Truyền thống "trọng lão" của dân tộc
“Trọng lão” là truyền thống của dân tộc Việt Nam, ghi nhận công lao đóng góp của lớp người cao tuổi với gia đình và xã hội; thể hiện lòng biết ơn của thế hệ sau với thế hệ trước, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” trọng nhân nghĩa của nhân dân ta.
Sự kiện lịch sử “Hội nghị Diên Hồng” được đồng chí Nguyễn Ái Quốc trân trọng, chỉ rõ vị trí, vai trò to lớn của lớp người cao tuổi đối với nhiệm vụ cách mạng, ngay trong những ngày đầu về nước, trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 6/1941, Người viết thư gửi các cụ phụ lão trong cả nước, khẳng định: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề... Nước nhà lo, các cụ cùng phải lo. Nước nhà vui, các cụ đều cùng được vui”.
Sang thời kỳ đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, người cao tuổi cả nước có nhu cầu tập hợp, đoàn kết người cao tuổi trong một tổ chức để được đóng góp tài lực, kinh nghiệm vào sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo nên tính cấp thiết tiến tới thành lập Hội.
Trong những buổi làm việc với Hội Người cao tuổi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh: Người cao tuổi có vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội, gương mẫu, giáo dục, dẫn dắt, định hướng cho thế hệ trẻ và có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển đất nước. Người cao tuổi Việt Nam luôn trung thành với Đảng, mong muốn đất nước phát triển; có tích lũy tri thức, kinh nghiệm, có bản lĩnh, trách nhiệm và tâm huyết. Với điều kiện kinh tế như hiện nay, người cao tuổi có sức khỏe tốt hơn, trình độ cũng cao hơn, có thể tham gia nhiều công việc xã hội như nghiên cứu khoa học, sản xuất nông nghiệp, làm chủ doanh nghiệp…
Những tấm gương người cao tuổi làm kinh tế giỏi
Trong 5 năm qua, phong trào làm kinh tế giỏi đã được người cao tuổi trên khắp mọi miền Tổ quốc hưởng ứng, phát triển sâu rộng, thu được nhiều kết quả thiết thực, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, tạo sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, khắp các vùng miền trong cả nước. Người cao tuổi làm giàu cho gia đình, động viên, hỗ trợ con cháu thực hiện chương trình khởi nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phát động, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo giúp đỡ người nghèo ngày càng thiết thực, có hiệu quả.
Ông Sùng Sái Tòng (70 tuổi, dân tộc Mông, ở bản Mô Cổng, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) là chủ một trang trại lớn nhất, nhì xã. Ngoài nhận khoán 130 ha trồng và bảo vệ rừng, ông còn có 10 ha cây sơn tra, 3 ha cây sa nhân dưới tán rừng, 2 ha chanh leo, nuôi hàng chục con bò, lợn và hàng trăm con gà, ngan, vịt, 1.000 m2 ao cá… Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông thu về khoảng 350 triệu đồng. Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình, ông Tòng cho biết, sau khi nghỉ hưu năm 2004, thấy mình vẫn có sức khỏe, lại nhìn ra tiềm năng trên chính mảnh đất quê hương, ông quyết định tiếp tục làm việc. Với kinh nghiệm và lòng say mê công việc, ông Tòng đã khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu cho gia đình, mà còn tạo việc làm cho rất nhiều lao động trong xã.
Cư trú tại xã Ðắc Lao, huyện Ðắc Mil, tỉnh Ðắc Nông, ông Nguyễn Văn Sơn, 64 tuổi, sản xuất, kinh doanh cà-phê cùng một số cây trồng khác. Ông luôn chịu khó nghiên cứu, học hỏi khoa học - kỹ thuật để áp dụng trong chăm sóc, tưới tiêu, bón phân, lai ghép, cắt tỉa và tạo cành… để làm sao cây cà-phê cho năng suất cao nhất. Hằng năm, gia đình ông thu hơn 16 tấn cà-phê, 20 tấn gừng, 3 ha hồ tiêu, 120 cây sầu riêng, bơ và vú sữa. Ngoài ra, gia đình ông còn chế tạo và sản xuất máy xây dựng cơ và điện tử, mở một phân xưởng sản xuất máy, sản phẩn làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Bình quân mỗi năm, gia đình ông thu lãi 3,2 tỷ đồng.
Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thị Hải Chuyền cho biết, đến nay cả nước đã có gần 400 nghìn người cao tuổi làm kinh tế giỏi. Phong trào xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương sáng, tiêu biểu, xuất sắc, nhiều người cao tuổi được phong tặng các danh hiệu, bằng khen, phần thưởng cao quý của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Mỗi năm, cả nước có hàng ngàn người cao tuổi làm kinh tế giỏi được tôn vinh ở các cấp. Điểm sáng chung nhất của các điển hình là ý chí và nghị lực, tinh thần quyết tâm vượt khó, biết tận dụng thời cơ để làm kinh tế có hiệu quả, làm ra sản phẩm phục vụ xã hội, mang lại lợi ích cho bản thân và gia đình, cho quê hương, đất nước.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Chuyền, những tấm gương người cao tuổi làm kinh tế giỏi đã xuất hiện trên các lĩnh vực: Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại... đúc kết nhiều bài học sâu sắc về kinh tế thị trường, quản trị doanh nghiệp, phát triển gắn với an sinh xã hội... Hầu hết người cao tuổi làm kinh tế giỏi gắn bó mật thiết với cộng đồng, xã hội, luôn mở rộng vòng tay nhân ái giúp đỡ những người còn khó khăn; quan tâm tạo việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động.
Chỗ dựa tinh thần cho gia đình
Thống kê gần đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, Việt Nam đang có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, tương đương 11% dân số; riêng số người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên đã có 2 triệu người. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam, gia đình là nơi lưu giữ và chuyển giao các giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ kia như một cầu nối giữa cá nhân và xã hội, bảo đảm tính liên tục của văn hóa. Chính vì vậy, người cao tuổi không chỉ là chỗ dựa tinh thần vững chắc trong gia đình, mà còn có vai trò khởi nguồn, là trụ cột tác động thường xuyên và có tính quyết định trong việc hình thành, lưu giữ và truyền thụ các giá trị văn hóa cho các thế hệ sau.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Hòa Bình cho rằng, thời gian, sự trải nghiệm và cách sống mẫu mực hàng ngày chính là bài học về văn hóa có sức truyền cảm trực tiếp, mạnh mẽ và thâm sâu vào các thế hệ. Thông qua lời nói, việc làm, ứng xử với các thành viên trong gia đình và xã hội... những giá trị và chuẩn mực của gia đình được nuôi dưỡng, gìn giữ…
Nhờ những kinh nghiệm và tri thức sống, người cao tuổi trở thành cột trụ hướng dẫn, uốn nắn cho các thành viên trong gia đình hành động theo nền nếp đã được định sẵn. Chính những điều đó hình thành nên cách sống, “gia phong” của gia đình. Từ đó, mỗi gia đình, làng xóm có những tập quán, nét văn hóa riêng. Tất cả những điều đó tạo thành thói quen, nét đẹp và văn hóa.
Phong trào "Tuổi cao nêu gương sáng" được phát động trên toàn quốc những năm gần đây đã khẳng định những đóng góp quan trọng của người cao tuổi trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Người cao tuổi ở các địa phương tích cực tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và đoàn thể từ thôn, bản, tổ dân phố; tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, vận động gia đình, xã hội đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và động viên con cháu học tập tốt, không bỏ học giữa chừng.
Có thể thấy, với tư cách là người đi trước, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có tiếng nói uy tín trong cộng đồng, người cao tuổi có thể phát huy vai trò là người vận động tư vấn, giám sát, phản biện, tổ chức các hoạt động tự quản trong dân cư. Các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân cần tiếp tục dành sự quan tâm ủng hộ, động viên người cao tuổi phát huy vai trò, vị thế của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội...
Nói về vai trò của người cao tuổi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Những năm qua, người cao tuổi đã có đóng góp hết sức quan trọng trong xây dựng pháp luật, chế độ, chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Rất nhiều người cao tuổi đã trở thành hạt nhân trong các phong trào của địa phương, là nòng cốt trong các tổ hòa giải, là chỗ dựa tinh thần không chỉ cho gia đình, mà cho làng xóm và cộng đồng. Nhiều già làng, trưởng bản đã trở thành lực lượng không thể thiếu bên cạnh lãnh đạo đảng, chính quyền trong lãnh đạo phong trào cơ sở.
"Cùng với việc tiếp tục thực hiện tốt các chính sách chăm sóc người cao tuổi về mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần thì tất cả chúng ta phải phát huy sức mạnh đoàn kết, sáng tạo, phải đổi mới mạnh mẽ hơn, để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, qua đó tăng cường tiềm lực để chăm lo tốt hơn cho người nghèo, cho người già”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói nhấn mạnh.