Ông Khamvisane cho biết là người từng có nhiều năm học tập và làm việc tại Việt Nam, ông ấn tượng nhất về tinh thần và truyền thống hiếu học trong văn hóa, con người Việt Nam. Nhiều thập kỷ đã trôi qua, ông vẫn nhớ rõ cảm giác lạ lẫm và ngạc nhiên ban đầu khi mới về trường Đại học Nông nghiệp ở Gia Lâm vào năm 1980, khi cứ mỗi lần có dịp đến thư viện, dù là của nhà trường hay Thư viện Quốc gia, ông cũng đều thấy rất đông người đang xếp hàng chờ đến lượt để vào thư viện.
Sau một thời gian học tập tại Việt Nam, ông nhận thấy người Việt không chỉ coi trọng việc đọc sách, xem đó là nguồn bổ sung kiến thức quan trọng cho học tập và nghiên cứu, mà còn hết sức hiếu học. Bằng chứng là các gia đình luôn khuyến khích, động viên con em của mình chăm ngoan, học giỏi. Theo ông Khamvisane, nhiều dòng họ còn xây dựng cả quỹ khuyến học, trong khi các cấp xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố và quốc gia cũng đều có những chính sách mạnh mẽ để động viên, khuyến khích và khen thưởng các cháu học sinh đạt thành tích giỏi, xuất sắc.
Ông Khamvisane chia sẻ không chỉ luôn quan tâm, động viên và khuyến khích con cháu học tập, các gia đình ở Việt Nam cũng dành rất nhiều tiền cho con cháu học tập, nhiều gia đình dù còn nghèo nhưng cũng chắt chiu và dành phần lớn nguồn lực cho con cháu học tập nên người. Không chỉ ở trong nước, người Việt Nam dù sinh sống ở đâu trên Trái Đất này cũng đều rất chú tâm tới việc học hành và phấn đấu để trở thành những người giỏi ở nước sở tại. Ở Lào, hằng năm rất nhiều học sinh giỏi là người gốc Việt.
Ông Khamvisane nhấn mạnh trong suốt lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước của Việt Nam, văn hóa hiếu học có vai trò và đóng góp hết sức quan trọng. Việc có trên 3.000 km tiếp giáp với biển ngoài việc đem đến cho dân tộc Việt Nam những lợi thế về không gian phát triển, đặc điểm này khiến Việt Nam phải thường xuyên hứng chịu thiên tai địch họa. Để tồn tại và phát triển trong điều kiện đó, sự ham hiểu biết và hiếu học là một trong những yếu tố đã góp phần giúp người Việt luôn có đủ tri thức và sự sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để không chỉ bảo vệ, phát huy và phát triển đất nước, mà còn tạo dựng nên một đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến, rất đỗi tự hào.
Ví dụ như trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, tinh thần yêu nước, văn hóa hiếu học cùng sự sáng tạo và cần cù chịu khó đã giúp người Việt có được vô vàn những tác phẩm văn học, thơ ca, truyện ngắn, tiểu thuyết... Tất cả đã truyền cảm hứng cho người dân Việt Nam một tình đoàn kết, chấp nhận mọi hy sinh, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đánh đuổi kẻ thù xâm lược, thống nhất đất nước.
Hay trong giai đoạn phát triển đất nước sau này, từ một quốc gia từng có lúc không đủ gạo ăn, nhờ văn hóa hiếu học, cùng với sự thông minh, sáng tạo, cần cù và chịu khó, sau nhiều năm không ngừng cải tiến, áp dụng các kiến thức khoa học mới để phát triển, đến nay, Việt Nam không chỉ trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu, mà còn là nước có gạo ngon đứng đầu thế giới.
Theo ông Khamvisane, cùng với các đức tính khác như tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng..., văn hóa hiếu học của người Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng giúp người Việt Nam có được một lịch sử hào hùng và một nền văn hóa đậm đà bản sắc, hết sức đáng tự hào trong suốt hơn 4.000 năm dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước cho đến ngày nay. Truyền thống văn hóa và bề dày lịch sử đó đã và đang là nền tảng vững chắc để giúp đất nước Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhận được sự đánh giá cao của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.