Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội đã chỉ đạo xử lý, giải quyết vụ việc rất kịp thời, nghiêm khắc, với hình thức: Tước quân tịch, khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự để điều tra hành vi trộm cắp tài sản. Người đứng đầu Công an thành phố còn chỉ đạo, yêu cầu chỉ huy Công an huyện đến tận nhà người dân xin lỗi, thể hiện tinh thần cầu thị, lễ phép, tôn trọng nhân dân, được dư luận đồng tình.
Trước hết, phải khẳng định việc 3 cựu chiến sỹ Công an kể trên bắn chết dê của người dân, rồi mang lên xe là hành động không thể chấp nhận, là vi phạm pháp luật. Hơn ai hết, người chiến sỹ Công an phải nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đấu tranh cho lẽ phải, bảo vệ công lý; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc và cuộc sống bình yên của nhân dân; không được phép xâm hại tài sản của cá nhân, Nhà nước… dù chỉ là rất nhỏ.
Với các chứng cứ rõ ràng, 3 chiến sỹ Công an thị trấn Đại Nghĩa đã bị xử lý nghiêm khắc, nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Tại gia đình anh Nguyễn Văn X (sinh năm 1983, ở thôn Ái Nàng, xã An Phú), trước đông đảo người dân, chính quyền, Đoàn công tác Công an huyện Mỹ Đức gồm chỉ huy Công an huyện, Công an thị trấn đã chân thành xin lỗi gia đình vì để cán bộ cấp dưới vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho người dân và ảnh hưởng đến hình ảnh người chiến sỹ Công an. Tại đây, đại diện Công an huyện, Công an thị trấn đã bày tỏ xin lỗi và cam kết đền bù, khắc phục hậu quả đối với gia đình anh Nguyễn Văn X.
Việc đích thân lãnh đạo, chỉ huy Công an huyện, Công an thị trấn đến gặp người dân để xin lỗi về việc làm sai trái của cấp dưới, thể hiện thái độ cầu thị trong việc khắc phục, sửa chữa sai lầm.
Trước đây, tại Hà Nội đã từng có việc ứng xử không chuẩn mực của lực lượng chức năng, thuộc một cơ quan công quyền. Tuy nhiên, khi giải thích về vụ việc, cơ quan chức năng lại giải thích quanh co, thậm chí là bao che cho cấp dưới làm sai. Cung cách như vậy chỉ là làm hại cán bộ; làm mất lòng tin của nhân dân đối với cơ quan công quyền.
Dư luận cho rằng, trong xã hội văn minh ngày nay, cần bảo đảm sự công bằng, bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật, bất kể người đó là ai, công dân bình thường hay người có vị trí, lãnh đạo trong cơ quan công quyền. Hơn nữa, theo quy định của Đảng, càng là cán bộ, đảng viên, càng phải gương mẫu, cả trong thực thi công vụ và trong đạo đức, lối sống hằng ngày.
Từ hành động Công an xin lỗi người dân trong vụ việc này, cho thấy văn hóa xin lỗi cần có ở các cơ quan công quyền, khi để xảy ra sai sót đối với nhân dân. Lời xin lỗi không đơn giản là biết lỗi và nhận lỗi, mà còn thể hiện trách nhiệm của cơ quan công quyền đối với người dân, đối với hậu quả do cơ quan, đơn vị hoặc cấp dưới của mình gây ra cho người dân và cộng đồng.
Bác Hồ đã từng căn dặn lực lượng Công an nhân dân: Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Những lời dạy quý báu của Người vẫn còn nguyên giá trị, bởi nội dung, ý nghĩa sâu sắc, toàn diện đối với quá trình công tác, chiến đấu, tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân. Đó là những phẩm chất không thể thiếu, là nhân tố quyết định để lực lượng Công an hoàn thành xuất sắc yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Vì chỉ khi có sự tôn trọng, lễ phép, mới nhận được sự yêu thương, đùm bọc, chở che và giúp đỡ của nhân dân.
Từ xa xưa, người Việt Nam đều răn dạy con trẻ phải biết “cảm ơn” khi được ai đó quan tâm, giúp đỡ và phải biết “xin lỗi” khi mắc phải lỗi lầm, khuyết điểm. Đây là nét văn hóa trong phong cách ứng xử của con người. Biết nói lời xin lỗi là tự nhắc nhở mình trước những sai phạm để không còn tái diễn.