60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển:

Tri ân các thế hệ cán bộ, chiến sĩ 'Đoàn tàu không số'

Ngày 20/10, tại Bia di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển - Bến Lộc An, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân và đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương, các cựu chiến binh Hội truyền thống Tàu không số đã tổ chức Lễ dâng hương nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021).        

Chú thích ảnh
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ "Đoàn tàu không số".

Tại Lễ dâng hương, Đại tá Phạm Minh Chiến, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 125 (thuộc Vùng 2 Hải quân), cùng các đại biểu thành kính ôn lại những chiến công vẻ vang của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số”, quân và dân các địa phương ở những điểm tiếp nhận vũ khí của “Đoàn tàu không số” vận chuyển từ miền Bắc vào Nam Bộ, trong đó có bến Lộc An. Chiến công oanh liệt của cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” đã góp phần tô thắm, làm rạng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biểu tượng của ý chí và khát vọng “Không gì quý hơn độc lập tự do” của nhân dân Việt Nam.        

Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành một trong 8 chiến công tiêu biểu của Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng. Với những truyền thống vẻ vang của các thế hệ, Lữ đoàn 125 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước hai lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 6 Huân chương Quân công, 12 Huân chương Chiến công và 13 tập thể, 22 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.           

Vào các năm 1963, 1964 và 1965 bến Lộc An này đã tiếp nhận 3 chuyến của “Đoàn tàu không số” (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125 ngày nay) với 109 tấn vũ khí để trang bị cho quân và dân các tỉnh miền Đông tổ chức các chiến dịch, góp phần làm nên những thắng lợi vang dội như: Bình Giã, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bàu Bàng làm kẻ địch khiếp sợ và làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.           

Chú thích ảnh
Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã tặng Ban Quản lý Khu di tích Bến tàu không số mô hình tàu không số mật hiệu C41 để trưng bày tại phòng truyền thống.

Thiếu tá Nguyễn Văn Đức, nguyên Tham mưu phó Lữ đoàn 125, Chủ tịch Hội truyền thống Tàu không số tại TP Hồ Chí Minh cho biết, bến Lộc An là nơi xuất phát của một trong 5 chuyến thuyền vượt biển đầu tiên ra miền Bắc theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương để chuyên chở vũ khí vào Nam nhằm trang bị cho bộ đội ta ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ. Tại đây có 6 người cùng 1 chiếc thuyền câu mực đã vượt biển ra Bắc và đến năm 1963, chuyến tàu gỗ đầu tiên chở theo vũ khí tử miền Bắc vào đã cập bến.          

Các đại biểu đã thành kính dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của "Đoàn tàu không số".       

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Vùng 2 Hải quân tặng quà cho các gia đình chính sách huyện Xuyên Mộc và Đất Đỏ.

Cũng trong dịp này, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã trao tặng cho Ban Quản lý Khu di tích Bến Lộc An mô hình tàu không số mật hiệu C41 của "Đoàn tàu không số", đồng thời, cùng lãnh đạo huyện Xuyên Mộc tặng 5 phần quà cho các gia đình chính sách ở huyện Xuyên Mộc và huyện Đất Đỏ, mỗi phần quà trị giá 3 triệu đồng.       

Chú thích ảnh
Bia tưởng niệm tại Khu di tích Bến tàu không số Lộc An, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tin, ảnh: Đoàn Mạnh Dương (TTXVN)
Kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển
Kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển

Tuyến vận tải chiến lược trên biển - đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành một huyền thoại, một kỳ tích của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN