Trình Quốc hội Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 28/5 Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Tiếp đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cũng trình bày Báo cáo thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Chú thích ảnh
Đồng bào dân tộc Ba Na giữ gìn và phát triển nghề thủ công mỹ nghề truyền thống.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030 sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS&MN phát triển nhanh, bền vững; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ hơn một số bức xúc của người DTTS sinh sống ở vùng đồng bào DTTS&MN.  

Chương trình sẽ đạt được đa mục tiêu về KT-XH; quốc phòng - an ninh; đối ngoại; bảo vệ môi trường, sinh thái và đa dạng sinh học; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; là yếu tố đặc biệt quan trọng để củng cố và nâng cao niềm tin của đồng bào các DTTS đối với Đảng và Nhà nước; tăng cường đồng thuận xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cũng cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 được thiết kế thành 10 dự án. Ở giai đoạn lập dự án khả thi, Chính phủ sẽ phân công các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện từng dự án cụ thể. Trên cơ sở phát huy và đề cao trách nhiệm của cơ quan công tác dân tộc các cấp.

Cụ thể, phấn đấu cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, tạo sinh kế giải quyết những vấn đề bức thiết của nhóm dân tộc rất ít người và dân tộc còn nhiều khó khăn đối với hơn 16.100 hộ, sinh sống ở 32 tỉnh trong cả nước; hỗ trợ tạo mô hình sinh kế, ổn định đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở 382 xã biên giới đất liền; góp phần tăng thu nhập bình quân người DTTS trên 2 lần so với 2020; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN hàng năm trên 3%. Đồng thời, góp phần giúp 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; nhựa hóa, bê tông hóa hơn 2.600km đường nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở 1.400 xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và 8.000 thôn đặc biệt khó khăn ở các xã khu vực II vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giải quyết nước sinh hoạt cho hơn 217.600 hộ; xây dựng 800 công trình nước sinh hoạt tập trung.

Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học ở 316 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, 1.097 trường Phổ thông Dân tộc bán trú; 6 cơ sở dự bị đại học và đại học, 3 trường Trung học Phổ thông dân tộc nội trú khu vực.

Cùng với đó, sắp xếp, ổn định dân cư cho hơn 12.000 hộ DTTS chưa được ổn định thuộc diện di cư tự phát; định canh, định cư bền vững cho hơn 1.300 hộ DTTS; bố trí ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, biên giới và khu vực nguy cơ cao về thiên tai cho hơn 51.200 hộ. Giải quyết nhu cầu cấp thiết của hộ DTTS; hỗ trợ, tạo điều kiện ăn trưa cho hơn 1,26 triệu em học sinh ở địa bàn đặc biệt khó khăn học tập; thực hiện chương trình “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” cho hơn 5.000 em học sinh dân tộc thiểu số khó khăn/năm.

Bên cạnh đó, phổ biến kiến thức, khám thai định kỳ, hỗ trợ y tế cho tối thiểu 4.200 phụ nữ trong thai kỳ và sinh con; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho 100% trẻ em suy dinh dưỡng vùng đồng bào DTTS&MN; dạy nghề cho hơn 3 triệu người; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho hơn 4 triệu hộ đồng bào DTTS và hộ dân tộc Kinh nghèo, cận nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; tổ chức 320 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ 200 dự án sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một; xây dựng 800 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ đầu tư xây dựng 80 điểm văn hóa gắn với du lịch tiêu biểu đồng bào DTTS; đầu tư 7 lò hỏa táng vùng đồng bào Khmer; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho khoảng 30.000 cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở; hỗ trợ, tạo điều kiện cho hơn 60.000 người có uy tín trong cộng đồng làm hạt nhân chính trị, nòng cốt ở cơ sở; bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 224.900 cán bộ, công chức, viên chức.

Chú thích ảnh
Nâng cấp đường giao thông vào huyện miền núi Mường Tè tỉnh Lai Châu.

Thường trực Hội đồng Dân tộc của Dân tộc cũng thống nhất về sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia để thể chế hóa Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới” và thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội “Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.  

Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, báo cáo của Chính phủ đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể của giai đoạn 2021-2025, trong đó có nhiều chỉ tiêu mang tính định lượng, chi tiết nhưng chưa làm rõ được cơ sở tính toán để đưa vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị Chương trình bám sát các mục tiêu đã nêu trong Nghị quyết số 88 của Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc ban hành Chương trình MTQG cho vùng DTTS&MN có thời hạn 10 năm nhằm khắc phục tư duy nhiệm kỳ, ngắn hạn. Do đó, đề nghị giữ nguyên tên gọi của Nghị quyết số 88 của Quốc hội: “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030”; hoặc chỉ bổ sung cụm từ “bền vững” vào tên gọi của Chương trình là: “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030”.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, các mục tiêu cần phải nhấn mạnh rõ việc thực hiện Chương trình nhằm thay đổi những gì: Thay đổi căn bản đời sống, thu nhập, kinh tế hay xã hội… của vùng đồng bào DTTS?  

Quan tâm đến nội dung về kinh phí thực hiện Chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Nguyễn Đức Hải cho rằng, nguồn vốn mà Chính phủ đề xuất không lớn, nhưng những mục tiêu đề ra lại khá lớn, nhiều và tản mác.

Do vậy, cần phải tính toán, nghiên cứu kỹ lại nội dung này để đảm bảo được tính khả thi nếu không huy lực các nguồn lực xã hội khác cùng thực hiện. Ông Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng, khi quy định về các mục tiêu trong Chương trình cần chú ý đến đặc thù dân tộc, nhất là vấn đề bảo tồn văn hóa ngàn đời của vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư của Chương trình rất lớn, ước tính gần 272 tỷ đồng, trong khi khả năng cân đối ngân sách nhà nước trước mắt chưa thể đáp ứng, nên khi thiết kế dự án khả thi của chương trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đề nghị, nên ưu tiên hỗ trợ sinh kế, cải thiện đời sống đồng bào các DTTS; đầu tư công trình kết cấu hạ tầng thật sự cần thiết, cấp bách và chưa đầu tư hoặc đang đầu tư dở dang. Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt bảo đảm đời sống đồng bào một cách bền vững.
Bài và ảnh: V.Tôn/Báo Tin tức
Hôm nay 27/5, Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em
Hôm nay 27/5, Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Quốc hội dành trọn ngày 27/5 để thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN