Tại buổi làm việc, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá những năm qua, vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Sau 10 năm thực hiện hiện Kết luận số 62-KL/TW (khóa X) của Bộ Chính trị, Hội Nông dân Việt Nam đã xác định hướng đi đúng đắn, thể hiện chức năng, nhiệm vụ hiệu quả hơn trong việc tập hợp nhân dân, là câu nối giữa nông dân với Đảng.
Các cấp Hội đã có những điểm mới, đột phá sát hơn với thực tiễn của người nông dân. Từ những mô hình hiệu quả đã xuất hiện nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đạt những giải thưởng lớn trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, công tác phối hợp giữa Hội Nông dân với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nông dân có vai trò rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, một bộ phận nông dân còn hy sinh đất đai của mình để hiến cho các công trình, dự án lớn của Nhà nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của quốc gia.
Để tiếp tục khẳng định vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong thời gian tới, Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị các cấp Hội nâng cao tính bền vững đối với những hoạt động đã đem lại hiệu quả; đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với người nông dân; tiếp tục xây dựng, phát triển tổ chức và mô hình mới; đề xuất những cơ chế chính sách cho nông dân và hoạt động của Hội gắn với quyền lợi của người người nông dân; xây dựng tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết tại cộng đồng dân cư...
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng khẳng định: Kết luận số 62-KL/TW (khóa X) của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” là bước đổi mới thực chất của công tác dân vận; tạo bước chuyển biến cơ bản về vị trí của nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới.
Qua 10 năm thực hiện Kết luận 62 của Bộ Chính trị đã có nhiều bước đột phá trong việc tập hợp, đoàn kết, tuyên truyền, vận động gắn với đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp...
Hàng năm có hơn 3,9 triệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp trên 790.000 hộ nghèo về vật tư, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm... trị giá trên 15.000 tỷ đồng; tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động, giúp hơn 150 ngàn hộ nông dân thoát nghèo. Phong trào xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 10 năm, nông dân đã tự nguyện đóng góp trên 20 ngàn tỷ đồng, hơn 47 triệu ngày công, hiến 44 triệu m2 đất; 8,5 triệu hộ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa"...
Đề ra phướng hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng giải quyết tốt lợi ích thiết thân của hội viên, nông dân, luôn dựa vào nông dân, vì nông dân; kết hợp chặt chẽ phương pháp vận động tuyên truyền miệng với phương pháp tổ chức hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, dịch vụ đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh...
Các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận 62 của Bộ Chính trị; quan tâm xây dựng giai cấp nông dân và mẫu người nông dân thế hệ mới biết phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng: rõ mục tiêu, rõ nhiệm vụ, bám sát nhiệm vụ kinh tế- xã hội quan trọng của đất nước.
Các cấp Hội tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ dạy nghề giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hợp tác, liên kết trong nông nghiệp...