Tại buổi lễ, ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã đọc diễn văn tưởng niệm, ôn lại thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Trãi.
Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, sinh năm 1380 tại kinh thành Thăng Long. Thân phụ ông là Nguyễn Phi Khanh nguyên quán ở làng Chi Ngại (nay thuộc phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương), sau dời đến làng Ngọc Ổi (nay thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội); thân mẫu là Trần Thị Thái, con gái của quan Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán.
Thuở nhỏ, Nguyễn Trãi sống với ông ngoại ở Thăng Long và Côn Sơn. Khi ông ngoại qua đời, ông về ở với cha tại Nhị Khê. Được ông ngoại và cha trực tiếp dạy dỗ, rèn luyện, Nguyễn Trãi sớm nổi tiếng về tài đức và chí lớn. Năm 1400, ông đỗ Thái học sinh, năm sau ra nhận chức Ngự sử đài chánh trưởng dưới triều Hồ. Từ năm 1407, giặc Minh đô hộ, bóc lột người dân thảm khốc tột cùng trên đất nước ta. Căm phẫn quân thù, sục sôi tinh thần yêu nước, ông quyết nuôi ý chí cứu nước, cứu dân. Ông đến Lam Sơn tụ nghĩa, dâng Bình Ngô sách, dốc tâm huyết, một lòng thành giúp Vua Lê Lợi. Ông trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, giải phóng đất nước ở thế kỷ XV. Kháng chiến thắng lợi, Nguyễn Trãi đã viết Bình Ngô Đại cáo - một bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, tổng kết tài tình cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Đất nước hòa bình, với ước vọng tham gia “duy tân đất nước, xây dựng nền thái bình muôn thuở…”, Nguyễn Trãi tiếp tục hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội dưới Triều Lê; có công lớn trong việc tạo ra nền tảng kinh tế - xã hội, sự hòa hợp giữa “Nước và Dân” - nguồn lực xây dựng đất nước Đại Việt vững mạnh đương thời. Nguyễn Trãi đã đi vào lịch sử và trở thành Anh hùng vĩ đại của dân tộc, một Danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới.
Sau diễn văn tưởng niệm và văn tế Nguyễn Trãi, đại diện lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng nhân dân địa phương đã thành kính dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, dâng hương tại đền thờ Quan đại tư đồ Trần Nguyên Đán, cầu nguyện cho Quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, giang sơn bền vững và không ngừng đổi mới.
Cũng trong sáng 2/10, tỉnh Hải Dương tổ chức lễ khánh thành lầu thờ Đức Phật Quán Thế âm Bồ Tát chùa Côn Sơn. Theo truyền thuyết, thuở hồng hoang, Bồ Tát Quán Thế Âm đã chọn Côn Sơn là nơi Ngài ngự dưới trần gian để cứu độ, ban phúc lành cho chúng sinh. Chúng sinh ở đây đã dựng thảo am thờ Ngài dưới chân núi Côn Sơn, sớm tối cung kính dâng hương hoa.
Thế kỷ XIII - XIV, chùa Côn Sơn được đệ nhất tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông, đệ nhị tổ Pháp Loa và đệ tam tổ Huyền Quang hưng công xây dựng, phát triển thành một trong ba trung tâm nổi tiếng của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam. Chùa có kiến trúc nội công ngoại quốc, gồm nhiều hạng mục công trình: tam quan, lầu chuông, gác trống, phật điện, cửu phẩm liên hoa, Tổ đường, hậu đường, tiền hành lang, hậu hành lang, lầu thờ Đức Phật Quán Thế âm Bồ Tát, các tòa tháp, Am Bạch Vân. Trong đó, lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát là công trình tôn giáo có giá trị đặc sắc được xây dựng dưới chân núi Kỳ Lân, cạnh Giếng Ngọc, trên trục Nhất Chính đạo chùa Côn Sơn. Trong lầu thờ tượng Quán Thế Âm Bồ Tát tọa thiền trên đài sen. Giữa thế kỷ XIX, đất nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, nhiều công trình kiến trúc của chùa Côn Sơn, trong đó có Lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát đã bị tàn phá, hủy hoại.
Công trình phục dựng Lầu Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát chùa Côn Sơn trên nền cũ thuộc Dự án “Tôn tạo, tu bổ di tích chùa Côn Sơn”, được khởi công xây dựng tháng 10/2018. Sau hơn 2 năm thi công, công trình đã hoàn thành với kinh phí khoảng 8 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách, nguồn công đức xã hội hóa và nguồn thu từ khai thác hoạt động du lịch. Lầu thờ có kiến trúc theo lối Phương đình, 2 tầng 8 mái, gồm 4 cột cái và 12 cột quân. Trong lầu thờ Đức Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát tọa thiền trên đài sen. Tượng Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát được tạc bằng ngọc nephrite nặng 4 tấn, cao 1,75m.
Việc tu bổ, tôn tạo Lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát góp phần hoàn chỉnh không gian cảnh quan kiến trúc chùa Côn Sơn, phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu và tham quan du lịch, sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân cả nước.