Tổng hợp COVID-19 ngày 18/9: Giảm hơn 2.100 ca mắc mới; nhiều địa phương nới lỏng giãn cách xã hội

Sau hơn 2 tuần nỗ lực bóc tách F0, đẩy mạnh tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong cộng đồng để phủ “vùng xanh”, số ca mắc COVID-19 mới trong ngày 18/9 đã giảm hơn 2.100 ca. Theo đó, nhiều địa phương bắt đầu thực hiện các phương án nới lỏng giãn cách xã có lựa chọn, từng bước tính đến việc khôi phục kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”. 

TP Hồ Chí Minh và Bình Dương đều giảm số ca nhiễm mới

Ngày 18/9, Việt Nam ghi nhận thêm 9.373 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong đó có 4.827 ca mắc mới được phát hiện trong cộng đồng. Trong ngày, cả nước cũng có 14.903 ca khỏi bệnh và 220 ca tử vong. 

Chú thích ảnh
Cách ly khu vực có bệnh nhân COVID-19. Ảnh: TTXVN

TP Hồ Chí Minh và Bình Dương vẫn đứng đầu số ca nhiễm mới trong cả nước, tuy nhiên đều giảm mạnh. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh có 4.237 ca, Bình Dương 2.877 ca, Đồng Nai 939 ca, Long An 236 ca, Tiền Giang 197 ca, Kiên Giang 168 ca, An Giang 143 ca... 

Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 2.146 ca. Tại một số địa phương như TP Hồ Chí Minh giảm 1.735 ca, Bình Dương giảm 1.136 ca, Đồng Nai tăng 594 ca, Long An giảm 37 ca, Tiền Giang tăng 79 ca... Trung bình, số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 10.723 ca/ngày.

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 672.592 ca, trong đó có 445.594 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 15 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định.

Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Giang.

TP Hồ Chí Minh phát hiện nhiều F0 qua phần mềm kiểm soát VNEID

Để có thể kiểm soát được dịch bệnh, giảm số ca mắc mới trong cộng đồng, thời gian qua TP Hồ Chí Minh đã không ngừng nỗ lực siết chặt giãn cách xã hội, thường xuyên kiểm tra các chốt chặn trên các tuyến đường. 

Chú thích ảnh
Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh phát biểu tại cuộc họp chiều 18/9.

Có thể thấy, thông qua ứng dụng VNEID được xây dựng mới đây, lực lượng chức năng không chỉ giảm được thời gian kiểm soát người dân di chuyển nội thành, hạn chế những rủi ro lây nhiễm dịch bệnh mà còn phát hiện được nhiều trường hợp F0 lưu thông trên đường, 

Theo đó, ngành công an đã phát hiện được 135 trường hợp F0 qua các chốt, trạm kiểm soát. Trong đó, có 33 F0 đã khỏi bệnh; 102 trường hợp là F0, trong đó có 26 trường hợp đang cách ly tập trung, còn lại cách ly tại nhà. Ngoài ra, trong số 102 F0, có 50 trường hợp được cấp giấy đi đường; theo đó, 10 giấy đi đường đã được thu hồi, 40 giấy đi đường bị hủy. 

Hiện nay tất cả các chốt kiểm tra của Công an TP Hồ Chí Minh đều triển khai một app (ứng dụng) duy nhất là VNIED để kiểm soát người đi đường. 

Bạc Liêu giãn cách xã hội theo mức độ nguy cơ

Với tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, ngày 18/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều ký ban hành Quyết định số 1460/QĐ-UBND về việc áp dụng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh theo mức độ nguy cơ, thời gian áp dụng từ 00 giờ ngày 20/9/2021 cho đến khi có thông báo mới.

Chú thích ảnh
 Lực lượng chức năng kiểm tra Giấy đi đường của người dân khi qua các chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19. 

Cụ thể, tỉnh đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình); áp dụng theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với 4 phường của thành phố Bạc Liêu (Phường 1, Phường 3, Phường 7 và Phường 8) và 7 xã của huyện Hòa Bình (xã Vĩnh Hậu, xã Vĩnh Hậu A, xã Vĩnh Thịnh, xã Vĩnh Mỹ A, xã Vĩnh Mỹ B, xã Minh Diệu và xã Vĩnh Bình).

Bạc Liêu cũng áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với 6 đơn vị phường, xã của thành phố Bạc Liêu (Phường 2, Phường 5, phường Nhà Mát, xã Hiệp Thành, xã Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông) và áp dụng đối với toàn bộ các xã, phường, thị trấn của 5 đơn vị cấp huyện còn lại (thị xã Giá Rai, huyện Đông Hải, huyện Phước Long, huyện Hồng Dân, huyện Vĩnh Lợi).

Tỉnh Bạc Liêu cũng thực hiện phong tỏa cách ly y tế cục bộ trên tinh thần “hẹp và chặt” tại các khu vực, các địa điểm có nhiều F0 hoặc có nguy cơ rất cao; ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quyết định việc phong tỏa này. Riêng đối với các khu vực đang thiết lập vùng phong tỏa cách ly y tế theo các quyết định trước đây của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thì tiếp tục thực hiện cho đến hết thời gian quy định.

Hà Nội xây dựng phương án mở lại dịch vụ vận tải theo từng giai đoạn

Trong khi đó, Hà Nội cũng đang tính toán mở lại dịch vụ vận tải liên tỉnh. Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đào Việt Long cho biết, Sở đang tập trung xây dựng phương án để mở lại các loại hình vận tải hành khách công cộng và liên tỉnh theo từng giai đoạn, phù hợp với các quy định về kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của ngành y tế đối với hành khách và người điều khiển phương tiện.

Chú thích ảnh
Hà Nội xây dựng phương án mở lại dịch vụ vận tải theo từng giai đoạn. Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN

Nhằm tăng cường hiệu quả kiểm soát dịch bệnh, Công an thành phố Hà Nội đang triển khai hệ thống camera quét mã tự động tại 23 chốt kiểm soát. Nếu doanh nghiệp và lái xe không thực sự nghiêm túc và nêu cao ý thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và quy định phòng, chống dịch COVID-19, đây sẽ là nguyên nhân gây nên những cản trở trong việc lưu thông hàng hoá.

Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine COVID-19 Abdala

Ngày 17/9, Bộ Y tế đã có quyết định số 4471/QĐ-BYT ngày 17/9/2021 về việc phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Vaccine Abdala được phê duyệt theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược.

Chú thích ảnh
Vaccine Abdala ngừa COVID-19 của Cuba. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo văn bản, vaccine này sản xuất thành phẩm tại Công ty AICA Laboraries, Base Business Unit (BBU) AICA – Cuba và được xuất bán thành phẩm, đóng gói cấp 2 tại Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB) – Cuba.

Tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) là nơi đề nghị phê duyệt vaccine này. Vaccine Abdala mỗi liều 0,5ml chứa 50 mcg vaccine protein tái tổ hợp chứa vùng liên kết với thụ thể (RBG) của virus SARS-CoV-2, bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm bắp. Vaccine được đóng gói hộp 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5ml.

Bộ Y tế cũng quy định các điều kiện đi kèm việc phê duyệt Abdala cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, Cục Quản lý Dược có trách nhiệm cấp phép nhập khẩu vaccine Abdala theo quy định khi nhận được hồ sơ của cơ sở nhập khẩu, thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý nhập khẩu, quản lý chất lượng vaccine nhập khẩu.

Trong ngày 17/9 có 452.817 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 33.555.359 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 27.208.264 liều, tiêm mũi 2 là 6.347.095 liều.

Hải Yên/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19: Ngày 17/9, số ca F0 tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương tăng cao; Hà Nội tiếp nhận hơn 182 tỷ đồng ủng hộ phòng chống dịch
Tổng hợp COVID-19: Ngày 17/9, số ca F0 tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương tăng cao; Hà Nội tiếp nhận hơn 182 tỷ đồng ủng hộ phòng chống dịch

Trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 trong nước ghi nhận ngày 17/9 có tới 11.521 ca F0. Trong 7 ngày qua, trung bình số ca nhiễm mới trong nước là 11.090 ca/ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN