Tổng hợp COVID-19 ngày 29/3 tại Việt Nam: Có 88.378 ca F0; chuyển kinh phí phòng chống dịch cho Bộ Y tế

Thông tin thời sự về dịch COVID-19 ngày 29/3 tại Việt Nam thu hút sự quan tâm của dư luận là có 88.378 ca F0, 55 ca tử vong do COVID-19 và chuyển nguồn kinh phí phòng chống dịch cho Bộ Y tế.

Cả nước có 88.378 ca F0, trong ngày có 55 ca tử vong do COVID-19

Tính từ 16 giờ ngày 28/3 đến 16 giờ ngày 29/3, cả nước ghi nhận 88.378 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Hà Nội tiếp tục giảm còn gần 9.000 ca trong ngày. 

Chú thích ảnh
Khám sàng lọc ca mắc COVID-19. Ảnh: Lê Phú.

Trong số các ca nhiễm mới, có 2 ca nhập cảnh và 88.376 ca ghi nhận trong nước (tăng 5.003 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 61.258 ca trong cộng đồng).

Ngày 29/3/2022, Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 17.600 ca, Sở Y tế Bình Định đăng ký bổ sung 5.662 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Thái Nguyên (giảm 985 ca), Yên Bái (giảm 563 ca), Đắk Lắk (giảm 491 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Phú Thọ (tăng 809 ca), Hải Dương (tăng 621 ca), Tây Ninh (tăng 603 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 103.374 ca/ngày. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.386.489 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 95.021 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.378.773 ca, trong đó có 7.151.029 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.458.587), TP Hồ Chí Minh (592.677), Nghệ An (384.741), Bình Dương (374.529), Hải Dương (339.411). Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là1.679.138 ca (rà soát, cập nhật số liệu điều trị ngoại viện). Tổng số ca được điều trị khỏi là 7.153.846 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.639 ca.

Từ 17 giờ 30 ngày 28/3 đến 17 giờ 30 ngày 29/3 ghi nhận 55 ca tử vong tại: An Giang (4), Bạc Liêu (4), Bình Dương (4), Đồng Nai (4), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (4), Gia Lai (3), Lạng Sơn (3), Bình Định (2), Cao Bằng (2), Hà Tĩnh (2), Sóc Trăng (2), Tây Ninh (2), Trà Vinh (2), Vĩnh Long (2), Bắc Giang (1), Bến Tre (1), Cà Mau (1), Cần Thơ (1), Hà Nam (1), Hải Dương (1), Nam Định (1), Nghệ An (1), Quảng Ngãi (1), Quảng Trị (1), TP Hồ Chí Minh (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 57 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.413 ca, chiếm tỷ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Chuyển nguồn kinh phí phòng chống dịch COVID-19 cho Bộ  Y tế

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29/3/2022 cho phép chuyển nguồn kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 đã giao dự toán năm 2021 cho Bộ Y tế chưa sử dụng hết sang năm 2022 sử dụng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN.

Cụ thể, Nghị quyết cho phép chuyển nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đã giao dự toán cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của Bộ Y tế chưa thực hiện số tiền 4.643.821,75 triệu đồng (gồm cả kinh phí mua vaccine, vật tư tiêm chủng, tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vaccine phòng COVID-19) sang năm 2022 để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 như đề nghị của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu báo cáo và xử lý cụ thể theo quy định.

Nghị quyết yêu cầu đối với kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022, Bộ Y tế chủ động sử dụng dự toán được giao, phối hợp với Bộ Tài chính để đề xuất, trình cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán (nếu có) theo quy định; tăng cường công tác quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, đúng quy định.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Tổng hợp COVID-19 tuần 21-27/3: Tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi từ tháng 4
Tổng hợp COVID-19 tuần 21-27/3: Tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi từ tháng 4

Trong tuần từ 21-27/3, thông tin nổi bật liên quan đến dịch COVID-19 gồm sắp triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi vào đầu tháng 4/2022; Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 giảm; Ban hành Nghị quyết về số giờ làm thêm của người lao động; Tiêm mũi 3 bằng vaccine AstraZeneca cho người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine mRNA...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN