Tổng hợp COVID-19 ngày 11/9: Số ca mắc và tử vong giảm mạnh; các địa phương lên phương án phục hồi kinh tế

Ngày 11/9, Việt Nam có 11.932 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 và 217 ca tử vong, số ca tử vong do COVID-19 đã giảm ở các tầng. Điều này cho thấy, việc chung sức, đồng lòng chống dịch COVID-19 trên cả nước đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh. Theo đó, nhiều tỉnh, thành đã bắt đầu lên phương án, lộ trình nới lỏng giãn cách xã hội, phục hồi kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian tới.

Số ca nhiễm mới giảm 1.379 ca

Ngày 11/9, Việt Nam ghi nhận 11.932 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong đó có 5.169 ca phát hiện trong cộng đồng. TP Hồ Chí Minh vẫn là nơi có số ca mắc cao nhất với 5.629 ca; tiếp đến là Bình Dương 3.971 ca, Đồng Nai 960 ca, Long An 337 ca...

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Ảnh: TTXVN

Như vậy, trong 24 giờ qua, số ca mắc ghi nhận trong nước giảm 1.379 ca; trong đó tại TP Hồ Chí Minh giảm 1.910 ca, Bình Dương tăng 408 ca, Đồng Nai tăng 137 ca, Long An tăng 16 ca, Kiên Giang tăng 79 ca.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 12.867 ca. Có 12 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam.

Trong ngày 11/9, có số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 12.541 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 363.462 ca.

Tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong tại các tầng đã giảm rõ rệt

Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên hệ thống ghi nhận 217 ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh (188 ca), Bình Dương (10 ca), Tiền Giang (2 ca), Đồng Nai (4 ca), Kiên Giang (3 ca), Bình Thuận (2 ca), Đà Nẵng (2 ca), Gia Lai (1 ca), Cần Thơ (1 ca), Ninh Thuận (1 ca), Khánh Hòa (1 ca), Nghệ An (1 ca), Vĩnh Long (1 ca). Ngoài ra, Bộ Y tế cũng bổ sung 56 ca tử vong tại Đồng Nai từ thời gian trước.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, tỷ lệ bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong tại các tầng đã giảm rõ rệt, đặc biệt tại tầng 3 của các Trung tâm hồi sức tích cực.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh, ra viện. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Trưởng Tiểu ban Y tế của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết: Tỷ lệ ca mắc mới COVID-19 tại cộng đồng trong tuần qua đã giảm so với tuần trước tại một số địa phương như: Đà Nẵng giảm 60%, Bình Dương giảm 27%, Long An giảm 3%...

Đặc biệt, trong tuần qua, số ca tử vong trung bình theo ngày trên toàn quốc giảm 30%; trong đó TP Hồ Chí Minh giảm 30%, Đồng Nai giảm 50%, Long An giảm 30%, Tiền Giang giảm 70%.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện có 8 địa phương đang kiểm soát tốt dịch COVID-19 là: Hậu Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Phú Yên, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau.

Đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, trong tuần qua đã giảm rõ rệt trên cả 2 tiêu chí: Số mắc trong cộng đồng và số ca tử vong. Đặc biệt, số tử vong của TP Hồ Chí Minh đã giảm 30%. Các quận, huyện đã kiểm soát được dịch là: Quận 7, Củ Chi và Cần Giờ. Dự kiến trong thời gian tới, sẽ giảm cả số ca nhiễm và số ca tử vong.

Tại điểm nóng dịch Bình Dương, số ca mắc và số ca tử vong cũng tiếp tục giảm.

Về công tác tiêm chủng, theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam đã nhận hơn 34 triệu liều vaccine COVID-19, đã thực hiện tiêm được hơn 27 triệu liều (số vaccine chưa tiêm còn lại tập trung tại một số địa phương, đơn vị, trong đó có khoảng 2 triệu liều mới được phân bổ từ ngày 8/9).

Cũng theo Bộ Y tế, dự kiến từ nay đến cuối năm 2021, sẽ có khoảng 103,4 triệu liều vaccine phòng COVID-19 về Việt Nam. Bộ Y tế đã và đang đàm phán và trao đổi với các đơn vị để cung ứng vaccine cho năm 2022.

TP Hồ Chí Minh hướng đến việc dần mở giãn cách

Sau khi thực hiện siết chặt giãn cách xã hội từ ngày 23/8 đến ngày 6/9/2021, cùng đó với là tăng tốc độ tiêm vaccine COVID-19 cho người dân toàn thành phố, TP Hồ Chí Minh đang có những sự thay đổi tích cực theo hướng kiểm soát được dịch bệnh.

Chú thích ảnh
 Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opXtra, thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Trước những nỗ lực và kết quả này, TP Hồ Chí Minh hướng đến dần mở giãn cách, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh, sản xuất, an sinh xã hội; đồng thời đảm bảo nguồn lương thực thực phẩm cho người dân thành phố.

Dự kiến, sau ngày 15/9/2021, TP Hồ Chí Minh sẽ đưa ra quy tắc chống dịch để khôi phục sản xuất an toàn, an toàn đến đâu, mở cửa đến đó trong 3 giai đoạn. Đó là: từ ngày 16/9 đến 31/9, người đã tiêm mũi 2 vaccine COVID-19 có thể tham gia các hoạt động lưu thông, sản xuất, ngoại trừ các hoạt động karaoke, vũ trường, kinh doanh trung tâm thương mại, thể dục thể thao.

Khoảng thời gian từ 15/9 đến 31/10/2021, toàn thành phố sẽ có khoảng 80% người trên 18 tuổi tiêm vaccine mũi 1, Thành phố sẽ mở dần giãn cách từ các quận huyện "vùng xanh" như Quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ. Cũng trong thời gian này, Thành phố xem xét mở lại các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức để đảm bảo chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân, bởi thực tế năng lực của các hệ thống siêu thị trong thành phố chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng.

Giai đoạn 2 từ 31/10/2021 đến  15/1/2022, TP Hồ Chí Minh sẽ mở lại các hoạt động cho người có "thẻ xanh" COVID-19 là trung tâm thương mại, trung tâm thể dục thể thao, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống. Trong hai giai đoạn này, người có "thẻ vàng" hạn chế hơn trong việc đi lại làm việc sản xuất như thực hiện "1 cung đường, 2 điểm đến", làm việc "3 tại chỗ".

Giai đoạn 3 kể từ ngày 15/1/2022 trở đi, mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế, các hoạt động sản xuất kinh doanh tụ tập đông người bắt buộc phải có "thẻ xanh" COVID-19.

Song song với các hoạt động nới lỏng giãn cách tại TP Hồ Chí Minh, hoạt động kết nối chuỗi cung ứng, liên kết tiêu dùng với người dân thành phố cũng được UBND TP Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu để người dân yên tâm thực hiện các giải pháp nới lỏng tiếp theo.

Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống COVID-19

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1497/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Hội đồng và phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng, thi đua phòng chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”, ngày 14/8/2021. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo Quyết định, phong trào thi đua được triển khai sâu rộng, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, các đơn vị và doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Mục tiêu cụ thể của kế hoạch nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tập trung cao nhất mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 với phương châm “phòng là cơ bản, chiến dịch lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên”, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe nhân dân. 

Ngoài ra, kế hoạch đề cao tinh thần thi đua, khuyến khích sáng tạo, phát huy sáng kiến huy động mọi nguồn lực, đề xuất các giải pháp và biện pháp trên mọi lĩnh vực để đẩy lùi dịch bệnh, hạn chế thiệt hại về người tài sản. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng nhằm tổ chức phong trào thi đua với nội dung, hình thức phong phú, phù hợp, thiết thực nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và tinh thần quốc tế cao đẹp, động viên, lôi cuốn các cấp, ngành và toàn thể nhân dân tích cực chủ động tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19.

Các bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp căn cứ đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ và đối tượng cụ thể phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ưu tiên cao nhất mọi nguồn lực và khả năng cho công tác phòng, chống dịch. Phát động, triển khai phong trào thi đua với nội dung, tiêu chí cụ thể, hình thức phù hợp, thiết thực tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, quyết tâm cao hơn nữa trong hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua…

Chính phủ đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học... ở trong và ngoài nước tiếp tục có nhiều đề xuất sáng tạo, chung tay, góp sức, chia sẻ, đồng hành cùng Chính phủ và các ngành, các địa phương trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.

Hải Yên/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19 ngày 9/9: Hà Nội tập trung xét nghiệm, tiêm chủng; thêm 12.420 ca nhiễm mới
Tổng hợp COVID-19 ngày 9/9: Hà Nội tập trung xét nghiệm, tiêm chủng; thêm 12.420 ca nhiễm mới

Ngày 9/9, dư luận quan tâm đến các thông tin nổi bật về phòng chống dịch COVID-19 như: Nhiều tín hiệu khả quan trong kiểm soát dịch ở TP Hồ Chí Minh; trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 được hỗ trợ 1 triệu đồng; Hà Nội tập trung cao độ cho công tác xét nghiệm và tiêm chủng; Việt Nam có 12.420 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, có 272 ca tử vong…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN