Tranh luận giữ hay bỏ lãi suất cơ bản

Tiếp tục phiên họp thứ 38, sáng 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm và cho ý kiến là quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản.

Ngăn cho vay nặng lãi

Điều 483 dự thảo bộ luật quy định: "Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

Đa số ý kiến nhất trí với quy định như trong dự thảo Bộ luật và cho rằng, quy định về mức lãi suất trần dựa trên lãi suất cơ bản bảo đảm được tính công khai, minh bạch, khả thi và thống nhất trong thực tiễn thi hành pháp luật, vì đây là loại lãi suất luật định và Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm công bố công khai theo quy định của Luật Ngân hàng. Việc áp dụng mức lãi suất trần theo cơ chế này vừa bảo đảm phù hợp được với tình hình phát triển chưa bền vững của nền kinh tế ở nước ta, vừa góp phần ngăn ngừa việc cho vay nặng lãi trong thực tiễn giao dịch dân sự.

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý cho biết thêm lãi suất cơ bản là mức lãi suất dễ tiếp cận, có sự thay đổi linh hoạt theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội; Đồng thời, cũng phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước xác định rõ: “Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi”.

Tuy nhiên, Phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Tống Anh Hào chia sẻ, từ năm 2009 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa một lần công bố lãi suất cơ bản. Trong khi đó, nhiều vụ án liên quan đến quan hệ vay mượn. Khi tòa án hỏi Ngân hàng Nhà nước thì ngân hàng trả lời vẫn áp dụng lãi suất cơ bản cũ (mức lãi suất được công bố từ năm 2009). “Từ năm 2009 đến nay, lãi suất cho vay trên thị trường đã thay đổi liên tục rất nhiều lần mà cứ áp dụng lãi suất cơ bản công bố từ năm 2009 để phán xử thì không ổn”, ông Hào cho biết. Vì vậy, theo ông Hào, cơ quan quản lý phải công bố lãi suất định kỳ hàng tháng, hàng quý hoặc hàng năm để cơ quan bảo vệ pháp luật có cơ sở giải quyết các vụ án dân sự, hình sự liên quan đến tội cho vay nặng lãi.

Đề nghị công bố lãi suất bình quân

Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình với việc quy định lãi suất cơ bản. Từng giữ cương vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, lãi suất cơ bản chỉ là “từ bị ép buộc trong luật” chứ không có trên thực tế. Ngân hàng Trung ương chỉ có 3 loại lãi suất là lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và lãi suất qua đêm. Các nước trên thế giới cũng không có loại lãi suất này. “Tại nhiều nước, lãi suất cơ bản là 0% thì sẽ lấy căn cứ gì để xét xử tội cho vay nặng lãi theo Bộ luật Hình sự hoặc xử lý hành chính, tuyên bố hợp đồng vay vốn vô hiệu vì vi phạm pháp luật”, ông Giàu đặt vấn đề. Từ thực tế này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề xuất, Ngân hàng Nhà nước có thể công bố lãi suất là bình quân lãi suất cho vay để làm cơ sở.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, vấn đề lãi suất cơ bản phải đưa ra Quốc hội vì còn nhiều ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất là bỏ lãi suất cơ bản vì không phù hợp với kinh tế thị trường và trên thế giới không có nước nào có mà chỉ có ở Việt Nam. Ý kiến thứ hai là không bỏ lãi suất cơ bản vì cho đây là công cụ để quản lý thị trường tiền tệ. “Cần phải đưa ra 2 phương án cùng những lập luận chặt chẽ. Nếu bỏ thì cần sửa ngay Luật Tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng. Nếu không bỏ cũng cần có lập luận rõ để có thể thống nhất quan điểm”, ông Hiển nhấn mạnh.

Thu Phương
Chính phủ chỉ đạo giảm lãi suất cho vay
Chính phủ chỉ đạo giảm lãi suất cho vay

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 1-1,5%/năm bằng biện pháp thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN