Tuần Giáo - Điện Biên tan hoang sau trận lũ lịch sử

Trận lụt xảy ra ngày 3/7 tại 2 xã Chiềng Đông, Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) là trận lũ lụt lịch sử sau 44 năm (kể từ năm 1969). Nhiều nhà cửa, ruộng vườn, cây cối hoa màu của người dân Tuần Giáo trong phút chốc bị tan hoang, xiêu vẹo, đổ nát. Lũ lớn cũng cướp đi sinh mạng của một người, làm bị thương nhiều người.

Nhiều diện tích lúa và hoa màu của Bản Chá, xã Quài Cang ngập trong lũ.


Nhận được tin từ Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên “huyện Tuần Giáo đã ngập trong biển nước, người dân đang khốn đốn giữa cảnh trắng đồng”, nhóm phóng viên chúng tôi tức tốc xé màn mưa gió, ngược hành trình gần 100 km đường đèo dốc Quốc lộ 279 về "rốn lũ" Chiềng Sinh, Chiềng Đông.

Sau hàng chục phút trườn qua các cung đèo, dốc hiểm nguy như dốc Nà Lơi, đèo Tằng Quái, vượt qua những điểm sạt lở cục bộ của tuyến quốc lộ huyết mạch, chúng tôi đã đến được điểm cầu Bản Bó (thuộc km14+300, Quốc lộ 279). Từ địa điểm phân định gianh giới giữa hai huyện Mường Ẳng và Tuần Giáo này, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh “trắng đồng” do lũ gây nên mà người dân 2 xã liền kề Chiềng Đông, Chiềng Sinh phải gánh chịu.

Tuyến đường dây tải điện qua xã Chiềng Đông trong dòng lũ.


Hàng trăm hécta lúa mùa, diện tích ao nuôi thủy sản, rau màu của bà con dân tộc Thái ở các bản Chiềng An, Ta Cơn, Pa Sát, Che Phai, Bánh, Ly Xôm, Dừn, Hiệu… ngập trong biển nước. Dòng suối Nậm Hụa vốn hiền hòa, cung cấp nước tưới, phù sa cho cây lúa, hoa màu tạo thành vựa lương thực, nuôi sống nhân dân vùng lòng chảo bằng phẳng của hai xã Chiềng Đông, Chiềng Sinh giờ đã dâng tràn, đục ngầu, cuồn cuộn chảy và nhấn chìm, cuốn trôi mọi thứ trên đường đổ về hạ lưu.

Các hộ dân ở Bản Xôm, xã Chiềng Sinh vẫn đang bị lũ cô lập với bên ngoài.


Đến Chiềng Đông, Chiềng Sinh, chúng tôi bắt gặp cảnh người dân địa phương đang hì hụi trong bùn đất để dọn dẹp hậu quả sau lũ như nâng đỡ, chống lại nhà cửa, tìm kiếm và thu gom lại vật dụng gia đình, gia cầm… bị nước lũ cuốn trôi. Đang cặm cụi cuốc lại mảnh đất trồng rau phía đầu hồi, cụ Lò Văn Yên, 73 tuổi, bản Vánh II, xã Chiềng Đông kể lại: Khi con gà chưa kịp gáy sáng ngày 3/7 thì trời bắt đầu mưa, rồi mưa to lắm. Chẳng lâu sau, nước đổ về mạnh và nhiều, suối Nậm Hụa dâng lên cuồn cuộn làm ngập hết ruộng đồng. Chỉ tay về phía dòng lũ đang cuồn cuộc chảy, cụ Yên cho biết thêm: Gia đình tôi có 500 m2 trồng lúa, con trai cũng có khoảng 400 m2 lúa ruộng nhưng giờ chìm sâu dưới đó rồi. Lũ cuốn trôi, tàn phá tất cả, mùa tới chắc không có gạo mà ăn. Cũng không biết tuổi già có làm lại nổi ruộng vườn nữa không, con cái lại đi vắng cả rồi.

Người dân vớt đồ đạc và củi bị lũ cuốn trôi.


Với gia đình chị Lò Thị Thiên, bản Ly Xôm, xã Chiềng Sinh, nước lũ đã cuốn trôi căn nhà sàn nằm bên kia suối Nậm Hụa, bầy gia cầm hàng chục con nuôi dưới gầm sàn cũng bị mất hút trong lũ. Chị Thiên cho biết: Chồng mình đi làm ăn xa. Nước lũ dâng lên cuốn trôi đồ đạc, gà vịt, mình cũng chẳng biết làm gì, chỉ biết đứng khóc thôi. May mà nhờ bà con trong bản và lực lượng trên xã xuống phụ giúp mình mới giữ lại được căn nhà sàn này.

Nước ngập, bồi lấp toàn bộ diện tích lúa mùa của xã Chiềng Sinh.


Theo anh Lò Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Sinh: Do ảnh hưởng của bão số 2, từ ngày 1 - 3/7, mưa lớn liên tục xảy ra diện rộng trên địa bàn. Tại xã Chiềng Sinh đã xảy ra 2 đợt lũ, lụt. Tuy nhiên, đợt sáng ngày 3/7 là thiệt hại nhất. Mưa to, lũ lụt gây ra sạt lở, ngập úng, làm hư hỏng nhà cửa, vỡ ao cá, lúa và các tài sản khác của bà con nhân dân trong xã. Thống kê sơ bộ, trận lũ đã phá hủy toàn bộ gần 100 ha lúa, gần 40 ha ao nuôi, trên 3 ha hoa màu; 10 căn nhà của người dân bị hư hỏng, ảnh hưởng nặng. Anh cho biết thêm: Đây là trận lũ mạnh, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân địa phương. Việc sửa chữa, khắc phục hậu quả của lũ này cũng không thể nhanh chóng mà cần có thời gian, nhất là việc người dân cần ổn định tâm lý trở lại mới bắt tay vào sản xuất được.

Theo UBND huyện Tuần Giáo, nhiều địa phương khác như xã Quài Cang, Ẳng Tở, Ẳng Nưa, thị trấn Tuần Giáo cũng chịu ảnh hưởng, tuy nhiên “tâm lũ” gây thiệt hại nặng nề nhất vẫn là 2 xã Chiềng Sinh, Chiềng Đông.

Hoa màu, cây cối bị đổ, gãy, dập nát do mưa lũ.


Ông Vũ Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Đây là trận lũ lớn nhất sau gần 50 năm ở địa phương (tính từ trận lũ lịch sử xảy ra vào năm 1969 mà các cụ cao niên kể lại). Do mưa kéo dài với cường độ lớn khiến 2 dòng suối là đổ qua địa bàn huyện là suối Nậm Hon và Nậm Sắc cộng hưởng khiến nước dâng lên có nơi cao tới 2 m. Nước lũ dâng cao, chảy mạnh, sức tàn phá lớn nên huyện Tuần Giáo phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Trận lũ đã cuốn trôi 1 ngôi nhà tại xã Chiềng Sinh, một nhà khác ở xã Nà Sáy bị đổ, 4 chiếc xe máy của người dân bị cuốn trôi. Tại trung tâm thị trấn Tuần Giáo, lúc lũ lên cao điểm đã có tới 30 ngôi nhà bị ngập tới 1m nước. Toàn huyện Tuần Giáo có 800 ha lúa mùa đang trong giai đoạn sinh trưởng bị thiệt hại; 150 ha thủy sản bị ngập trôi và khoảng 20.000 con gia cầm bị chết. Mưa lũ còn làm tuyến đường giao thông trên Quốc lộ 6, đoạn từ thị trấn Tuần Giáo đi huyện Tủa Chùa và thị xã Mường Lay đã bị tê liệt hơn 4 tiếng do nước tràn qua mặt đường.

Cứu hộ xe qua ngầm trên tuyến Quốc lộ 6.


Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo Vũ Văn Đức cho biết thêm: Cũng may là trận lũ này xảy ra ban ngày, chứ nếu xảy ra vào ban đêm thì mức độ nguy hại khó có thể lường hết vì chính quyền, người dân đều bị bất ngờ. Dự đoán trước hậu quả do mưa lũ, từ sáng 3/7, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương và các lực lượng thường trực rà soát lại các địa điểm có nguy cơ cao, di dời 50 hộ dân ở những địa điểm nguy hiểm về nơi an toàn. Khó khăn bây giờ là việc khôi phục, sửa chữa lại ruộng lúa trong nhân dân trong khi nguồn giống của vụ lúa mùa gieo cấy dân đã khan hiếm.

Mưa lũ làm tuyến giao thông trên Quốc lộ 6 (đoạn từ thị trấn Tuần Giáo đi huyện Tủa Chùa và thị xã Mường Lay) bị tê liệt.


Nhằm khắc phục hậu quả của trận lũ lụt lịch sử, chính quyền huyện Tuần Giáo đã tổ chức kiểm tra lại các địa bàn bị thiệt hại do mưa lũ; cử cán bộ về các cơ sở để vận động bà con nhanh chóng khôi phục lại diện tích bị thiệt hại để kịp thời khôi phục sản xuất.


Tin: Xuân Tiến; Ảnh: Chu Quốc Hùng
Mưa lũ gây thiệt hại lớn tại Điện Biên

Sau những hậu quả trong trận mưa lũ ngày 2/7, thiệt hại của 4 địa phương thuộc tỉnh Điện Biên tiếp tục tăng lên do mưa tiếp tục kéo dài với cường độ lớn trong ngày 3/7. Hậu quả thiên tai đã làm 1 người chết, 3 người bị thương, thiệt hại về vật chất ước tính ban đầu lên tới 11 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN