Chương trình nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho cán bộ, công chức tại các xã thuộc phạm vi của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025, hướng đến xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở đủ năng lực để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2025.
Theo đó, đối tượng bồi dưỡng, tập huấn được ưu tiên thực hiện thuộc tất cả các xã thuộc phạm vi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 -2025, ưu tiên các xã thuộc địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, bao gồm: thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các xã, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới, Ban giám sát cộng đồng; cán bộ, công chức các xã; cán bộ đảng, đoàn thể các xã; cán bộ được cấp trên tăng cường về các xã; cán bộ nguồn trong diện quy hoạch của các xã; người hoạt động không chuyên trách ở các xã, ở thôn, tổ dân phố; các cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu (cán bộ hợp tác xã; tổ trưởng các tổ hợp tác; hộ kinh doanh, chủ trang trại, nông dân; cán bộ của thôn như: Bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn…).
Mục tiêu cụ thể của chương trình là: Đến năm 2025, đảm bảo tỷ lệ cán bộ, công chức tại các xã thuộc phạm vi của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin đạt tối thiểu 80% với xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo; 100% đối với những xã còn lại.
Nội dung bồi dưỡng sẽ tập trung vào 16 chuyên đề theo 2 nhóm: Các nội dung cơ bản về kiến thức, kỹ năng trong triển khai chuyển đổi số; những nội dung cơ bản về kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Các lớp tập huấn diễn ra không quá 3 ngày/lớp. Kết thúc quá trình bồi dưỡng tập huấn, cán bộ, công chức các xã được thực hiện bài kiểm tra để đánh giá chất lượng, hiệu quả đạt được sau khóa học, làm cơ sở để xác định mức độ hoàn thành chỉ tiêu.
Cục Chuyển đổi số quốc gia chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin và các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan và chuyên gia tổ chức biên soạn, xây dựng tài liệu, học liệu, bài giảng điện tử, câu hỏi kiểm tra, đánh giá phục vụ bồi dưỡng, tập huấn; thúc đẩy sử dụng nền tảng học trực tuyến mở đại trà.
Bên cạnh đó, các Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tham mưu công tác quản lý thực hiện nhiệm vụ tại địa phương phù hợp với điều kiện cụ thể, phân cấp quản lý và chỉ đạo của UBND tỉnh thành phố...