Đặc biệt, bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết, những cán bộ, đoàn viên thanh niên của lực lượng cảnh sát cơ động luôn sẵn sàng xung kích, lập công để bảo vệ Tổ quốc, vì nhân dân phục vụ. Các anh mưu trí, dũng cảm, xông pha tại những "điểm nóng" về an ninh nông thôn, những tụ điểm phức tạp về tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội hay các chuyên án lớn, dấn thân vào bão lũ, thiên tai, không quản ngại khó khăn gian khổ...
Xung kích trong bảo đảm trật tự an toàn xã hội
Để góp phần bảo vệ an ninh chính trị và trật tự - an toàn xã hội tại địa bàn cố đô Huế, Đại úy Nguyễn Ngọc Thạnh, Bí thư đoàn cơ sở Phòng Cảnh sát Cơ động (Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế) cùng các đồng đội luôn xung kích đảm nhận những việc khó, đột xuất.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí tấn công tội phạm vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân, các anh không quản ngại khó khăn nêu cao tinh thần chiến đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ba công trình thanh niên đã được Đại uý Thạnh cùng các đoàn viên đảm nhận như công trình “tuần tra kiểm soát”, công trình “vọng gác thanh niên”, công trình “em nuôi của Đoàn”.
Trong hơn hai năm qua, thực hiện công trình Thanh niên tuần tra kiểm soát, bảo vệ mục tiêu, các anh đã kịp thời phát hiện hơn 50 vụ vi phạm pháp luật và bắt giữ gần 100 đối tượng, chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý. Đặc biệt, tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn trong vụ cháy rừng xảy ra ở Thừa Thiên - Huế ngày 28/6/2019, Nguyễn Ngọc Thạnh cùng đồng đội đã dũng cảm vượt biển lửa, cứu người dân khởi sự đe dọa về tính mạng, tài sản.
Chia sẻ bí quyết làm nên những thành tích nổi bật trên, Đại úy Nguyễn Ngọc Thạnh khẳng định, đó là tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi” và sự ý thức về vai trò xung kích, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm của đoàn viên thanh niên Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Nói rõ hơn về điều này, Đại úy Nguyễn Ngọc Thạnh cho biết, với vai trò là Đảng ủy viên Đảng ủy cơ sở, Bí thư Đoàn Thanh niên, bản thân anh cùng Ban Chấp hành đoàn cơ sở đã tranh thủ kịp thời ý kiến chỉ đạo của cấp ủy đảng và của đoàn cấp trên; bám sát nghị quyết, chương trình hành động của đơn vị, nghị quyết của đoàn, quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch đến tận các đoàn viên thanh niên. Bên cạnh đó, các anh làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, chấn chỉnh việc triển khai thực hiện các phong trào thường xuyên của các chi đoàn và đoàn viên thanh niên.
Tinh thần tình nguyện
Là sỹ quan chính trị song Đại úy Lê Hải Đăng, Bí thư Liên chi đoàn, Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Tây Nam Bộ) lại luôn tình nguyện tham gia các đợt ra quân thực hiện nhiệm vụ của Trung đoàn. Điển hình như việc anh tình nguyện tham gia vào lực lượng tăng cường hỗ trợ công an các địa phương khu vực Đông Nam Bộ và miền Trung xử lý vụ những đối tượng cực đoan, cơ hội xúi giục, kích động quần chúng nhân dân tụ tập đông người để gây rối, chống đối trong một số vụ việc cụ thể.
Tại trận tuyến này, Đại úy Lê Hải Đăng thường tích cực tham gia đóng góp ý kiến, trong đó có những ý kiến quan trọng cho chỉ huy đơn vị trong thực hiện chỉ đạo, chỉ huy lực lượng, góp phần giúp đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị. “Là một cán bộ chính trị thì việc tham mưu, đề xuất những chương trình, kế hoạch, hướng dẫn mới phù hợp với tình hình đơn vị; không ngừng đổi mới về hình thức, nội dung, phương pháp thực hiện là một yêu cầu quan trọng. Chính vì vậy, tôi luôn chủ động nghiên cứu, ra sức học hỏi và mạnh dạn đề xuất, báo cáo, xin ý kiến chỉ huy đơn vị triển khai kế hoạch, chương trình, tổ chức nhiều hoạt động chính trị quan trọng của đơn vị”, Đại úy Lê Hải Đăng nói.
“Sau 8 năm gắn bó tại Ban Chính trị của Trung đoàn, vừa qua tôi đã tình nguyện xin nhận công tác tại Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm. Đây là một đơn vị mới thành lập, đóng quân tại thành phố đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Tại đơn vị mới, tôi tiếp tục phát huy kinh nghiệm và làm việc tâm huyết, trách nhiệm, hiệu quả…”, Đại úy Lê Hải Đăng chia sẻ.
Bác sỹ của kỵ binh cơ động
"Công việc chăm sóc và huấn luyện ngựa với tất cả cán bộ và chiến sĩ ở Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh đều mới mẻ. Nhưng càng khó, chúng tôi càng quyết tâm và hăng say luyện tập để có thể thuần hóa được những chú ngựa, hình thành được những phản xạ, động tác nghiệp vụ nhằm phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Chúng tôi đã kì công học hỏi kinh nghiệm từ người dân, từ sách vở, tài liệu khoa học. Quá trình chăm sóc, huấn luyện ngựa đồng thời cũng là quá trình tìm tòi, vận dụng và sáng tạo không ngừng", Thượng úy Nguyễn Anh Vũ chia sẻ về nhiệm vụ tại Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh (Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động).
Nhớ lại những ngày tham gia đoàn công tác của Bộ Công an sang làm việc và học tập tại Mông Cổ để phục vụ việc đón và vận chuyển ngựa về Việt Nam một cách an toàn, Thượng uý Nguyễn Anh Vũ cho biết, đó là khoảng thời gian các anh chủ động học tập và tiếp thu những kinh nghiệm quý báu mà các chuyên gia Mông Cổ chuyển giao, đặc biệt là trong công tác quản lý chăm sóc nuôi dưỡng, phòng bệnh và điều trị cho số ngựa mà lực lượng tiếp nhận. Điều đó đã tạo thuận lợi cho Vũ rất nhiều trong thời điểm hiện nay khi anh được Ban chỉ huy Đoàn giao nhiệm vụ chắp bút xây dựng “Quy trình quản lý, nuôi dưỡng, phòng và điều trị bệnh cho ngựa nghiệp vụ”.
Quy trình này đang trình lãnh đạo cấp trên thẩm định xem xét, phê duyệt nhằm trạng bị những kiến thức cơ bản, ngắn gọn và dễ hiểu nhất giúp cán bộ chiến sỹ Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động nói chung và cán bộ chiến sỹ Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh nói riêng hiểu và nắm vững việc quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng ngựa, từ đó góp phần quan trọng giúp kỵ binh cơ động làm nhiệm vụ tuần tra, đấu tranh với tội phạm.
“Tiếp xúc với các chuyên gia trong và ngoài nước, bản thân tôi đã lĩnh hội và tiếp thu được những kinh nghiệm quý báu, những thủ thuật điều trị bệnh rất riêng của các chuyên gia Mông Cổ. Từ đó, tôi đã xây dựng được các phác đồ điều trị bệnh hiệu quả lưu lại cho các thế hệ làm công tác chăn nuôi, thú y sau này của Đoàn”, Thượng úy Nguyễn Anh Vũ chia sẻ.