Người đứng đầu ngành Thanh tra Chính phủ đánh giá cao sự tích cực của các ngành, các cấp, đặc biệt là các địa phương sau khi có quyết định của Thủ tướng thành lập tổ công tác của Chính phủ, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng đã đi vào trọng tâm hơn, quyết liệt hơn.
Trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với TP. Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Đắk Lắk về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
“Thời gian tới đề nghị các địa phương cần quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cao; đặc biệt là hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ trong việc phân loại nhóm khiếu kiện… Cố gắng đạt mục tiêu là không làm phát sinh thêm các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, giảm dần và đi đến chấm dứt hiện tượng này”, Tổng Thanh tra Chính phủ nói.
Liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm, có ý kiến cho rằng Thanh tra Chính phủ chưa đề cập đến việc giải quyết khiếu nại của người dân về quy hoạch, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: “Ngày 4/7, Ban tiếp công dân Trung ương phối hợp với Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã vận động 28 hộ dân khiếu nại, cam kết trong tháng 7 này sẽ có xử lý và giải quyết dứt điểm”.
Cũng theo Tổng Thanh tra Chính phủ nếu người dân chưa đồng tình và tiếp tục có ý kiến thì UBND TP Hồ Chí Minh căn cứ theo quy định của pháp luật để giải quyết. Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng đã nêu yêu cầu giải quyết những bức xúc của người dân, đặc biệt là phần quy hoạch.
“Chúng ta cần kiên trì, nắm chắc thông tin và tuyên truyền, vận động người dân, giải quyết những bức xúc của người dân theo đúng quy định”, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu ý kiến.
Có ý kiến cho rằng đang có sự chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra và đây là việc không phải là mới. Theo Chủ tịch Hậu Giang, Lê Tiến Châu cho biết: Năm 2018 có rất nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tại địa phương. Thủ tướng cũng đã biết có việc chồng chéo này và đã ban hành Chỉ thị chỉ đạo tránh việc chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp cũng như chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra nói chung và Thanh tra Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này.
Theo Tổng thanh tra Chính phủ, trong kế hoạch thanh tra 2019, Thanh tra Chính phủ đã giảm 30% các cuộc thanh tra thường xuyên. Lý giải về việc chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, ông Lê Minh Khái cho rằng có quá nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Hiện nay việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thực hiện theo Luật, nhưng đối tượng thanh tra, kiểm tra lại trùng nhau…
Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, theo nguyên tắc ở đâu có quyền lực thì ở đó có kiểm soát quyền lực. Ở đâu có lãnh đạo chỉ đạo, điều hành thì có cơ quan thanh tra, giám sát giúp cho việc chỉ đạo, điều hành. Phản ánh của các địa phương và doanh nghiệp cho thấy đó là thực trạng.
“Về lâu dài phải tính toán tổng thể, anh nào kiểm tra báo cáo tài chính, anh nào kiểm tra ngân sách, anh nào kiểm tra tính tuân thủ thi hành pháp luật… để tránh chồng chéo. Trong tổ chức thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm. Đối với những vụ việc phức tạp, có dấu hiệu vi phạm phải tiến thành thanh tra. Đó là điều bình thường, nhưng thanh tra thường xuyên trong hệ thống phải tính toán để đạt được mục tiêu đặt ra, tránh dàn trải”, Tổng Thanh tra Chính phủ nói.
Khi đã xác định những cuộc thanh tra, kiểm tra thì phải có kế hoạch, phạm vi thế nào, đối tượng gồm mấy đơn vị…? Đây là điều rất quan trọng. Nếu không có kiểm tra, kiểm soát, không có chỉ đạo thì việc mở rộng thanh tra, kiểm tra rất tràn lan không kiểm soát được. Tới đây Thanh tra Chính phủ sẽ có tổng kết và tham mưu cho Thủ tướng về vấn đề này”, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay.