Triển khai quy hoạch chung xây dựng Thủ đô

Sáng 24/11, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã có cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai nhiệm vụ phát triển Thủ đô một cách bền vững và từng bước nâng cao điều kiện sống của nhân dân về nhà ở, dịch vụ công cộng, y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội; hạ tầng kỹ thuật, môi trường và không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị. Đó là hai quy hoạch chủ đạo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Người dân xem triển lãm Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030. Ảnh: Phan Anh


Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đã xác định rõ quan điểm xây dựng và phát triển Thủ đô sẽ là động lực để thúc đẩy phát triển đất nước. Theo đó, đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Hà Nội đạt 12-13%/ năm (thời kỳ 2011 - 2015); đạt khoảng 11 - 12%/năm (thời kỳ 2016 - 2020) và khoảng 9,5 - 10% năm (thời kỳ 2021 - 2030). Với quy hoạch được duyệt, Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ lĩnh vực dịch vụ: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bưu chính viễn thông, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục - đào tạo, tư vấn, vận tải công cộng...; xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng hàng đầu ở khu vực phía Bắc và có vai trò quan trọng trong cả nước; xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại và dịch vụ của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; phấn đấu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố "Xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại", đô thị phát triển năng động, có hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.

Tuy nhiên, theo đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, hai quy hoạch chiến lược này mới chỉ là điều kiện cần mà việc quan trọng hơn là phải đưa quy hoạch vào cuộc sống. Vì vậy, Bí thư Thành ủy đề nghị trước mắt phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung các quy hoạch này tới tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân trong triển khai thực hiện quy hoạch. Đồng thời UBND Thành phố cần chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển đô thị, chỉ đạo việc xây dựng và ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; tổ chức lập và phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch kinh tế - xã hội của các địa phương, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên toàn bộ địa bàn thành phố; thực hiện tốt việc quản lý đầu tư phát triển theo đúng quy hoạch được duyệt. Các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ đã được UBND Thành phố giao; thực hiện có hiệu quả các giải pháp khai thác và phát huy thế mạnh của địa phương, đơn vị và trong các tầng lớp nhân dân, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các quy hoạch. UBND Thành phố chỉ đạo, giám sát và kiểm tra thực hiện triển khai các bước quy hoạch tiếp theo.

Để hiện thực hóa hai Quy hoạch trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành trong việc: công bố quy hoạch, thông tin, tuyên truyền; xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; các quy.hoạch phân khu, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị; tăng cường công tác quản lý đô thị, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng; rà soát, khớp nối đồ án, dự án bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị. “Phía trước chúng ta là khối lượng công việc khổng lồ; đòi hỏi không chỉ quyết tâm cao và tập trung quyết liệt trong chỉ đạo, mà còn phải năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện”, Chủ tịch thành phố Hà Nội đã nhấn mạnh như vậy.

Chủ trương và phương châm chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội tới đây là: tiếp tục phân công, phân cấp rõ ràng, gắn với trách nhiệm cá nhân; nâng cao năng lực bộ máy, đội ngũ cán bộ qua công tác cải cách hành chính cộng với đào tạo; tăng cường phối hợp, liên doanh, liên kết trong nước và nước ngoài. Đồng thời sẽ tăng cường kiểm tra đôn đốc, giữ nghiêm kỷ cương hành chính; 6 tháng đầu năm 2012 UBND Thành phố sẽ tổ chức việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giám đốc, thủ trưởng cơ quan các cơ quan thuộc UBND Thành phố và Chủ tịch UBND các quận, huyện để tăng cường chỉ đạo và sắp xếp cán bộ.

Tại hội nghị cũng đã diễn ra Lễ ký kết và bàn giao Hồ sơ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Thanh Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN