Phóng viên báo Tin Tức đã trao đổi với đại biểu Trần Ngọc Vinh (ảnh - Hải Phòng), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội xung quanh vấn đề trách nhiệm của công chứng viên.
Trong Luật Công chứng sửa đổi lần này, những điểm nào ông còn băn khoăn, thưa ông?
Tôi quan tâm đến phần dịch thuật và quy định tiêu chuẩn dịch thuật như thế nào để khi công chứng viên ký và công chứng bản dịch đó thì người dịch phải chịu trách nhiệm phần dịch thuật của mình. Hiện nay bộ phận dịch riêng và đưa người công chứng ký nhưng người công chứng viên đó chưa xác định được nội dung xác thực đến đâu. Do vậy công chứng viên nên có trình độ dịch thuật và phải chịu trách nhiệm về phần dịch thuật đó.
Thứ hai là vấn đề công chứng giấy tờ, thực tế giấy tờ nhà nước khó phân biệt cái nào thật giả vì hiện việc làm dấu giả rất nhiều. Dù bản gốc có dấu đỏ thì vẫn phải giám định dấu đó là dấu thật trước khi công chứng. Do đó giấy tờ gốc đã là giả thì một loạt công chứng đó là công chứng giấy tờ giả và dẫn đến hiện tượng lừa đảo rất nhiều thời gian qua.
Vậy trong những trường hợp mà công chứng sai thì trách nhiệm của công chứng viên đến đâu thưa ông?
Nếu dịch thuật sai hoặc công chứng sai thì phải chịu trách nhiệm về mặt dân sự, nếu nghiêm trọng thì chịu trách nhiệm hình sự. Luật Công chứng (sửa đổi) có chế tài xử lý trong công chứng để tránh trường hợp tranh chấp sau này. Ví dụ như công chứng đất đai có “sổ đỏ” cho nhiều người trên mảnh đất đó và gây ra tình trạng tranh chấp, lừa đảo thì công chứng viên cũng phải chịu trách nhiệm. Theo tôi, chế tài chưa đủ mạnh, luật đã quy định nhưng theo tôi cần quy định rõ ràng hơn ở mức độ như thế nào để khi xảy ra sự cố dễ xử lý.
Nhiều ý kiến cho rằng quá nhiều đối tượng được miễn đào tạo công chứng viên?
Công chứng viên là nghề đặc biệt và cần có trình độ, có kinh nghiệm thực tế vài năm. Có những người tốt nghiệp trường luật nhưng theo tôi vẫn phải qua lớp tập huấn nghề công chứng. Còn trường hợp thẩm phán về hưu vẫn phải qua đào tạo mới qua hành nghề. Người đó có chuyên ngành luật nhưng đó là kiến thức chung còn khi đi vào chuyên ngành riêng vẫn cần có kiến thức, am hiểu riêng về lĩnh vực đó.
Xin cảm ơn ông!
Xuân Minh (thực hiện)