kiếm, kỹ năng sử dụng thư điện tử trên internet, các kỹ năng đọc số liệu để phân tích, đánh giá, phục vụ việc chỉ đạo, lãnh đạo đơn vị.

Một lãnh đạo cấp sở ở tỉnh Tiền Giang chia sẻ việc tập huấn, bồi dưỡng và cả sát hạch năng lực sử dụng công nghệ thông tin cho công việc rất thiết thực. Với những cán bộ lãnh đạo, kỹ năng sử dụng phần mềm một cửa điện tử phải biết nó chậm ở khâu nào để đôn đốc cán bộ, chuyên viên thực hiện.

Đề cập đến tầm quan trọng của việc sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin gắn với giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây, Phạm Thị Phi Lăng cho biết: xã Yên Luông đã thực hiện một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Do đó, cán bộ và cả lãnh đạo xã sử dụng các ứng dụng của công nghệ thông tin để nhắc nhở, đôn đốc việc thực hiện đảm bảo đúng quy trình, thời gian là rất cần thiết. Nếu cán bộ “yếu” về ứng dụng công nghệ thông tin, việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính khó có thể nhanh, đảm bảo yêu cầu. Hiện nay đội ngũ cán bộ xã Yên Luông đã được tập huấn, bồi dưỡng việc sử dụng công nghệ thông tin để  phục vụ công việc được giao.

Bên cạnh việc quan tâm bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, một điểm nổi bật nữa ở Tiền Giang là từ năm 2017 đến nay, tỉnh thường xuyên tổ chức chuyên đề thi đua “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan Nhà nước” với các  tiêu chí rất cụ thể, phù hợp với từng nhóm đơn vị ở cấp tỉnh, cấp huyện hay cấp xã như: Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ trong hoạt động của cơ quan; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức và công dân; đảm bảo an toàn thông tin, nguồn nhân lực công nghệ thông tin;… Việc thẩm định, đánh giá thi đua được thực hiện chặt chẽ, khách quan bởi một Hội đồng gồm đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, đại diện Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh, Ban Thi đua khen thưởng tỉnh; qua đó tạo sự quan tâm tích cực, nâng cao chất lượng công tác ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong các đơn vị, các địa phương, góp phần thúc đẩy xây dựng, phát triển chính quyền điện tử của tỉnh.

Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang là một trong những đơn vị cấp tỉnh được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện chuyên đề thi đua Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2019. Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm 2020, việc tiếp nhận và trả kết quả các thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương đã được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang. Trong 6 tháng đầu năm, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở đã tiếp nhận 6.889 hồ sơ và không có hồ sơ nào bị giải quyết quá hạn. Coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của tỉnh, Sở Công thương Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ. Việc thực hiện cơ chế Một cửa được duy trì ổn định, dân chủ, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho tổ chức, cá nhân.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang cho biết thêm, với mong muốn tạo sự lan tỏa, quan tâm tìm hiểu về chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải các hành chính, tỉnh cũng đang tổ chức cuộc thi tìm hiểu về chính quyền điện tử, chính quyền số trên môi trường mạng. Đến thời điểm giữa tháng 7/2020 đã có khoảng 20.000 tài khoản người dùng vào thi trên cổng trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ http://thitructuyen.tiengiang.gov.vn. Thông qua việc tham dự cuộc thi, người dân có cơ hội tìm hiểu và nắm rõ về các bộ thủ tục hành chính, cách nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu, tương tác trực tuyến với chính quyền; còn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sẽ nắm rõ hơn các thủ tục, quy trình thực hiện để phục vụ người dân tốt hơn. 

Phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn, Tiền Giang cũng là một trong những địa phương rất chú trọng thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển ngành công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới cũng như toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hội nhập và sự phát triển mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Một trong những điểm nhấn về phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin là Đề án Công viên phần mềm Mekong đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt, có địa điểm triển khai xây dựng tại ấp Phong Thuận, xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho trên cơ sở hạ tầng có sẵn của trường Trung học Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin III (cũ) do Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông Việt Nam làm chủ đầu tư.

Mục tiêu của Đề án Công viên phần mềm Mekong là cung cấp hạ tầng cho phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, nhất là công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tại tỉnh Tiền Giang và Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; cung cấp hạ tầng kỹ thuật, giải pháp cho triển khai chính quyền điện tử và thành phố thông minh của tỉnh Tiền Giang; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tạo môi trường thuận lợi nhằm thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin.

Tại Công viên phần mềm Mekong hiện có khoảng 200 kỹ sư làm việc thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin thuộc các bộ phận như: Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Viễn thông Tiền Giang; Trung tâm IT Khu vực 5 - Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông Việt Nam; Trung tâm Giải pháp chính phủ điện tử eGov và Trung tâm Giải pháp y tế điện tử eHealth của Công ty Công nghệ thông tin thuộc Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông Việt Nam.

Ông Dương Văn Thái, Trưởng phòng Quản lý và Phát triển hạ tầng Công viên phần mềm Mekong cho biết thêm, đơn vị đang hoàn tất các thủ tục để gia nhập chuỗi Công viên Phần mềm Quang Trung - công viên phần mềm đầu tiên và lớn nhất Việt Nam ở quận 12, thành phố Hồ Chí Minh, để thực hiện hiệu quả hơn việc liên kết chuỗi, thu hút và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, phát triển các sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chính quyền và người dân tỉnh Tiền Giang cũng như các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thanh Trà - Minh Trí - Minh Hưng - Hữu Chí (TTXVN)
Ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính tại Tiền Giang - Bài 1: Xây dựng chính quyền điện tử
Ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính tại Tiền Giang - Bài 1: Xây dựng chính quyền điện tử

Với mục tiêu từng bước hoàn thiện nền tảng xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện đồng bộ, sáng tạo nhiều giải pháp và đã đạt được một số kết quả ấn tượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN