Trẻ mắc COVID-19 tăng mạnh
Một tuần đi học trực tiếp tại trường sau Tết Nguyên đán 2022, con gái lớn của chị Nguyễn Thị Hồng (quận Gò Vấp) trở thành F0, 3 ngày sau con trai đang học lớp 4 cũng có kết quả dương tính với SARS- CoV-2. Tuy nhiên, con gái lớn do đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 nên chỉ bị sốt nhẹ và điều trị tại nhà, còn con trai có thể do chưa được tiêm vaccine nên chuyển biến nặng hơn, phải nhập viện cấp cứu.
Chị Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau khi phát hiện con gái bị mắc COVID-19, cả gia đình chị đã test nhanh và có kết quả âm tính. Tuy nhiên, 3 ngày sau con trai bị sốt cao, tay chân run, nhịp tim đập nhanh, Spo2 bị tụt, qua tets nhanh ra kết quả dương tính và được đưa vào điều trị tại bệnh viện Nhi đồng 2. “Đến nay, đã 8 ngày nằm viện, sức khoẻ của cháu dù đã ổn định, nhưng vẫn dương tính”, chị Hồng cho biết thêm.
Còn anh Trần Văn Hiếu (thành phố Thủ Đức) cho biết, sau một tuần được đi học trực tiếp, con gái đang học lớp 2 đã phải chuyển sang học online vì mắc COVID-19. “Buổi chiều đi học về, thấy bé than mệt, mặt đỏ lên, rờ lên trán bé thì thấy nóng. Do trước đó trong trường bé cũng có học sinh mắc COVID-19 nên tôi cũng nghi ngờ và test nhanh cho bé, kết quả test nhanh hai vạch đỏ”, anh Hiếu nói.
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, tuần này, số ca F0 trong trường học, cũng như tình hình dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo đó, chỉ trong ngày 17/2, Thành phố ghi nhận 95 học sinh mắc COVID-19 trong trường học và ngày 18/2 ghi nhận thêm 112 học sinh. Riêng đối với khối mầm non, trong tuần đầu đi học, Thành phố ghi nhận 13 trẻ F0...
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, số ca mắc COVID-19 mới ở trẻ tăng lên rất rõ sau khi học sinh đi học trực tiếp trở lại. Nếu như tuần từ 7-13/2, có gần 6.000 trường hợp F0 trong trường học, trong đó có 449 trường hợp trẻ mầm non, học sinh thì tuần từ 14 - 22/2, số ca mắc đã tăng lên hơn 7.000 trường hợp F0 trong trường học, trong đó có 6.799 học sinh, trẻ mầm non.
Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, 3 bệnh viện nhi của Thành phố đang điều trị cho 100 trường hợp, trong đó 85 trường hợp của thành phố. Trong số đó, có 11 trường hợp trẻ thở oxy, 3 trẻ phải thở máy. Qua phân tích, trong số những trẻ mắc COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện có 84% trẻ có triệu chứng sốt; 77% triệu chứng đường hô hấp như sốt cao, ho, sổ mũi, đau họng; 89% có triệu chứng trung bình và nhẹ. Phân tích theo độ tuổi, có 93% trẻ dưới 12 tuổi, đây là độ tuổi chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Xây dựng kịch bản khi trẻ mắc COVID-19 tiếp tục tăng
Tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh với các quận, huyện và thành phố Thủ Đức chiều 22/2, Bí thư Thành Ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng, lưu lượng học sinh trở lại trường học đông, lại trong điều kiện tiếp xúc gần với nhau, cộng với biến thể mới, nên số trường hợp mắc COVID-19 tăng lên là điều nằm trong dự tính. Tuy nhiên, không thể chủ quan, xem thường, mà phải tính toán các giải pháp phù hợp trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Nên đã yêu cầu các đơn vị của thành phố chuẩn bị kịch bản, kế hoạch ứng phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra để không bị động, lúng túng. Cùng với đó là chuẩn bị sẵn sàng thu dung điều trị chăm sóc trẻ mắc COVID-19 một cách chu đáo.
Ông Tăng Chí Thượng cho biết, trước tình hình số trẻ mắc COVID-19 tăng nhanh trong thời gian qua, ngành y tế thành phố đã gặp gỡ chuyên khoa đầu ngành về nhi khoa để xây dựng kế hoạch thu dung điều trị, chăm sóc điều trị cho trẻ; phân tầng điều trị hướng dẫn chăm sóc tại nhà và các trường hợp nhập viện; đồng thời Sở Y tế đã xây dựng kịch bản khi số trẻ mắc COVID-19 gia tăng.
Về cơ sở hạ tầng thu dung điều trị cho trẻ, ông Tăng Chí Thượng cho biết, hiện Thành phố có 3 bệnh viện nhi và các bệnh viện này đều đã thành lập khoa COVID-19 với 450 giường. Theo đó, mỗi bệnh viện sẽ có 150 giường, trong đó có 50 giường hồi sức hô hấp.
Nhằm tăng cường các biện pháp ứng phó với tình hình dịch COVID-19 ở trẻ em, ngành y tế cung cấp số điện thoại kênh tư vấn từ xa để kịp tời tư vấn, giải đáp thắc mắc cho giáo viên và thân nhân bệnh nhân bệnh nhi. Song song đó, tập huấn cho hệ thống y tế về hướng dẫn và chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà và bệnh viện; tập huấn cho giáo viên nhận biết các dấu hiệu cần báo cho nhân viên y tế, xử trí ban đầu, quy trình xử lý F0 trong trường học; sẵn sàng triển khai tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi…
Ông Tăng Chí Thượng cho biết thêm, các chuyên gia cũng đã nhất trí khi số trẻ mắc COVID-19 nhập viện tăng lên trên 100 ca/ngày, phải hỗ trợ hô hấp thì ngành y tế sẽ tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh tạm dừng việc học trực tiếp của trẻ tại trường.