Tổng hợp COVID-19 ngày 15/9: TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16; Hà Nội cho phép mở một số dịch vụ

Từ 12 giờ ngày 16/9, Hà Nội cho phép mở một số dịch vụ tại địa bàn không có ca cộng đồng; từ 0 giờ ngày 16/9, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 30/9; Bộ Y tế đề nghị các địa phương liên tục đánh giá nguy cơ để quyết định về giãn cách và nới lỏng giãn cách; bắt đầu tiêm mũi 2 vaccine Covivac cho các tình nguyện viên… là những tin nổi bật trong ngày 15/9.

Ngày 15/9, Việt Nam ghi nhận 10.585 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có 14.189 ca khỏi bệnh

Ngày 15/9, Việt Nam ghi nhận 10.585 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có 14.189 ca khỏi bệnh; 250 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Tính từ 17 giờ ngày 14/9 đến 17 giờ ngày 15/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.585 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, gồm 2 ca nhập cảnh và 10.583 ca ghi nhận trong nước tại: TP Hồ Chí Minh (5.301 ca), Bình Dương (3.228 ca), Đồng Nai (808 ca), Long An (424 ca), Kiên Giang (183 ca), Tiền Giang (93 ca), An Giang (59 ca), Quảng Bình (58 ca), Cần Thơ (53 ca), Tây Ninh (48 ca), Đồng Tháp (45 ca), Khánh Hòa (33 ca), Bình Định (31 ca), Bình Phước (27 ca), Đắk Nông (26 ca), Bình Thuận (19 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (18 ca), Quảng Ngãi (15 ca), Phú Yên (14 ca), Hà Nội (14 ca), Bạc Liêu (13 ca), Cà Mau (10 ca), Thừa Thiên Huế (10 ca), Quảng Nam (9 ca), Đà Nẵng (9 ca), Bến Tre (9 ca), Ninh Thuận (8 ca), Thanh Hóa (7 ca), Vĩnh Long (3 ca), Hưng Yên (3 ca), Nghệ An (2 ca), Lào Cai (1 ca), Bắc Ninh (1 ca), Lâm Đồng (1 ca). Trong đó có 5.823 ca trong cộng đồng.

Như vậy, trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 87 ca. Tại TP Hồ Chí Minh giảm 1.011 ca, Bình Dương tăng 1.050 ca, Đồng Nai tăng 31 ca, Long An tăng 45 ca, Kiên Giang tăng 26 ca.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 11.621 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 645.640 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.562 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 641.244 ca, trong đó có 409.876 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 14 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình.

Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai.

Có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là: TP Hồ Chí Minh (315.088 ca), Bình Dương (166.075 ca), Đồng Nai (37.169 ca), Long An (29.289 ca), Tiền Giang (12.561 ca).

Trong ngày 15/9, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 14.189 ca.

Tổng số ca được điều trị khỏi là 412.650 ca.

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.008 ca.

Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên hệ thống ghi nhận 250 ca tử vong tại: TP. Hồ Chí Minh (189 ca), Bình Dương (42 ca), Đồng Nai (4 ca), Long An (4 ca), Đồng Tháp (3 ca), Tây Ninh (2 ca), Phú Yên (1 ca), Trà Vinh (1 ca), Gia Lai (1 ca), An Giang (1 ca), Khánh Hòa (1 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (1 ca).

Từ 12 giờ ngày 16/9, Hà Nội cho phép mở một số dịch vụ tại địa bàn không có ca cộng đồng

Ngày 15/9, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số 3084/UBND-KGVX về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Từ 12 giờ ngày 16/9, Hà Nội cho phép mở một số dịch vụ tại địa bàn không có ca cộng đồng. Dự kiến có 21 địa phương đáp ứng được yêu cầu phòng dịch và được phép kinh doanh một số mặt hàng thiết yếu.

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 14/9/2021, thành phố đã cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh, cụ thể số ca mắc tại cộng đồng trong 3 tuần gần đây có xu hướng giảm, đã cơ bản hoàn thành xét nghiệm tầm soát diện rộng trên toàn địa bàn thành phố, tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 bao phủ cơ bản toàn bộ đối tượng trong diện tiêm chủng.

Hiện địa bàn thành phố có 1 quận nguy cơ rất cao (quận Thanh Xuân), 2 quận nguy cơ cao (Hoàng Mai, Đống Đa), 9 quận, huyện có nguy cơ (Ba Đình, Gia Lâm, Hai Bà Trưng, Hoài Đức, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Thanh Trì, Thường Tín, Đan Phượng) và 18 quận, huyện, thị xã còn lại ở mức bình thường mới.

Trước diễn biến đó, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội; đồng thời đánh giá, phân loại các vùng theo mức độ nguy cơ và có biện pháp phù hợp với từng vùng để bảo vệ vững chắc vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng”, “thu hẹp vùng đỏ”; rà soát các khu vực phong tỏa để thu hẹp quy mô, đảm bảo thực hiện nghiêm, thực chất việc cách ly y tế trên địa bàn.

Các địa phương cũng duy trì hoạt động các “pháo đài” chống dịch tại từng phường, xã, thị trấn, lấy người dân là “chiến sĩ” là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn. Chủ động triển khai kế hoạch, phương án tổ chức các trạm y tế lưu động tại các xã, phường, thị trấn để sẵn sàng đáp ứng và đảm bảo tiếp cận y tế của người dân từ sớm, từ xa và ngay từ cơ sở.

Thành phố lưu ý tránh 2 khuynh hướng: lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, say sưa với kết quả ban đầu sau thời gian dài thực hiện phòng, chống dịch; nóng vội, chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch.

Từ 12 giờ ngày 16/9/2021, các địa bàn các quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng (từ thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 của Chủ tịch UBND thành phố) được hoạt động một số cơ sở kinh doanh, cụ thể như sau: Cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo sự quản lý, giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc với nhân viên, thực hiện 5K; quét mã QR bắt buộc với khách đến mua hàng, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại cơ sở; hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp.

Chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải cam kết và chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

Từ 0 giờ ngày 16/9, TP Hồ Chí Minh tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến 30/9

Tối 15/9, UBND TP Hồ Chí Minh đã có công văn khẩn về việc tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16, Kế hoạch 2715, Chỉ thị 11 của UBND TP Hồ Chí Minh từ 0 giờ ngày 16/9 đến hết ngày 30/9.

Chú thích ảnh
Từ 0 giờ ngày 16/9, TP Hồ Chí Minh tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến 30/9.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh tiếp tục cấp giấy đi đường cho nhóm đối tượng được phép lưu thông theo Công văn 2800, 2850 và 2994. Giấy đi đường do Công an TP Hồ Chí Minh cấp có hiệu lực đến hết ngày 30/9.

Đối với việc đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện theo Kế hoạch 2798 và Công văn 2994 của UBND TP Hồ Chí Minh. Như vậy, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện việc "đi chợ hộ" cho người dân.

Riêng các địa bàn cơ bản kiểm soát được dịch bệnh gồm Quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ; các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn 3 quận, huyện này được thực hiện thí điểm một số hoạt động. Trong đó, các địa phương này cho phép người dân đi chợ 1 lần/tuần; bổ sung các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được hoạt động theo kế hoạch của UBND quân, huyện; tuân thủ Bộ tiêu chí an toàn do UBND TP Hồ Chí Minh ban hành.

Đối với Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Khu công nghệ cao, chủ động hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức thực hiện sản xuất theo Kế hoạch 2715 và Bộ tiêu chí an toàn mà UBND TP Hồ Chí Minh ban hành. Các địa phương này sẽ thí điểm triển khai "thẻ xanh COVID-19" gắn với mã QR cá nhân. Việc thí điểm đảm bảo 5K, xét nghiệm kháng nguyên định kỳ.

Ngoài ra, từ ngày 16/9, UBND TP Hồ Chí Minh cũng điều chỉnh, bổ sung một số hoạt động như: shipper được phép hoạt động liên quận từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày với điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/lần. Ngân sách TP Hồ Chí Minh chi trả chi phí xét nghiệm cho lực lượng này đến hết 30/9.

TP Hồ Chí Minh cũng cho phép các loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký kinh doanh) hoạt động từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày, bao gồm: dịch vụ bưu chính, viễn thông; thiết bị tin học văn phòng, thiết bị, dụng cụ học tập; dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang đi; các cơ sở kinh doanh này hoạt động "3 tại chỗ", chỉ bán qua đặt hàng trực tuyến; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y; dịch vụ bảo trì, sửa chữa công trình, máy móc thiết bị, phương tiện giao thông vận tải và cung ứng linh kiện, phụ tùng phục vụ hoạt động này; sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, thực phẩm.

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên phải đăng ký với UBND quận, huyện, thành phố, phường, xã, thị trấn để được cấp giấy đi đường và nhóm này cần đảm bảo một số điều kiện như: nhân viên giao hàng của doanh nghiệp, hộ kinh doanh chỉ được hoạt động nội quận, huyện, thành phố Thủ Đức; xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/lần, kinh phí xét nghiệm do doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự chi trả; người lao động tại nơi làm việc phải được tiêm ngừa ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19 và xét nghiệm 5 ngày/lần (mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3). Kinh phí xét nghiệm do doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự chi trả.

Đặc biệt lần này, TP Hồ Chí Minh cũng cho phép các nhân viên đảm bảo điều kiện tương tự như shipper thì được đi giao hàng, nhưng chỉ trong địa bàn quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Bắt đầu từ 16/9, các công trình xây dựng, giao thông được phép thi công công trình trên cơ sở tuân thủ Bộ tiêu chí an toàn của UBND TP Hồ Chí Minh. UBND từng địa phương đề xuất danh mục các công trình cụ thể, Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh quyết định.

Mặt khác, các sinh hoạt thể dục, thể thao tại công viên thuộc khu dân cư, chung cư thuộc "vùng xanh" thì Chủ tịch UBND quận, huyện, TP Hồ Chí Minh, phường, xã, thị trấn xem xét quyết định, cho phép hoạt động trở lại nếu đảm bảo an toàn, tuân thủ 5K.

Bắt đầu tiêm mũi 2 vaccine Covivac cho các tình nguyện viên

Chú thích ảnh
Tiêm vaccien Covivac cho tình nguyện viên. Ảnh: TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, ngày 15/9, nhóm nghiên cứu bắt đầu tiêm thử nghiệm mũi 2 giai đoạn 2 vaccine COVID-19 Covivac tại tỉnh Thái Bình. Dự kiến trong ngày 15/9 sẽ tiêm cho khoảng 80 người tình nguyện (riêng buổi sáng đã tiêm được trên 50 người).

Lộ trình tiêm mũi 2, giai đoạn 2 vaccine COVID-19 Covivac sẽ tiến hành từ nay đến ngày 20/9. Dự kiến sẽ tiêm cho 374 người tình nguyện (đây là những người đã tiêm mũi 1 đủ 28 ngày).

Giai đoạn 2 của thử nghiệm lâm sàng triển khai tại huyện Vũ Thư, Thái Bình với số lượng 375 tình nguyện viên, tiêm 2 nhóm liều 3mcg và 6 mcg và và vaccine AstraZeneca (thay vì giả dược như lần 1).

Vaccine Covivac do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển.

Theo Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện IVAC, đơn vị này đang chuẩn bị xây dựng đề cương thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Cuối tháng 9, nhóm nghiên cứu sẽ xin ý kiến chuyên gia góp ý đề cương này.

Sau khi có kết quả đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch ở giai đoạn 2 để xác định được liều tối ưu, dự kiến tháng 12/2021 sẽ bắt đầu triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Theo dự kiến, giai đoạn 3 sẽ triển khai trên 4.000 đối tượng ở 3 tỉnh Khánh Hoà, Bắc Ninh và Thái Bình. Trong đó có nhóm đối chứng sử dụng một loại vaccine đã được cấp phép.

Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) Nguyễn Ngô Quang cho biết, dự kiến, đến cuối năm 2021 sẽ có kết quả phục vụ đăng ký lưu hành vaccine phòng COVID-19 trong nước, ít nhất sẽ có 1 vaccine sản xuất trong nước được cấp phép lưu hành. Hiện Việt Nam đang có 3 ứng viên vaccine phòng COVID-19 đang triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng.

Với vaccine Nano Covax - loại vaccine đầu tiên được cấp phép thử nghiệm lâm sàng ở Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo cho biết, cuối giờ chiều 14/9, theo yêu cầu của Bộ Y tế, nhà sản xuất và nhóm nghiên cứu vaccine Nano Covax nộp hồ sơ hoàn thiện, bổ sung về thử nghiệm lâm sàng và đăng ký vaccine Nano Covax.

Với ARCT-154 chuyển giao công nghệ từ Mỹ, lãnh đạo Bộ Y tế đã cho phép triển khai cuốn chiếu giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của vaccine này. Sau khi họp với nhóm nghiên cứu, việc triển khai thử nghiệm lâm sàng không chỉ thực hiện tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mà sẽ được mở rộng địa bàn nghiên cứu ở khu vực phía Bắc gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên; ở phía Nam gồm Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Long An để đảm bảo tiến độ triển khai trước 20/12/2021 phải có đủ dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2, 3.

Ngày cuối TP Hồ Chí Minh thực hiện chiến dịch cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19

Ngày 15/9, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, các quận, huyện, TP Thủ Đức đang tăng cường tổ chức tiêm vét các trường hợp chưa tiêm mũi 1 trong ngày 15/9. Đây cũng là ngày cuối của chiến dịch cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine cho người dân ở TP Hồ Chí Minh.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, trong ngày 14/9 Thành phố đã tiêm thêm được 159.990 người. Công tác tổ chức tại các điểm tiêm đều trật tự, ổn định, tuân thủ 5K. Tính đến ngày 14/9, Thành phố đã tiêm được tổng cộng 8.316.763 mũi tiêm, trong đó có 6.624.241 mũi 1 và 1.692.522 mũi 2. Vaccine Vero Cell đã tiêm cho 2.166.174 người.

Như vậy, nếu tính theo thống kê của Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình vào ngày 30/6, tổng số người từ 18 tuổi trở lên tại TP Hồ Chí Minh là 7.208.800 người thì đến nay tỷ lệ tiêm chủng vaccine của Thành phố đạt gần 92%.

Các quận, huyện, TP Thủ Đức tại TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ tiêm chủng gần như bao phủ gồm: thành phố Thủ Đức, quận Phú Nhuận và huyện Củ Chi đạt tỷ lệ 100%; Quận 1, 6, 11 đạt tỷ lệ 98%; Quận 7, 8 và huyện Hóc Môn 97%.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, hôm nay là ngày cuối của chiến dịch cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19. Các quận, huyện đang tập trung việc bao phủ vaccine mũi 1 cho người dân trên 18 tuổi không phân biệt thường trú, tạm trú và tiêm mũi 2 cho người đủ thời gian.

Ông Pham Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, mục tiêu đặt ra 100% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 tuy khó đạt được nhưng thành phố sẽ phấn đấu. Bên cạnh đó, những trường hợp tới hạn tiêm vaccine mũi 2 đều được tiêm và đẩy nhanh tốc độ tiêm để bao phủ sớm hơn.

"Mức độ bao phủ vaccine là một trong những điều kiện rất quan trọng để khôi phục cuộc sống bình thường mới và mở rộng các hoạt động kinh tế, xã hội sau này", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Phong tỏa Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 tỉnh Thanh Hóa

UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định về việc phong tỏa toàn bộ Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa (có địa chỉ ở số 302, Nguyễn Hữu Cảnh, phường Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hóa) kể từ 14 giờ ngày 15/9, sau khi phát hiện một số nhân viên y tế dương tính với SARS-CoV-2.

Đồng thời, UBND tỉnh giao Giám đốc Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 tỉnh Thanh Hóa chịu trách nhiệm triển khai thực hiện đầy đủ các biện pháp bắt buộc phòng chống, ngăn chặn lây nhiễm bệnh truyền nhiễm trong khu vực Bệnh viện; yêu cầu toàn bộ cán bộ, công chức, người lao động, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các cá nhân, tổ chức có liên quan trong khu vực Bệnh viện có trách nhiệm chấp hành biện pháp phong tỏa theo quy định pháp luật. Trong thời gian diễn ra phong tỏa, các hoạt động khám, chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện vẫn được duy trì.

UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện tiếp tục rà soát việc thực hiện cách ly, điều trị, chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao cho việc tiếp nhận, điều trị người bệnh tại Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 tỉnh Thanh Hóa; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại Bệnh viện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 tỉnh Thanh Hóa tại Bệnh viện Phổi tỉnh là Bệnh viện hạng I, quy mô 350 giường bệnh. Bệnh viện có chức năng tổ chức thu dung, cách ly, theo dõi, điều trị người bệnh COVID-19 trên địa bàn Thanh Hóa. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, hiện số bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa là 154 người. Từ đầu đợt dịch đến nay, Bệnh viện Phổi tỉnh Thanh Hóa đã điều trị cho 450 bệnh nhân, trong đó có 295 bệnh nhân đã ra viện.

'Muôn mặt' hỗ trợ người gặp khó khăn trong dịch COVID-19

Để hỗ trợ các lao động, người dân gặp khó khăn trong đợt thực hiện giãn cách xã hội, bên cạnh nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, Hà Nội cũng huy động từ nhiều nguồn lực xã hội hóa. Và trong hàng nghìn câu chuyện cảm động vẫn có những "con sâu làm rầu nồi canh".

Chú thích ảnh
Lực lượng quân đội "đi chợ hộ" cho người dân tại TP Hồ Chí Minh.

Tình hình dịch kéo dài và Hà Nội thực hiện giãn cách từ 24/7 đến nay nên nhiều hộ gặp khó khăn do nguồn lực tích trữ đã cạn. Do đó, để hỗ trợ, về phía MTTQ Hà Nội đã có công văn gửi MTTQ các quận huyện rà soát, lập danh sách hỗ trợ các trường hợp khó khăn do dịch nhưng không đủ điều kiện hưởng theo các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thành phố.

Theo đó, các đối tượng được hỗ trợ gồm người lao động bị dừng việc làm, mất việc làm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 17, chỉ thị số 20 của Hà Nội, đang gặp khó khăn nhưng không đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo các quyết định, nghị quyết của thành phố. Những người không có hộ khẩu Hà Nội, chưa làm đăng ký tạm trú có nhu cầu, nguyện vọng cũng được xem xét hỗ trợ. Bên cạnh đó, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang thuê trọ, người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn cũng thuộc đối tượng được rà soát. Để nhận hỗ trợ, những cá nhân thuộc các trường hợp trên làm đơn gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, huyện, thị xã thông qua ban công tác Mặt trận, tổ dân phố nơi đang cư trú, tạm trú.

Ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch UBMTTQ thành phố Hà Nội cho biết: Từ khi đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đến nay, Ủy ban MTTQ Hà Nội đã hỗ trợ hơn 366.000 suất quà, nhu yếu phẩm… trị giá hơn 107 tỷ đồng. Thông qua đường dây nóng, bất kỳ yêu cầu hỗ trợ nào được gửi tới đều được MTTQ các cấp xác minh và hỗ trợ với mục tiêu không để ai bị đứt bữa.

Cùng với các nguồn lực hỗ trợ từ chính quyền, các tổ chức đoàn thể, thì sự tham gia của các nhóm thiện nguyện có vai trò rất lớn trong việc giúp đỡ những người khó khăn. Trên các diễn đàn có nhiều nhóm thiện nguyện đã kêu gọi hoặc kết nối trực tiếp để các nhà hảo tâm hỗ trợ như diễn đàn “Hà Nội – Giúp nhau mùa dịch”; “Mùa thu và những người bạn”, nhóm “Cho là Nhận”….

Rất nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện đã kêu gọi ủng hộ đồng bào vượt qua khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, hoạn nạn. Đây là nghĩa cử rất cao đẹp, mang tính nhân văn nhưng cách làm còn chưa đồng đều hiệu quả.

Bốn đơn vị cấp huyện ở Đồng Tháp tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa vừa có Quyết định về việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh để phòng, chống dịch COVID-19 sau ngày 15/9.

Theo đó, Đồng Tháp tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đối với thành phố Sa Đéc và các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg cho đến khi kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Tùy diễn biến dịch bệnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ quyết định mức độ giãn cách xã hội của từng địa phương cho phù hợp.

Hai thành phố Cao Lãnh và Hồng Ngự, các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Hồng Ngự thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg và các quy định, biện pháp cao hơn từ 0 giờ ngày 16/9.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới triển khai giải pháp cấp bách bảo đảm mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh.

Trước đó, tại Hội nghị giao ban về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh vào tối 14/9, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết, trong 5 giai đoạn trước, Chỉ thị 16 được áp dụng toàn tỉnh, giai đoạn này, việc thực hiện giãn cách có sự phân hóa theo từng khu vực để áp dụng hai mức độ khác nhau (Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15+). Tuy nhiên, giãn cách vẫn là yếu tố quan trọng để Đồng Tháp thực hiện tốt và giữ thành quả phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

"Dù giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15+ hay Chỉ thị 16 cũng phải thực hiện nghiêm túc. Địa phương thực hiện theo Chỉ thị 15+ cũng không được phép tập trung đông người ở khu vực công cộng, bởi có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Nếu thực hiện Chỉ thị 15+ không nghiêm túc để xảy ra tình huống trên địa bàn, địa phương đó lập tức trở về thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Nếu địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 16, đủ điều kiện sẽ về mức Chỉ thị 15+", Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhấn mạnh.

Các địa phương liên tục đánh giá nguy cơ để quyết định về giãn cách và nới lỏng giãn cách

Bộ Y tế vừa có công điện gửi các tỉnh, thành phố về việc xét nghiệm và một số biện pháp phòng chống dịch khi thực hiện giãn cách xã hội.

Chú thích ảnh
Đường Hai bà Trưng (Quận 3, TP Hồ Chí Minh) đông phương tiện lưu thông trong ngày 15/9. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Ngày 15/9, Bộ Y tế có Công điện số 1409/BYT-CĐ gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xét nghiệm và một số biện pháp phòng chống dịch khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội.

Theo Bộ Y tế, trong tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài tại nhiều địa phương, đặc biệt với biến chủng Delta có thời gian ủ bệnh ngắn, khả năng phát tán mầm bệnh cao và lây lan nhanh chóng (nồng độ virus trong dịch hầu họng gấp khoảng 1000 lần so với các chủng SARS-CoV-2 trước).

Trong thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và đã đạt được một số kết quả nhất định trong hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch vẫn còn một số tồn tại như: Thực hiện chưa nghiêm việc giãn cách, chưa xác định được mục tiêu, phạm vi, thời gian, các giải pháp kiểm soát dịch, nhất là công tác xét nghiệm, dẫn đến phải thực hiện giãn cách kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế xã hội.

Vì vậy, Bộ Y tế (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia) đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố chỉ đạo:

Khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố…). Xác định mục tiêu thực hiện giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể (trong thời gian 14 ngày) và triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp bao gồm: Thực hiện nghiêm việc giãn cách; đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, không để thiếu ăn, thiếu mặc; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp về y tế như xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội; tuyên truyền, vận động và huy động người dân tham gia công tác phòng, chống dịch.

Các địa phương xác định thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Đối với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để bóc tách ngay các trường hợp F0 nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR (RT-PCR). Đối với các địa bàn còn lại, thực hiện xét nghiệm từ 5-7 ngày/lần. Thực hiện việc gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề. Khi xét nghiệm RT-PCR phải đảm bảo trả kết quả trong thời gian 12 giờ. Thực hiện xét nghiệm dứt điểm theo từng địa bàn và đảm bảo không để lây nhiễm chéo khi thực hiện lấy mẫu.

Các địa phương tập trung lực lượng lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; chia nhỏ điểm lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu; việc lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể được thực hiện bởi tình nguyện viên hoặc người dân. Khẩn trương điều động lực lượng ở các địa bàn đang ở mức bình thường mới để tập trung hỗ trợ lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao. Trường hợp vượt quá khả năng, kịp thời trao đổi với các tỉnh, thành phố lân cận để được hỗ trợ hoặc báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Đồng thời, thành lập và triển khai ngay các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; địa điểm có thể lựa chọn tại trường học, nhà văn hóa, khu công sở... trên địa bàn theo nguyên tắc gần dân nhất. Về nhân lực, trang thiết bị, thuốc và hoạt động thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Y tế; chuẩn bị sẵn sàng về địa điểm, trang thiết bị, nhân lực đối với các xã, phường, thị trấn ở mức có nguy cơ và bình thường mới để kịp thời triển khai khi nâng mức nguy cơ.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thực hiện liên tục việc đánh giá nguy cơ để quyết định việc giãn cách và nới lỏng giãn cách. Việc nới lỏng giãn cách phải thực hiện từng bước, chắc chắn và phải tiếp tục xét nghiệm tầm soát theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

M.T/Báo Tin tức (tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19 ngày 14/9: Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.666 tỷ đồng; thêm 10.508 ca nhiễm mới
Tổng hợp COVID-19 ngày 14/9: Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.666 tỷ đồng; thêm 10.508 ca nhiễm mới

Những thông tin thời sự về dịch COVID-19 ngày 14/9 thu hút sự quan tâm của dư luận gồm: Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.666 tỷ đồng; Việt Nam ghi nhận 10.508 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trên 30,4 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm; Hải Phòng nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ từ ngày 15/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN