Nhấn mạnh sự phát triển của mạng xã hội cho phép người dân tiếp cận được nhiều luồng thông tin khác nhau, tuy nhiên, theo đại biểu Đặng Xuân Phương (Nghệ An), cũng có những đối tượng lợi dụng thông tin về các vụ án kinh tế đang được Đảng, Nhà nước chỉ đạo quyết liệt xử lý trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội để đưa tin không đúng sự thật, tin xấu, độc về các vụ án nhằm xuyên tạc chủ trương, quan điểm đường lối của Đảng, Nhà nước cũng như quá trình thực hiện, chức trách nhiệm vụ của các cơ quan chức năng.
Theo đại biểu Đặng Xuân Phương, người dân cần lưu ý khi tiếp cận các thông tin trên mạng xã hội, cần phải hết sức là nâng cao cảnh giác, có ý thức tự miễn nhiễm trước những thông tin xấu độc. “Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành hướng dẫn về tiêu chuẩn nhận diện tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Bên cạnh đó, người dân cần có khả năng tự nhận thức được những luồng thông tin xấu, độc trên các phương tiện mạng xã hội hiện nay.
Việc kiên quyết xử lý kịp thời bằng các biện pháp đấu tranh gỡ bỏ các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội cần phải có sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Các cấp phải phát huy đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong hệ thống chính trị bằng các công cụ báo chí truyền thông chính thống của Đảng, Nhà nước”, đại biểu Đặng Xuân Phương nhấn mạnh.
Nhấn mạnh để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thông tin xấu, độc thuộc về trách nhiệm của các cơ quan báo chí chính thống, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương): Để không có thông tin xấu, độc, hoặc ít thông tin xấu, độc - nghĩa là hạn chế đến mức tối đa, trách nhiệm thuộc về Bộ Thông tin và Truyền thông cùng một số các bộ, ngành có liên quan. Điều quan trọng nữa, khi có thông tin xấu, độc, làm như thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng, trách nhiệm thuộc về các cơ quan báo chí chính thống.
Cũng bên lề Kỳ họp thứ 4, đánh giá về các kết quả tích cực của tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho rằng, đây là thành công rất lớn của Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội năm 2022. Đạt được kết quả đó chính là nhờ sự nỗ lực và quyết tâm rất cao, sự đồng hành sát sao của Chính phủ, của từng thành viên Chính phủ, của Quốc hội trong thời gian vừa qua. Việc đồng hành được thể hiện một cách hiệu quả thông qua những hoạt động như công tác lập pháp, công tác giám sát, công tác quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, rất nhiều nội dung vướng mắc của Chính phủ đã được nêu ra. Khi Chính phủ có đề nghị đối với Quốc hội, đều được Quốc hội đưa ra thảo luận, xem xét kịp thời và ủng hộ Chính phủ để có những quyết sách sớm đưa vào thực tiễn. Điều đó đã đem lại những tác động tích cực để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Việc giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp công tác triển khai giải ngân vốn dù có chậm nhưng đã được tháo gỡ.
“Đích đến cuối cùng là đem lại cho nền kinh tế chúng ta có sự tăng trưởng ổn định. Các mặt liên quan đến công tác an sinh xã hội, công tác quốc phòng, an ninh đều được đảm bảo một cách vững chắc”, đại biểu Phạm Văn Thịnh chia sẻ.
Chia sẻ bên lề về lộ trình tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu Phạm Văn Thịnh rất hoan nghênh động thái này của Chính phủ. Theo đại biểu, đây là mong mỏi rất lâu của người lao động cũng như những người đang được hưởng tiền lương từ ngân sách. “Tôi cho rằng việc này chúng ta nên triển khai sớm. Và nếu sớm được, cũng là động viên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đoàn kết, chung tay thực hiện nhiệm vụ, khắc phục những khó khăn trước mắt để tiếp tục góp phần đưa nền kinh tế đất nước có bước phát triển ổn định, vững chắc trong thời gian tới”, đại biểu nhấn mạnh.
Về lộ trình tăng lương cơ sở, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh) cho rằng: Có thể thực hiện việc tăng nhanh hơn, gắn với hiệu quả và trách nhiệm của công chức, viên chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, trong các đơn vị hành chính sự nghiệp. Và việc tăng lương hưu cho cán bộ hưu trí, người nghỉ hưu trước năm 1995 cũng như tăng phụ cấp nghề nghiệp cho đội ngũ y tế và thầy cô giáo cũng là những chính sách hỗ trợ cho vấn đề tác động bởi lạm phát.
"Trong năm 2023, ưu tiên hàng đầu không phải là vấn đề tăng trưởng mà phải là giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng ta phải thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt chứ không phải thắt chặt chính sách tài khóa. Chúng ta thực hiện chi đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Trên cơ sở chi đầu tư phát triển, chúng ta giảm chi thường xuyên, tiết kiệm chi lễ hội, liên hoan, tổng kết... Giảm những khoản đó và tăng chi đầu tư phát triển" - đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến chia sẻ.