Ngày 4/2, cả nước ghi nhận 11.594 ca mắc mới
Tính từ 16 giờ ngày 3/2 đến 16 giờ ngày 4/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.594 ca mắc mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 11.586 ca ghi nhận trong nước (tăng 3.011 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 7.062 ca trong cộng đồng). Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (198 ca), Thanh Hóa (186 ca), Lạng Sơn (114 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Nam Định (460 ca), Quảng Nam (238 ca), Phú Thọ (153 ca). Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 11.612 ca/ngày. Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 192 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại Thành phố Hồ Chí Minh (92 ca), Quảng Nam (27 ca), Quảng Ninh (20 ca), Hà Nội (14 ca), Khánh Hòa (11 ca), Đà Nẵng (8 ca ), Hưng Yên (6 ca), Kiên Giang (4 ca), Thanh Hóa (2 ca), Hải Dương (2 ca), Hải Phòng (1), Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Lâm Đồng, Ninh Bình (mỗi nơi ghi nhận 1 ca).
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.315.689 ca mắc, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 23.463 ca mắc).
Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 2.308.602 ca, trong đó có 2.099.639 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số mắc tích lũy cao trong đợt dịch này: Thành phố Hồ Chí Minh (514.390 ca), Bình Dương (292.953 ca), Hà Nội (142.433 ca), Đồng Nai (99.926 ca) và Tây Ninh (88.460 ca).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế - cdc. kcb.vn), trong ngày 4/2 có 8.509 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 2.102.456 người. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.213 ca. Tính từ 17 giờ 30 phút ngày 3/2 đến 17 giờ 30 phút ngày 4/2 ghi nhận 84 ca tử vong tại Thành phố Hồ Chí Minh (5 ca) trong đó 2 ca từ các tỉnh chuyển đến: An Giang và Kiên Giang (mỗi địa phương 1 ca).
Số ca tử vong tại các tỉnh, thành phố khác là: Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long (mỗi nơi 5 ca), Bình Định, Khánh Hòa, Kiên Giang (mỗi nơi 4 ca), Bạc Liêu , Bắc Ninh, Bến Tre, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Hòa Bình, Quảng Ngãi, Tây Ninh (mỗi địa phương 3 ca), An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, Tiền Giang (mỗi nơi 2 ca), Cà Mau, Gia Lai, Hải Dương, Long An, Nghệ An, Quảng Nam, Sóc Trăng, Trà Vinh (mỗi nơi 1 ca).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 102 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.147 ca, chiếm 1,6% so với tổng số ca mắc. Tổng số ca tử vong ở nước ta xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ ngày 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 32.258.323 mẫu tương đương 77.273.570 lượt người, tăng 9.069 mẫu so với ngày trước đó.
Trong ngày 3/2 có 6.320 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm cho người dân. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 181.665.411 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.080.967 liều, tiêm mũi 2 là 74.187.748 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 28.396.696 liều.
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân trên địa bàn đảm bảo hiệu quả và an toàn, tiêm chủng theo đúng số lượng vaccine phòng COVID-19 đã được cấp, không được để lãng phí vaccine.
Các đơn vị chức năng cần tăng cường thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu về chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới; không mặc cảm, kỳ thị những người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19; người dân về từ các địa bàn có nguy cơ chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định.
Các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, các địa phương không được tự đặt ra yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch trái với quy định của Trung ương và hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ Y tế đề nghị các cơ sở y tế thực hiện nghiêm chế độ trực Tết; bảo đảm đầy đủ thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị và lực lượng cán bộ, nhân viên y tế sẵn sàng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và khám, chữa bệnh cho người dân trong dịp Tết.
Hà Nội vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch
Tối 4/2, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 3/2 đến 18 giờ ngày 4/2/2022, Hà Nội ghi nhận thêm 2.756 ca F0, phân bố tại 402 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai có 140 ca; Đông Anh có 130 ca; Đống Đa có 128 ca; Nam Từ Liêm có 93 ca; Chương Mỹ có 87 ca.
Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch lần thứ 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 145.607 ca. Hiện Hà Nội không ghi nhận thêm điểm phong tỏa mới; số bệnh nhân đang điều trị là 55.081 người. Tổng số ca tử vong từ 29/4/2021 đến nay là 703 người.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặc biệt lưu ý, tất cả người dân không được chủ quan, nhất là trong dịp Tết này. Nguyên nhân là do sự tăng giao lưu đi lại của người dân tại tất cả các địa phương, việc tổ chức lễ hội văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, việc thăm hỏi người thân tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch.
Trên thực tế ở Hà Nội đã xuất hiện những trường hợp từ quê lên có biểu hiện ho, đau họng, sốt; sau đó được xác định dương tính với SARS-CoV-2, không xác định được nguồn lây. Trong quá trình ở quê, người dân có giao lưu tiếp xúc với bà con, họ hàng… tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Ở một số khu đô thị như Linh Đàm, các hàng quán nước vỉa hè đã hoạt động trở lại, đội ngũ Shipper và các hội nhóm thanh niên túm năm, tụm ba nói chuyện không đeo khẩu trang. Tại các chợ bắt đầu họp trở lại nhưng nhiều người bán hàng và khách tới mua không đeo khẩu trang khi giao tiếp với nhau… Tại các chùa trên địa bàn, người dân đến lễ đông nhưng vẫn còn tình trạng người dân không tuân thủ 5K...
Nghệ An họp khẩn bàn công tác phòng, chống dịch COVID-19
Chiều 4/2, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Dương Đình Chỉnh đã chủ trì họp khẩn bàn công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự có lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và đại diện thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An cho biết, từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 4/2, trên địa bàn Nghệ An ghi nhận thêm 233 ca dương tính với SARS-CoV-2 mới, trong đó 35 ca trong cộng đồng, 162 ca là từ F1, 17 ca trong vùng phong tỏa, 19 ca từ ngoại tỉnh có dịch về.
Như vậy, tính từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến 18 giờ ngày 4/2, trên địa bàn Nghệ An đã ghi nhận 15.347 ca dương tính với SARS-CoV-2. Toàn tỉnh cũng đã có 13.019 bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị khỏi bệnh, ra viện; 45 bệnh nhân tử vong.
Tại nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An, đặc biệt là tại thành phố Vinh, dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp; liên tục phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng và các ca nhiễm không có triệu chứng, nhưng trước đó đã có các hoạt động trong cộng đồng, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người trong chợ, siêu thị, các điểm tham quan, bệnh viện…
Sở Y tế tỉnh cho biết, chỉ tính từ ngày 28/1 đến ngày 4/2, tỉnh đã có 1.867 ca dương tính với SARS-CoV-2 (trong đó có 242 ca cộng đồng), trung bình mỗi ngày có 267 ca dương tính; toàn tỉnh cũng đã tiêm được thêm 212.039 mũi vaccine phòng COVID-19.
Mặc dù là những ngày nghỉ Tết, nhưng lực lượng y tế trên địa bàn Nghệ An, trong đó có lãnh đạo cao nhất của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các Trạm y tế tuyến phường, xã đã túc trực 24/24 giờ, gác lại những công việc gia đình để làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch. Đây là nỗ lực, sự cố gắng rất lớn của lực lượng y tế trên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 ở tỉnh Nghệ An.
Sở Y tế Nghệ An đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục khởi động lại Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mùa Xuân 2022; triển khai hiệu quả việc điều trị F0 tại nhà, cơ sở thu dung điều trị; đẩy mạnh công tác truyền thông để tuyên truyền, nâng cao ý thức, sự đồng thuận của người dân trong việc phòng, chống dịch.