TP Hồ Chí Minh tập trung cải thiện môi trường đầu tư

Ngày 8/12, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp lần thứ 23, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu đã tiến hành chất vấn Chủ tịch UBND Thành phố về những vấn đề cử tri quan tâm.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. 

Trả lời về những quan tâm của cử tri và đại biểu HĐND Thành phố, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nhưng kinh tế Thành phố đạt mức tăng trưởng 1,39% so với cùng kỳ, trong đó các khu vực trọng điểm như dịch vụ, công nghiệp xây dựng đều tăng; 7/9 ngành dịch vụ chủ yếu có giá trị gia tăng cao hơn so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 44,2 tỷ USD, tăng 4%. Thành phố có 40.000 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 1 triệu tỷ đồng; thu hút 4 tỷ USD đầu tư nước ngoài; 1.300 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có tổng vốn đăng ký 700 triệu USD…

Cũng trong năm 2020, Thành phố phát huy tốt sự năng động, sáng tạo, đi đầu trong các chủ trương lớn được Trung ương chấp thuận như Đề án tổ chức chính quyền đô thị; Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có Đề án thành lập thành phố Thủ Đức, Đề án thành lập trung tâm tài chính được Chính phủ ủng hộ đưa vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 tầm nhìn năm 2045…
               
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Thành phố xác định chủ đề năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, thể hiện quyết tâm của Thành phố nhằm hạn chế các yếu kém, đảm bảo hiệu quả hoạt động mô hình chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu của xu thế kinh tế sau ảnh hưởng dịch COVID-19. Mục tiêu tổng quát của năm 2021 là: Tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép" của Chính phủ đề ra, tập trung kiểm soát tốt lây nhiễm COVID-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi kinh tế trên các ngành, lĩnh vực; huy động hiệu quả các nguồn lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Cùng với đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng chính quyền đô thị; chú trọng phát triển văn hóa, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Quốc Thảo về biện pháp thực hiện nhiệm vụ kép trong năm 2021, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong khẳng định, nhờ quyết tâm cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, Thành phố đã đẩy lùi các nguy cơ lây lan dịch qua 3 đợt dịch vừa qua. Thành phố xác định năm 2021, nhiệm vụ ưu tiên là phòng, chống dịch COVID-19, gắn với thực hiện "mục tiêu kép" của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố sẽ tập trung quán triệt thực hiện nhiệm vụ này với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn thể người dân, kiên quyết không để dịch, bệnh bùng phát trở lại nhất là tại trường học, khu y tế, dân cư. Để thực hiện được yêu cầu đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần phát huy hơn nữa vai trò người đứng đầu, vai trò đảng viên, công chức đi đầu trong chống dịch; vận động người dân tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh, để mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch. Ngoài ra, Thành phố tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm, sinh phẩm xét nghiệm; triển khai phần mềm quản lý xét nghiệm; chuẩn bị và cung cấp đầy đủ trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm, dụng cụ phòng chống dịch…

Nhằm làm tốt vai trò điều hành, ổn định phát triển kinh tế, trong năm 2021, Thành phố sẽ tập trung phát huy có hiệu quả các ngành kinh tế chủ lực có hàm lượng giá trị gia tăng cao; tổ chức Diễn đàn kinh tế năm 2021 phù hợp với tình hình dịch COVID-19; triển khai chương trình chuyển đổi số, kinh tế số; thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới khởi nghiệp. Thành phố cũng đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn; thúc đẩy phát triển du lịch nội địa trong bối cảnh dịch COVID-19; phát huy hiệu quả các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp…

Về biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19, Thành phố đã và đang triển khai các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn bị tác động mạnh từ dịch COVID-19. Phát huy hiệu quả gói hỗ trợ lần một (có tổng giá trị 661 tỷ đồng), trong thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai gói hỗ trợ lần 2, trong đó dự kiến hỗ trợ tín dụng lãi suất bằng 0 cho các nhóm ngành du lịch, dịch vụ ăn uống, doanh nghiệp may mặc, doanh thu có mức doanh thu sụt giảm cao… Bên cạnh đó, sẽ rà soát hỗ trợ người dân, đối tượng yếu thế trong xã hội, nhất là người lao động không có hợp đồng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung đặt câu hỏi chất vấn ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. 

Trước ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm về vấn đề năng lực cạnh tranh của Thành phố chưa cao, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thẳng thắn nhìn nhận đây là một điểm yếu cần khắc phục trong năm 2021. Việc cần làm ngay trong những ngày đầu năm là phải có biện pháp nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố về công tác cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; đổi mới năng lực làm việc của chính quyền; nâng cao hiệu quả giám sát của HĐND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người có quyền sử dụng đất; xây dựng và công bố danh mục dự án mời gọi đầu tư theo từng giai đoạn…

Về câu hỏi của đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung liên quan đến tình hình trật tự trị an trên địa bàn, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định, Thành phố xác định công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội có vai trò rất lớn cho sự phát triển xã hội. Thời gian qua, tình hình tội phạm trên địa bàn Thành phố diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm xâm phạm sở hữu trí tuệ, tội phạm liên quan đến ma túy, "tín dụng đen"… Lực lượng Công an đã triển khai tốt các biện pháp phòng, chống tội phạm; triệt phá các đường dây, băng nhóm tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.

Dự báo năm 2021, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó dự đoán. Thành phố xác định để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 138 (Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm); phát huy trách nhiệm, vai trò người đứng đầu trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, nắm tình hình, không để bất ngờ trong mọi tình huống; triển khai Đề án nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm trên địa bàn Thành phố, đảm bảo an toàn các sự kiện lớn trong năm 2021...

Tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong ghi nhận, cảm ơn sự đóng góp ý kiến của cử tri với các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ, thu gom rác thải, xử lý vấn đề ngập nước trên địa bàn Thành phố...

Tin, ảnh: Xuân Khu (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh trả lời chất vấn 4 nhóm vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội
TP Hồ Chí Minh trả lời chất vấn 4 nhóm vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong trả lời chất vấn xoay quanh 4 nhóm vấn đề liên quan đến các giải pháp khôi phục kinh tế, an ninh xã hội và công tác đảm bảo an toàn phòng dịch trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN