Tham dự và phát biểu tại buổi Lễ, Trung tướng Lê Quang Minh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh, cuộc đời hoạt động cách mạng cùng với những cống hiến to lớn, những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhân cách cao đẹp, tài năng, đức độ của ba Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Đặng Vũ Hiệp và Vũ Lăng mãi mãi là tấm gương sáng để các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và Quân đoàn 3 nói riêng học tập, noi theo.
Phát huy truyền thống "Quyết thắng, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, nghiêm túc, tự lực" của Quân đoàn 3 mà các thế hệ cán bộ, chiến sỹ đã dày công vun đắp và học tập tấm gương anh hùng của các đồng chí Hoàng Minh Thảo, Đặng Vũ Hiệp và Vũ Lăng, Trung tướng Lê Quang Minh đề nghị Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 tiếp tục quán triệt, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng Đảng bộ, xây dựng quân đoàn vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là Quân đoàn chủ lực cơ động của Bộ, cùng nhân dân các dân tộc xây dựng địa bàn chiến lược Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp, phát triển về kinh tế, xã hội, vững mạnh về quốc phòng.
Trong sáng 8/12, các đại biểu đã tới dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sỹ Mặt trận Tây Nguyên-Quân đoàn 3.
Cách đây 48 năm, ngày 26/3/1975, Quân đoàn 3 được thành lập trên cơ sở khối các đơn vị chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên (B3). Sự cống hiến đặc biệt xuất sắc của các anh hùng, những người con ưu tú của dân tộc, trong đó có các Thượng tướng: Hoàng Minh Thảo, Đặng Vũ Hiệp, Vũ Lăng đã góp phần làm nên những chiến công oanh liệt của Quân đoàn. Những đóng góp của các đồng chí đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tôn vinh.
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, sinh năm 1921, tại xã Bảo Khê, huyện Kim Động (nay là thành phố Hưng Yên), tỉnh Hưng Yên. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí có gần 10 năm chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, được giao nhiều trọng trách như: Phó tư lệnh, Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên; Tư lệnh Chiến trường Tây Nguyên; Phó tư lệnh Quân khu 5; Tư lệnh Chiến dịch Tây nguyên...
Trong chiến dịch Đăk Tô 1, năm 1967, đồng chí Hoàng Minh Thảo được Tổng Tư lệnh cử làm Tư lệnh Chiến trường Tây Nguyên. Trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo được cử làm Tư lệnh chiến dịch. Thắng lợi liên tiếp trong các Chiến dịch Đăk Tô 1, Đăk Tô - Tân Cảnh, Xuân hè 1972, Chiến dịch Tây Nguyên có sự đóng góp to lớn về sức lực, trí tuệ, xương máu của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; đồng thời thể hiện vai trò to lớn của Bộ tư lệnh chiến trường, trong đó có vai trò của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo.
Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp (sinh năm 1928, tại thôn Cự Đình, xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1945. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí có hơn 10 năm chiến đấu trên Chiến trường Tây Nguyên, được giao nhiều trọng trách: Chủ nhiệm Chính trị, Phó Chính ủy, Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên (B3) - Quân đoàn 3.
Đầu tháng 2/1970, Bộ tư lệnh Tiền Phương Chiến dịch Đăk Siêng thành lập. Đồng chí Đặng Vũ Hiệp được cử làm Chính ủy. Trong chiến dịch Xuân hè 1972, đồng chí được cử làm Chính ủy Bộ tư lệnh Tiền Phương. Trên cương vị công tác này, đồng chí Đặng Vũ Hiệp đã chỉ đạo các đơn vị quán triệt, triển khai quyết liệt các biện pháp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, yêu cầu công tác chính trị; kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến với phát động quần chúng nổi dậy; đẩy mạnh tấn công về chính trị và tư tưởng vào hàng ngũ địch.
Trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp (lúc đó là Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên) được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Chiến dịch. Ngày 26/3/1975, Quân đoàn 3 được thành lập, đồng chí Đặng Vũ Hiệp được Bộ Chính trị chỉ định làm Bí thư Đảng ủy và Chính ủy Quân đoàn. Đồng chí đã tham mưu với Ban Thường vụ Đảng ủy Quân đoàn 3 ra Chỉ thị về "Công tác chính trị Chiến dịch Hồ Chí Minh", trực tiếp cùng tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 tập trung chỉ đạo các đơn vị khẩn trương làm tốt công tác chuẩn bị tiến về Sài Gòn giải phòng miền Nam và đã lập nên những chiến công vang dội.
Thượng tướng Vũ Lăng sinh năm 1921, tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Trong Chiến dịch Tây Nguyên, Thượng tướng Vũ Lăng giữ chức Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Phó tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên. Sau nhiều lần nghiên cứu kỹ lưỡng thực địa và các hình thái bố trí lực lượng đối phương tại Tây Nguyên, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đứng đầu là Tư lệnh Vũ Lăng đã thống nhất cách đánh: Nghi binh thu hút địch về Kon Tum và Pleiku, tạo sơ hở Buôn Ma Thuột để đột phá tiêu diệt địch và làm chủ thị xã trong thời gian ngắn nhất.
Sau giải phóng Tây Nguyên, ngày 26/3/1975, Quân đoàn 3 được thành lập, đồng chí Vũ Lăng được cử làm Tư lệnh đầu tiên của Quân đoàn. Quân đoàn 3 được giao nhiệm vụ đảm nhiệm hướng Tây Bắc Sài Gòn. Đây là hướng tấn công chủ yếu của Chiến dịch Hồ Chí Minh và là tuyến phòng ngự mạnh nhất của địch với chiều dài 40 km.
Dưới sự chỉ đạo của Tư lệnh Vũ Lăng, với tinh thần "thần tốc", Quân đoàn 3 đã nhanh chóng xốc tới giải phóng thành phố Nha Trang, thành phố Tuy Hòa và tiến xuống miền Đông Nam Bộ. Vừa đánh địch vừa mở đường đến khu vực tập kết. Quân đoàn 3 là cánh quân đầu tiên trong 5 cánh quân đặt chân đến cửa ngõ Sài Gòn. Sáng 30/4, Quân đoàn 3 đã đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu Ngụy; tới 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, đã giương cao lá cờ của Quân đoàn trên nóc tòa nhà Bộ Tổng Tham mưu ngụy.
Với những chiến công vang dội, ngày 17/10/2023, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 3 Thượng tướng.