Sau buổi sáng sớm bất ngờ thị sát cơ sở sản xuất thức ăn cho khu công nghiệp tại huyện Bình Chánh, cơ sở kinh doanh mặt hàng phở tại quận Tân Phú và siêu thị Coop Mart tại quận 11, sáng 8/10, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh về công tác quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (an toàn thực phẩm) của Thành phố Hồ Chí Minh được tăng cường, huy động sức mạnh liên ngành triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể nhằm cải thiện tình hình. Kết quả nổi bật của thành phố là đã xây dựng và phát triển được một số mô hình khá hiệu quả, bước đầu khép kín việc kiểm soát, quản lý nguồn nguyên liệu, hoạt động chế biến cũng như cung ứng thực phẩm trên địa bàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và kiểm tra tại siêu thị Coopmart, quận 11. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Có thể kể đến những mô hình như: Mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau, đánh bắt và nuôi thủy sản an toàn; xây dựng được 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm; quản lý thực phẩm theo “chuỗi thực phẩm an toàn”…; hỗ trợ các cơ sở áp dụng GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt), HACCP (hệ thống quản lý mang tính chất phòng ngừa nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm) trong quá trình sản xuất thực phẩm; xây dựng phường, xã kiểm soát điểm an toàn thực phẩm kinh doanh thức ăn đường phố. Đặc biệt Thành phố xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn, truy xuất nguồn gốc hàng hóa không đảm bảo về nhãn mác, an toàn thực phẩm… từng bước nâng cao kiến thức và thực hành của người dân trong việc chọn mua thực phẩm an toàn...
Thí điểm hoạt động thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 5 quận - huyện, từ ngày 1/12/2015 đến nay, các lực lượng liên ngành của thành phố đã tiến hành thanh tra 1.158/7.097 cơ sở quản lý ; xử lý vi phạm hành chính, hình thức phạt tiền: 396 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 1,574 tỷ đồng. Qua thời gian triển khai thí điểm, hoạt động thanh tra và xử lý vi phạm đã được đẩy mạnh hơn, quyết liệt hơn so với trước đây; trách nhiệm của các cơ quan quản lý được nâng cao, ý thức các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được nâng lên; tình hình an toàn thực phẩm tại cơ sở có cải thiện rõ nét, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, với thực trạng sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, sản lượng nông sản tự sản xuất tại thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau đang là một thách thức lớn cho công tác quản lý an toàn thực phẩm đòi hỏi Thành phố Hồ Chí Minh phải nỗ lực, đột phá triển khai nhiều chương trình, đề án hơn nữa.
Tại buổi làm việc, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ cho phép Thành phố sử dụng toàn bộ số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm để đầu tư lại cho công tác quản lý. Thành phố cũng đề nghị kéo dài thời gian và mở rộng đối tượng thí điểm thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Đánh giá thanh tra chuyên ngành mang lại hiệu quả tốt tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Bộ Y tế cho rằng, có thể nhân rộng mô hình thanh tra chuyên ngành ra nhiều tỉnh, thành phố, bởi hiện nay mô hình này mới áp dụng thí điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đại diện Bộ Công thương đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung các trang thiết bị và xe chuyên dùng để tăng cường trang thiết bị, phản ứng nhanh trong công tác kiểm tra an toàn thực phẩm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng vì chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về an toàn thực phẩm đã đến tận cơ sở và đặc biệt là đi vào ý thức của người sản xuất kinh doanh và nhân dân. Thủ tướng biểu dương Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các chỉ đạo, tổ chức thực hiện khá hiệu quả đề án an toàn thực phẩm theo chuỗi; phiên nông sản sạch vào thứ 7 hàng tuần; công bố công khai các cơ sở đảm bảo và không đảm bảo an toàn thực phẩm. Thành phố cũng đã thực hiện hiệu quả việc thí điểm thanh tra chuyên ngành theo Quyết định 38 mà chính Thành phố có sáng kiến.
Tuy vậy, Thủ tướng nhận định, người dân chưa hoàn toàn yên tâm chất lượng an toàn thực phẩm hiện nay, đặc biệt là thực phẩm ở các chợ cóc, chợ tạm, thức ăn đường phố; nguồn thực phẩm từ nơi khác nhập về Thành phố. Thủ tướng đặc biệt lưu ý lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, số cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm còn lớn (30% trường hợp kiểm tra có vi phạm). Nhấn mạnh đến những yếu tố quan trọng của Chỉ thị 13, Thủ tướng lưu ý cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra mất an toàn thực phẩm trên địa bàn. Thủ tướng biểu dương và mong muốn lãnh đạo chính quyền cơ sở học tập gương của Chủ tịch phường Tân Thành, quận Tân Phú nắm bắt vững vàng, chắc chắn về các cơ sở thực phẩm trên địa bàn quản lý.
Đề cập đến những nhiệm vụ thời gian tới, tiếp tục chỉ đạo Thành phố Hồ Chí Minh chủ động tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, Thủ tướng cũng đề nghị Thành phố tập trung quy hoạch phát triển các chuỗi cung cấp thực phẩm sạch, trong đó có tính toán liên kết với các địa phương để lập các vùng chăn nuôi, rau, củ, quả sạch; tiếp tục tuyên truyền vận động các cơ sở sản xuất chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm. Cùng với quá trình đó, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Thành phố áp dụng chế tài xử phạt nghiêm, thậm chí xử lý hình sự nếu vi phạm quy định an toàn thực phẩm nghiêm trọng.
Thủ tướng chỉ đạo Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đầu tư các labor xét nghiệm lưu động tại các chợ đầu mối, các thiết bị, phương tiện để tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm bởi bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi để người dân kiểm tra chất lượng, độ an toàn của thực phẩm, hình thức này còn là cách cảnh báo, giáo dục hiệu quả để nâng cao ý thức người sản xuất, người cung cấp thực phẩm.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cho biết sẽ tổng kết cấp thành phố và 5 năm thực hiện Luật an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh. Thủ tướng cũng đồng ý để Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục thí điểm thanh tra chuyên ngành theo Quyết định 38 của Thủ tướng.