Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, đồng chí Nguyễn Văn Bình và đoàn công tác đã lắng nghe Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ, trình bày về những đề mục công việc phái đoàn đang gấp rút thực hiện nhằm chuẩn bị cho việc Việt Nam sẽ đảm trách vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ ngay trong tháng 1/2020, tháng Việt Nam chính thức là ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021 sau khi trúng cử với số phiếu gần như tuyệt đối 192/193 hồi tháng 6 vừa qua.
Đại sứ Đặng Đình Quý cũng chia sẻ với đồng chí Nguyễn Văn Bình và đoàn về những thách thức lớn của phái đoàn Việt Nam tại LHQ nói riêng và của Việt Nam nói chung trong thời gian tới trên cương vị mới ở tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.
Theo Đại sứ, ba thách thức lớn nhất là tình trạng chia rẽ mất đoàn kết giữa các nước ủy viên thường trực (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) khiến rất nhiều nghị quyết của HĐBA dù mang tính ràng buộc vẫn không thể thực hiện được trong nhiều năm, là nhiệm vụ phải xử lý khối lượng công việc ngày càng lớn và phức tạp trong HĐBA, tăng tới 175% so với khối lượng công việc của HĐBA cách đây 10 năm, và kỳ vọng của nhiều nước muốn Việt Nam tạo được những thay đổi mang dấu ấn đáng nhớ trong nhiệm kỳ này.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình đã chia sẻ một số nội dung quan trọng mà đoàn đã thảo luận tại Đại học Harvard với các giáo sư đầu ngành phía Mỹ tuần vừa qua (từ 2 - 6/12) như sự cần thiết phải phát triển nền kinh tế số 4.0, đầu tư cho công nghệ và đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng chí cũng trao đổi cởi mở về những vấn đề kinh tế lớn của Việt Nam hiện nay như mục tiêu có được 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và tầm quan trọng phải điều chỉnh cách tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để có thể phản ánh chính xác quy mô và chất lượng của nền kinh tế.
Trước những băn khoăn của các bộ chủ chốt tại LHQ về tính khả thi của mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, đồng chí Nguyễn Văn Bình khẳng định việc cán đích về mặt con số không phải là khó, khi con số doanh nghiệp hiện nay đã là khoảng 734.000, nhưng điều quan trọng là đảm bảo chất lượng và quy mô của những doanh nghiệp tham gia thị trường chứ không phải doanh nghiệp kiểu hộ gia đình manh mún, nhỏ lẻ với quy mô dưới 10 lao động.
Đồng chí nhấn mạnh năng lực khoa học, công nghệ trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện còn thấp, phần lớn chưa đủ khả năng tham gia vào mạng sản xuất các chuỗi giá trị toàn cầu ngay cả khi cánh cửa hội nhập đã được rộng mở.
Về vấn đề điều chỉnh cách tính GDP, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng cách tính GDP hiện áp dụng không còn phù hợp bởi chưa phản ánh được những khoản thu nhập từ kinh tế ngầm, hay nói cách khác là kinh tế tiền mặt.
Theo Tổng cục Thống kê, với cách tính GDP mới sắp được công bố, sẽ có 76.000 doanh nghiệp, tương đương 10% tổng số doanh nghiệp Việt nam hiện có, bị bỏ sót nay sẽ được tính thêm vào. Đồng chí nêu rõ chỉ khi tính được GDP chuẩn xác chính phủ mới biết được quy mô thực sự của nền kinh tế để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế theo lộ trình 5 năm và 10 năm đồng thời có những quyết sách điều hành kinh tế vĩ mô phù hợp hơn.
Khẳng định một trong những thành tựu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2019 là giữ được sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, bất chấp nhiều biến động của tình hình thế giới và thị trường kinh tế quốc tế, đồng chí cho rằng Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt phải nỗ lực có được độc lập tự chủ về kinh tế để chống lại được các cú sốc từ bên ngoài một cách chủ động và hiệu quả cũng như phải đổi mới hơn nữa trong quản trị nhà nước để phù hợp hơn với kinh tế thị trường và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế nước nhà.